14/01/2023 13:59 GMT+7

Thủ tướng không hài lòng trước tình trạng các bộ đùn đẩy, 'đá qua đá lại', sợ trách nhiệm

Phát biểu tại hội nghị tổng kết của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thủ tướng cho biết ông không hài lòng trước tình trạng sợ trách nhiệm, được ví như rê dắt bóng, "rê dắt hết chỗ này, rê dắt đến chỗ kia".

Thủ tướng không hài lòng trước tình trạng các bộ đùn đẩy, đá qua đá lại, sợ trách nhiệm - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị - Ảnh: TỐNG GIÁP

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói như vậy tại Hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sáng 14-1.

Thủ tướng: Có tình trạng sợ trách nhiệm 

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập bộ máy hiện nay tuy đã tinh giản nhưng vẫn còn tầng nấc trung gian, đơn cử như cấp tổng cục tạo thêm một nấc hành chính. Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá mô hình Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cần để lại bộ hay để tại các bộ, các địa phương thì hiệu quả hơn.

Người đứng đầu Chính phủ cũng bày tỏ không hài lòng trước tình trạng một số việc bị các bộ đùn đẩy, "đá qua đá lại", sợ trách nhiệm. "Nếu cán bộ quan liêu thì mất thời gian. Hiện nay cứ đá lên đá xuống, ông nào cũng sợ trách nhiệm. Trách nhiệm bộ nào thì bộ đó phải làm, phải nói, được hay không được thì phải nói, không thể cứ đá lên đá xuống" - Thủ tướng nói. 

Nhắc lại chia sẻ tại hội nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 13-1, Thủ tướng nêu rõ: "Các bộ cũng rê dắt, rê dắt hết chỗ này, rê dắt đến chỗ kia. Trong đá bóng thì rê dắt được, còn đây công việc chính cũng rê dắt… Ban bóng nhiều quá thì cũng phức tạp, rê dắt nhiều thì coi như mất cơ hội".

Từ đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành phải vì dân thực sự, phải giải quyết bức xúc, đơn thư, tố cáo của người dân. Cơ quan chức năng phải lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm.

Đối với công tác của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thủ tướng đánh giá cao tinh thần nỗ lực cùng cả hệ thống chính trị để nghiên cứu, đề xuất xây dựng các chính sách hỗ trợ hàng chục triệu người vượt qua khó khăn thời COVID-19, hậu COVID-19 với tổng giá trị hỗ trợ từ các chính sách lên tới hơn 100.000 tỉ đồng. 

Năm 2022, lao động có việc làm tăng 1,5 triệu người, thu nhập bình quân tăng 1 triệu đồng/tháng, đưa gần 143.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài... Cùng với đó, công tác giảm nghèo, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, người cao tuổi, chăm lo cho người có công được thực hiện khá toàn diện, hiệu quả.

Tại hội nghị, Thủ tướng dành nhiều thời gian để nói về câu chuyện nâng cao năng suất lao động, đào tạo nghề chất lượng cao, chuẩn bị nguồn nhân lực đón doanh nghiệp nước ngoài. Dẫn câu chuyện Nhà máy lọc dầu Dung Quất, toàn bộ chuyên gia Việt Nam đã có thể tự làm chủ, quản lý mà không cần chuyên gia nước ngoài ở đó. 

Tới Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Thủ tướng hỏi: "Nếu chuyển giao công nghệ thì anh em có làm được không?". Các kỹ sư, cán bộ nói "hoàn toàn làm được". 

Từ hai câu chuyện trên, Thủ tướng khẳng định khi Việt Nam xây dựng được nền kinh tế độc lập tự chủ sẽ không phụ thuộc vào nước ngoài, giảm thua thiệt. Gốc của vấn đề là nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng, chính sách hấp dẫn để hỗ trợ các doanh nghiệp FDI "rót vốn" đầu tư.

Thủ tướng không hài lòng trước tình trạng các bộ đùn đẩy, đá qua đá lại, sợ trách nhiệm - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh sửa Luật việc làm, Luật bảo hiểm xã hội là những chính sách trọng tâm của ngành trong năm 2023 - Ảnh: TỐNG GIÁP

Hơn 100.000 tỉ đồng hỗ trợ người dân hai năm qua

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, hai năm qua Nhà nước đã dành 104.000 tỉ đồng để hỗ trợ trên 68 triệu người dân, hơn 1,4 triệu doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. 

Đồng thời, toàn ngành thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách trợ cấp thường xuyên cho gần 1,2 triệu người có công với cách mạng với kinh phí trên 29.000 tỉ đồng. Công tác tặng quà của Chủ tịch nước cho người có công, thực hiện đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin... đạt nhiều thành tựu. 

Tuy vậy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng các thách thức còn nhiều như già hóa dân số, việc làm chất lượng và tiền lương thỏa đáng, biến đổi khí hậu, bao phủ bảo hiểm xã hội... 

Thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục rà soát, triển khai kịp thời các chính sách an sinh xã hội, nhất là người có công, đối tượng yếu thế và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. 

Bộ cũng chăm lo, tạo môi trường an toàn để bảo đảm phát triển đầy đủ quyền của trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em. Đồng thời, toàn ngành đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng bảo đảm kịp thời, hiệu quả. 

Tin tức sáng 13-1: Yêu cầu hỗ trợ lao động mất việc; Có thể thêm biến thể COVID-19 mớiTin tức sáng 13-1: Yêu cầu hỗ trợ lao động mất việc; Có thể thêm biến thể COVID-19 mới

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu sử dụng phí công đoàn hỗ trợ lao động mất việc; Có thể có thêm biến thể COVID-19 mới nguy hiểm và dễ lây lan hơn mặc dù cả nước hiện chỉ có 7 ca COVID-19 chuyển nặng là tin tức đáng chú ý sáng nay.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên