Ngày 12-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ 5 của Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Thủ tướng cho biết trong nhiệm kỳ 2021-2026, Nhà nước bố trí khoảng 400.000 tỉ đồng cho phát triển giao thông. Đây là số vốn lớn nhất trong các ngành, lĩnh vực và chiếm khoảng một nửa tổng vốn đầu tư công.
Các bộ, ngành phải thấy rõ tầm quan trọng của dự án đầu tư công
Thủ tướng đề nghị các địa phương nhận thức rõ tầm quan trọng của đầu tư công, các công trình hạ tầng giao thông chiến lược, bởi đường đi đến đâu mở ra không gian phát triển đến đó, đô thị, dịch vụ phát triển đến đó. Không có đường thì không thể phát triển công nghiệp.
Để thúc đẩy đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; sớm phê duyệt các dự án; giải phóng mặt bằng phải tích cực; tổ chức thi công khẩn trương, "3 ca 4 kíp".
Đồng thời, các địa phương phải cấp phép mỏ, cung cấp đủ nguyên vật liệu xây dựng cho các nhà thầu. Từ đó thông qua đầu tư công để đưa nguồn vốn vào nền kinh tế; kích hoạt các hoạt động kinh tế, thúc đẩy phát triển; tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
Ông lưu ý cần tích cực, chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, điều hành; phối hợp chặt chẽ, tháo gỡ các vướng mắc, không được "quyền anh, quyền tôi"; phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm… để thúc đẩy các công trình, dự án.
Trước đó, báo cáo của Bộ Giao thông vận tải cho hay đã tập trung nguồn lực để tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng cho các dự án lớn.
Các bộ ngành liên quan thẩm định chủ trương đầu tư đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận; điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên, cao tốc Bến Lức - Long Thành, giải phóng mặt bằng cảng hàng không quốc tế Long Thành; tham mưu Thủ tướng giao kế hoạch vốn cho các dự án đường bộ cao tốc.
Còn nhiều vướng mắc trong triển khai dự án
Cùng với đó là việc tăng cường giám sát, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, ngăn chặn thông thầu, bán thầu. Đảo đảm an ninh, trật tự tại các công trường thi công, giải phóng mặt bằng. Tháo gỡ vướng mắc trong cung cấp vật liệu san lấp tại dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây…
Với các dự án trọng điểm cụ thể, Bộ Giao thông vận tải cho hay, với dự án sân bay Long Thành, công tác san nền đạt 71,9/115 triệu m3 (đạt 62,5%). Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang mời thầu gói thầu (5.10) đường băng của dự án.
Với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, hiện đang tập trung nhân lực thi công “3 ca, 4 kíp”. Trọng tâm là đưa vào khai thác tuyến cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây trước ngày 30-4; đôn đốc tiến độ 6 dự án thành phần còn lại. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công 25 gói thầu thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Bộ Giao thông vận tải nhận định, giải phóng mặt bằng vẫn là “điểm nghẽn”, dù tập trung tháo gỡ nhưng chưa liên tục, vướng một số vị trí tiếp cận thi công. Ngoài ra là vấn đề cung ứng vật liệu cát đắp nền; chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, vốn vay, vốn ODA phải qua nhiều thủ tục.
Đáng chú ý, trong triển khai nhiệm vụ còn tình trạng né tránh trách nhiệm. Thủ tục hành chính còn rườm rà, kéo dài. Một số hướng dẫn của cơ quan quản lý còn chung chung nên cách hiểu khác nhau, chưa thực sự giải quyết được vướng mắc.
Do đó bộ kiến nghị các bộ ngành, địa phương cần tích cực vào cuộc. Có trách nhiệm tháo gỡ vướng mắc, giảm bớt thủ tục hành chính. "Không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm nhằm đáp ứng yêu cầu rất cao về chất lượng và tiến độ”, Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.
Bộ này cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành liên quan tập trung đưa vào khai thác 3 tuyến cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây trước ngày 30-4. Tập trung tháo gỡ các vướng mắc về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất trồng lúa... đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận