17/07/2021 10:32 GMT+7

TP.HCM lập thêm một bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng

TUYẾT MAI - THẢO LÊ
TUYẾT MAI - THẢO LÊ

TTO - Sáng 17-7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc trực tuyến với TP.HCM về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tham dự hội nghị có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.

TP.HCM lập thêm một bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong - Ảnh: TRUNG TÂM BÁO CHÍ

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong - chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết TP đang điều trị 20.800 trường hợp dương tính, trong đó 306 ca đang thở máy, 8 trường hợp cần can thiệp ECMO.

Theo ông Phong, quan tâm lớn nhất của TP hiện nay là tập trung điều trị F0 nặng và ngăn chặn tử vong. TP đã làm việc với Sở Y tế chỉ đạo rà soát và hoàn thiện tiếp nhận F0 và chuyển bệnh nhân về bệnh viện điều trị COVID-19.

Theo ông Phong, do số F0 tăng nhanh gây áp lực cho ngành y tế, TP đã thiết lập bệnh viện điều trị bệnh nhân nặng với 1.000 giường tại TP Thủ Đức. Hiện TP cũng đang có cơ sở điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới với 300 giường và Bệnh viện Chợ Rẫy với 300 giường.

Tuy nhiên, Sở Y tế cũng ý kiến với TP.HCM đề nghị Bộ Quốc phòng và báo cáo Chính phủ xin phép thiết lập thêm bệnh viện chữa trị bệnh nhân mắc COVID-19 nặng tại Bệnh viện 175. Đến sáng 17-7, Bộ Quốc phòng đã chấp thuận việc này. 

Ông Phong cho biết hiện nay có tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly, người dân vẫn còn giao lưu với nhau. TP đã kiên quyết yêu cầu các địa phương giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời phải tăng cường năng lực của tổ COVID-19 cộng đồng để kiểm tra, giám sát tại khu vực này.

TP cũng đã tiếp nhận chi viện từ các tỉnh thành với 172 y, bác sĩ từ Hà Nam, Thái Bình…

Đến nay, TP đã lấy 1,9 triệu mẫu xét nghiệm PCR tại khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu chế xuất, khu công nghiệp, có 250.000 mẫu đang chờ kết quả. Test nhanh đã thực hiện khoảng 1,2 triệu test.

Về cung ứng hàng hóa, sức mua tại chợ truyền thống ngày 16-7 giảm 10%, do người dân ít ra ngoài, giá chợ cao hơn so với siêu thị. Mãi lực tại các siêu thị cũng giảm 5-10%, không còn tình trạng xếp hàng ùn ứ như các ngày trước.

Hiện nay Sở Công thương đang kết hợp các quận huyện tổ chức lại chợ với hình thức phân ô kẻ vạch.

Đến ngày 16-7, TP đã chi hỗ trợ cho 220.000/232.000 người với 330 tỉ đồng cho người lao động gặp khó khăn, lao động tự do. Các quận huyện cũng chủ động vận động nguồn lực xã hội với hơn 100 tỉ đồng để chăm lo kịp thời cho người dân.

Về đảm bảo an toàn trong sản xuất, ông Nguyễn Thành Phong cho biết TP đã yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện quy định "3 tại chỗ" và "2 địa điểm 1 cung đường". Hiện nay TP chỉ còn 586/440.000 doanh nghiệp hoạt động với 70.000 công nhân. Riêng tại khu chế xuất, khu công nghiệp có 680 doanh nghiệp hoạt động với khoảng 85.000 công nhân.

Cách chức hoặc đề nghị cách chức người không thực hiện nghiêm chỉ đạo

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Nên - bí thư Thành ủy TP.HCM - cho biết tình hình dịch bệnh tại TP.HCM diễn biến phức tạp. Số ca F1, F0 ngày càng tăng, không chỉ ở nơi phong tỏa mà còn ở ngoài cộng đồng, khu công nghiệp có đông công nhân.

Hệ thống y tế nhiều nơi đã quá tải, thiếu nhân lực, trang bị y tế. TP cũng đã nhận được sự ủng hộ tích cực của Bộ Y tế để tăng cường nguồn nhân lực, chuẩn bị bệnh viện dã chiến và trang thiết bị.

Ông Nên cũng đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quốc gia có cơ chế mua và nhập nhanh nhất các trang thiết bị vì một số thiết bị trong nước không đủ cung ứng, nhất là khâu hồi sức cấp cứu.

Bí thư Thành ủy TP cũng yêu cầu Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP phân công cụ thể cho hệ thống chính trị, giao cho các cấp ủy tăng cường xuống các cơ sở để giám sát, cùng lực lượng thực hiện phòng, chống dịch.

Hiện tại, nhiều nơi còn xuất hiện người dân tụ tập bất chợt như người dân tụ lại phân phối thực phẩm. Việc chia sẻ, phân phối này sẽ tạo điều kiện cho việc lây lan dịch.

"Chúng ta rà soát, truy vết, xét nghiệm để tìm F0 nhưng những nơi khác lại lây nhiễm thì công tác chống dịch sẽ khó kết thúc như thời gian đề ra", ông Nên nói.

Việc này dù khó quản lý nhưng phải phân công nhân lực tự quản, giảm sát từng địa bàn để kịp thời ngăn chặn việc tụ tập, nhất là những nơi có nguy cơ cao.

Nếu nơi nào không thực hiện nghiêm thì xử lý nghiêm khắc. Thậm chí là cách chức, đề nghị cách chức người không chấp hành, thực hiện đúng quy định, chỉ đạo phòng, chống dịch.

TP.HCM cấp tốc xây dựng 2 bệnh viện dã chiến TP.HCM cấp tốc xây dựng 2 bệnh viện dã chiến

TTO - Hàng trăm công nhân đang cấp tốc thi công hai bệnh viện dã chiến tại quận 7 và huyện Bình Chánh (TP.HCM) để sớm bàn giao, đưa vào sử dụng. Cả hai bệnh viện này đều khởi công ngày 8-7.

TUYẾT MAI - THẢO LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên