13/03/2019 16:56 GMT+7

TP.HCM khảo sát 'trải nghiệm' người bệnh điều trị nội trú

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Lần đầu tiên bộ câu hỏi khảo sát trải nghiệm của người bệnh trong thời gian điều trị nội trú tại bệnh viện được Sở Y tế TP.HCM áp dụng. Đây được xem là “công cụ” cải tiến chất lượng, hướng đến sự hài lòng của người bệnh.

TP.HCM khảo sát trải nghiệm người bệnh điều trị nội trú - Ảnh 1.

Bộ khảo sát trải nghiệm của người bệnh trong thời gian điều trị nội trú tại bệnh viện Sở Y tế TP.HCM áp dụng - Nguồn Sở Y tế TP.

Theo Sở Y tế, bộ câu hỏi dùng để khảo sát trải nghiệm người bệnh được nhóm nghiên cứu của sở phối hợp với trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch xây dựng, thử nghiệm, hiệu chỉnh sau một thời gian nghiên cứu.

Bộ câu hỏi gồm 46 câu trắc nghiệm và 3 câu tự luận. Trong đó chia ra 5 nội dung quan trọng gồm thông tin chung của người được phỏng vấn; trải nghiệm lúc nhập viện; trải nghiệm trong thời gian nằm viện; trải nghiệm chi trả viện phí; trải nghiệm trước khi xuất viện và nhận xét chung về bệnh viện.

Đặc biệt bộ câu hỏi khảo sát này dành một dung lượng khá lớn xoáy vào vấn đề khá nhức nhối bấy lâu nay là tinh thần thái độ phục vụ của nhân viên y tế, hoạt động khám chữa bệnh và các tiện ích phục vụ người bệnh.

TP.HCM khảo sát trải nghiệm người bệnh điều trị nội trú - Ảnh 2.

Bộ câu hỏi khảo sát này dành một dung lượng khá lớn xoáy vào vấn đề khá nhức nhối bấy lâu nay là tinh thần thái độ phục vụ của nhân viên y tế - Nguồn Sở Y tế

Theo Sở Y tế, bộ câu hỏi này sẽ được áp dụng triển khai ở các bệnh viện công lập và tư nhân trên địa bàn TP.HCM. Tần suất khảo sát định kỳ ít nhất 2 lần/năm (6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm), khuyến khích các bệnh viện khảo sát định kỳ và thường xuyên mỗi tháng hoặc mỗi quí.

Đối tượng khảo sát gồm người bệnh (16 tuổi trở lên), thân nhân/ người chăm sóc (18 tuổi trở lên). Đặc biệt người bệnh phải điều trị nội trú các khoa lâm sàng trong thời gian nghiên cứu, không mắc các bệnh ảnh hưởng đến nhận thức và tri giác. Thời điểm khảo sát sau khi người bệnh hoàn tất đầy đủ thủ tục xuất viện, chuẩn bị rời khỏi bệnh viện.

Trong nỗ lực cải tiến chất lượng, hướng đến sự hài lòng của người bệnh, trước đó Sở Y tế TP triển khai hệ thống đường dây nóng, ki-ốt "khảo sát ý kiến không hài lòng của người bệnh đến khám bệnh tại khoa khám bệnh của các bệnh viện".

Đảm bảo độ tin cậy, đại diện

Theo Sở Y tế, để bảo đảm độ tin cậy và tính đại diện, đồng thời giúp bệnh viện xác định chính xác những vấn đề còn hạn chế, việc chọn mẫu phải đảm bảo đầy đủ các khoa trong bệnh viện và căn cứ dựa theo số lượng người bệnh xuất viện tại các khoa bệnh viện tiến hành chọn mẫu ngẫu nhiên.

Cụ thể, đối với bệnh viện có trên 500 giường, lượng người bệnh cần khảo sát ít nhất là 100 người bệnh/đợt khảo sát; bệnh viện từ 200 - 500 giường, lượng người bệnh cần khảo sát ít nhất là 50 người bệnh/đợt khảo sát và bệnh viện dưới 200 giường lượng người bệnh cần khảo sát ít nhất là 30 người bệnh/đợt khảo sát

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên