Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM đã chuyển đổi công năng thành Bệnh viện điều trị COVID-19 Trưng Vương TP.HCM theo quyết định của Sở Y tế TP.HCM - Ảnh: XUÂN MAI
Thanh tra Sở Y tế TP.HCM vừa phát thông tin cảnh báo hiện nay đã có nhiều người bị gọi, hỏi thăm từ đầu số 10881119 tự xưng là ban chỉ đạo chống dịch và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng...
Theo thanh tra sở, đầu số 10881119 là giả mạo, số tổng đài y tế chính xác là 18001119.
Ngoài ra, Bệnh viện điều trị COVID-19 Trưng Vương TP.HCM (Bệnh viện Trưng Vương) cũng thông báo người dân cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo, kêu gọi tài trợ cho bệnh viện trên mạng xã hội.
Theo bác sĩ Lê Thanh Chiến - giám đốc bệnh viện, hiện một số trang mạng xã hội lấy danh nghĩa "ủng hộ Bệnh viện Trưng Vương trong tuyến đầu chống dịch" để kêu gọi quyên góp tiền, hiện vật... Cơ quan chức năng phát hiện đây là hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt.
"Lợi dụng thời điểm bệnh viện chuyển đổi công năng điều trị bệnh nhân COVID-19, có những tài khoản cá nhân kêu gọi cộng đồng đóng góp cho bệnh viện trên mạng xã hội. Bệnh viện ý thức được việc này nên đã có thông báo gửi đến cơ quan chức năng, báo đài để thông tin rộng rãi đến các nhà hảo tâm ủng hộ đúng nơi tiếp nhận" - bác sĩ Chiến nói.
Hiện Bệnh viện điều trị COVID-19 Trưng Vương chỉ trực tiếp tiếp nhận tài trợ về vật phẩm, đồ dùng... thông qua đầu mối duy nhất là phòng công tác xã hội, số điện thoại (028) 54484949, hoặc bà Hồ Thị Hòa - phó trưởng phòng công tác xã hội, số điện thoại 0918 348939.
Các khoản ủng hộ bằng tiền và thiết bị y khoa, Bệnh viện điều trị COVID-19 Trưng Vương chỉ được phép thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Còn tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, nhiều đối tượng lừa đảo đã mạo danh, sử dụng các đầu số điện thoại lạ, tự nhận là “bác sĩ” của bệnh viện để tư vấn sức khỏe và yêu cầu người bệnh mua thuốc.
Nhân viên y tế xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM vào ngày 16-6 - Ảnh: NHẬT THỊNH
Các đối tượng khuyên người bệnh không nên đến bệnh viện trong giai đoạn giãn cách xã hội, nên tự mua thuốc tại nhà hoặc hướng dẫn người nhà mua thuốc tại nhà thuốc ngoài bệnh viện để được giảm giá 50%.
Một thủ đoạn khác là các đối tượng này yêu cầu người bệnh chuyển tiền vào tài khoản riêng của các “bác sĩ” để mua thuốc và được gửi về tận nhà.
Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM khuyến cáo người bệnh, người nhà cần nâng cao cảnh giác với các hành vi lừa đảo nêu trên. Nếu nghi ngờ có bất thường, nên liên hệ ngay với bệnh viện để được hỗ trợ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận