18/02/2023 15:06 GMT+7

TP.HCM: 4 triệu lượt người đọc sách điện tử trong năm 2022

Năm 2022, TP.HCM có tốc độ tăng trưởng ngành xuất bản điện tử khá cao với 3.200 đầu sách điện tử được xuất bản và khoảng 4 triệu lượt người dùng.

TP.HCM: 4 triệu lượt người đọc sách điện tử trong năm 2022 - Ảnh 1.

Đại diện Công ty cổ phần sách điện tử WAKA chia sẻ về nền tảng số hỗ trợ xuất bản - Ảnh: H.VY

Thông tin trên được ông Lâm Đình Thắng - giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM - đưa ra tại buổi hội thảo 'Giới thiệu các nền tảng số hỗ trợ cho xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử' ngày 18-2 tại Trung tâm Báo chí TP.HCM.

Giới thiệu các nền tảng số hỗ trợ cho xuất bản

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo - phó cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, sau hơn 10 năm nghiên cứu và đầu tư, đến nay đã có 19 nhà xuất bản và 13 doanh nghiệp tham gia phát hành xuất bản phẩm điện tử với nhiều loại hình sản phẩm đa dạng.

Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường này chưa bứt phá, chưa theo kịp xu hướng phát triển của công nghệ. Các nhà xuất bản còn do dự trong việc lựa chọn hướng đầu tư, phát triển sản phẩm mới có sự kết hợp của công nghệ số. Đây không phải là câu chuyện lựa chọn, mà liên quan đến sự tồn tại của ngành xuất bản.

Hội thảo là dịp để các đơn vị giới thiệu những nền tảng số đã và đang triển khai, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm kết nối với các nhà xuất bản để phát triển thị trường đầy tiềm năng này.

Tại hội thảo, đại diện 6 doanh nghiệp gồm Công ty CP Công nghệ VHMT Việt Nam, Công ty CP Đầu tư và Phát triển giải pháp công nghệ V&V, Công ty CP FONOS, Công ty CP Công nghệ WEWE, Công ty CP sách điện tử WAKA và Công ty CP REAVOL giới thiệu những nền tảng công nghệ phù hợp xu hướng chuyển đổi số trong xuất bản và phát hành.

Các nền tảng công nghệ được trình bày đều nhằm hỗ trợ nhà xuất bản và các đơn vị phát hành giảm chi phí về cơ sở hạ tầng, nhân lực, thiết bị công nghệ, vận hành, khai thác thị trường, đồng thời xây dựng mạng xã hội để kết nối hoạt động của ngành xuất bản, xây dựng nền tảng phát triển thị trường, kết nối bạn đọc với sách...

TP.HCM: 4 triệu lượt người đọc sách điện tử trong năm 2022 - Ảnh 2.

Ông Lâm Đình Thắng, giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM, phát biểu tại hội thảo - Ảnh: H.VY

Cần hình thành một thế hệ sản xuất nội dung mới

Theo ông Lâm Đình Thắng, năm 2022 TP.HCM có tốc độ tăng trưởng ngành xuất bản điện tử khá cao, khoảng 312% so với năm 2021.

Xu hướng chuyển đổi số và nhu cầu thưởng thức sách của người dân đang thay đổi nhanh chóng, đặt ra nhiều thách thức cả về chính sách, công nghệ, mô hình kinh doanh và sản phẩm phục vụ công chúng.

Sở đánh giá rất cao những nền tảng công nghệ vừa được giới thiệu, và sẽ tiếp tục đồng hành với các đơn vị xuất bản, các công ty công nghệ trong chuyển đổi số...

TP.HCM: 4 triệu lượt người đọc sách điện tử trong năm 2022 - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, góp ý tại hội thảo - Ảnh: H.VY

Ông Nguyễn Thanh Lâm - thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, góp ý chuyển đổi số không chỉ là tạo không gian để phát triển phiên bản số cho sách truyền thống, mà cần hình thành một thế hệ sản xuất nội dung mới phù hợp để phục vụ người đọc, người nghe trên nền tảng số.

Bên cạnh đó, cần kết nối sản phẩm số của ngành xuất bản với hai hệ sinh thái lớn là ngân hàng và viễn thông, qua đó tiếp cận thêm nhiều tệp khách hàng lớn quen tiêu dùng trên không gian số, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Một số mục tiêu cụ thể đến năm 2025 theo kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành giai đoạn 2021-2025 do Bộ Thông tin - Truyền thông ban hành ngày 7-9-2021 gồm:

- Số lượng xuất bản phẩm điện tử (tính theo đầu sách) chiếm 15% tổng số xuất bản phẩm xuất bản hằng năm.

- 90% nhà xuất bản thực hiện quy trình biên tập, đọc duyệt nội dung trên nền tảng công nghệ số.

- 100% các đơn vị trong ngành hoàn thành kết nối với cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành.

- Cung cấp, lưu trữ hệ thống dữ liệu báo cáo tổng hợp về hoạt động xuất bản trong nước, khu vực và quốc tế, chia sẻ liên thông với các đơn vị bên ngoài.

Mất 12 năm để tăng thêm 3 bản sách/người/nămMất 12 năm để tăng thêm 3 bản sách/người/năm

Năm 2022, lần đầu tiên ngành xuất bản cán mốc mục tiêu 6,02 bản sách/người/năm, nhưng hơn một nửa trong đó là sách giáo khoa!

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên