Ứng cử viên Trần Lưu Quang - bí thư Thành ủy TP Hải Phòng - trình bày chương trình hành động tại hội nghị tiếp xúc vận động bầu cử trực tuyến - Ảnh: TIẾN LONG
Đây là hội nghị tiếp xúc vận động bầu cử đại biểu Quốc hội trực tuyến đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM.
Trước đó, theo kế hoạch, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận 7 sẽ tổ chức 3 buổi tiếp xúc trực tiếp để các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị số 9 vận động bầu cử.
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận 7 đã xin ý kiến các cơ quan cấp trên để tổ chức hội nghị trực tuyến.
Hội nghị tiếp xúc trực tuyến được tổ chức tại 12 điểm cầu, với điểm cầu chính được đặt ở Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận 7. Tại điểm cầu chính có 280 cử tri tham dự. Các ứng cử viên đại biểu Quốc hội đơn vị số 9 tham dự tại điểm cầu này để trình bày chương trình hành động và lắng nghe ý kiến cử tri.
11 điểm cầu còn lại đặt tại Trung tâm hành chính quận 7 (với 140 cử tri) và 10 phường thuộc quận 7 (trung bình có 65-80 cử tri/điểm cầu).
Tại buổi tiếp xúc, cử tri ở các điểm cầu lần lượt được đăng ký phát biểu, đường truyền âm thanh về điểm cầu chính rõ ràng. Sau đó, các ứng cử viên có phần trao đổi lại.
Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận 7 cho biết ngoài hội nghị tiếp xúc trực tuyến, quận 7 sẽ tổ chức các buổi trao đổi về bầu cử tại gần 800 tổ dân phố trên địa bàn quận 7. Mỗi buổi trao đổi với sự tham dự có 15-20 cử tri để nghe tiểu sử tóm tắt, chương trình hành động của các ứng cử viên và phổ biến thông tin về bầu cử.
Ngoài ra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận 7 đang xin ý kiến để chuyển việc tiếp xúc cử tri với ứng cử viên HĐND TP.HCM nhiệm kỳ 2021-2026 từ 5 buổi trực tiếp sang một buổi trực tuyến.
Thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển giáo dục
Ứng cử viên Lâm Đình Thắng - giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM - trình bày chương trình hành động - Ảnh: TIẾN LONG
Tại hội nghị, ứng cử viên Lâm Đình Thắng - giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM - cho biết ông sẽ góp phần tham mưu cho TP triển khai nhanh chóng đề án xây dựng đô thị thông minh và chương trình chuyển đổi số tại thành phố.
Kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ những chính sách, chủ trương thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số của quốc gia và địa phương. Từ đó, giúp cho cuộc sống người dân, nhất là người dân ở vùng nông thôn, vùng đang đô thị hóa, phát triển; công việc của cơ quan nhà nước nhanh, hiệu quả và doanh nghiệp không bị phiền hà, hoạt động thuận lợi.
Ứng cử viên Lê Hoài Nam - phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM - cho biết được lựa chọn, ông sẽ góp phần đẩy mạnh việc bồi dưỡng nâng chuẩn cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và cải thiện chế độ chính sách cho giáo viên. Tăng cường đầu tư các nguồn lực cho phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là việc xây dựng trường lớp, nhà vệ sinh cho học sinh vùng núi, khó khăn. Hoàn thành tốt việc hỗ trợ sinh viên khó khăn.Ứng cử viên Nguyễn Trần Phượng Trân - chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM - cho hay bà sẽ quan tâm đến việc thực hiện Luật bình đẳng giới. Đồng thời quan tâm các chính sách an sinh xã hội như: bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, chính sách người có công, các chính sách đối với người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ và trẻ em… để họ được chăm sóc và bảo vệ tốt hơn.
Ứng cử viên Dương Văn Thắng - thiếu tướng, phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao, chánh án Tòa án quân sự trung ương - cho biết với kiến thức và kinh nghiệm hơn 29 năm công tác tại tòa án, ông sẽ tích cực tham gia xây dựng pháp luật, giám sát việc thực hiện pháp luật và tham gia hoạch định chính sách quan trọng của đất nước.
Kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, loại bỏ những hành vi "hành dân", "hách dịch, cửa quyền". Đổi mới thủ tục hành chính tư pháp, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận