21/05/2023 16:47 GMT+7

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc: 'Đã đến lúc phải cải tổ Hội đồng Bảo an'

Ngày 21-5, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho rằng đã đến lúc phải cải tổ cả Hội đồng Bảo an và thỏa thuận Bretton Woods để phù hợp với 'thực tế của thế giới ngày nay'.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc: Đã đến lúc phải cải tổ Hội đồng Bảo an - Ảnh 1.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres (bên phải) bắt tay Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trong cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo G7 ở Hiroshima, Nhật Bản ngày 21-5 - Ảnh: REUTERS

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Hiroshima (Nhật Bản) ngày 21-5, ông Guterres cho biết cả hai thể chế là Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và thỏa thuận Bretton Woods đều phản ánh mối quan hệ quyền lực của năm 1945 và cần được cập nhật. 

"Cấu trúc tài chính toàn cầu đã lỗi thời, rối loạn chức năng và không công bằng. Khi đối diện với những cú sốc kinh tế do đại dịch COVID-19 và chiến sự Nga - Ukraine, nó đã thất bại trong việc hoàn thành chức năng cốt lõi của mình như một mạng lưới an toàn toàn cầu", ông Guterres nhấn mạnh tại Hiroshima - nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G7. 

Hệ thống tài chính - tiền tệ thế giới hiện nay được hình thành từ năm 1944, sau cuộc họp của 730 đại biểu đến từ 44 quốc gia tại thành phố Bretton Woods (bang New Hampshire, Mỹ) để xây dựng hệ thống tài chính thế giới sau chiến tranh, tránh nguy cơ tái diễn khủng hoảng kinh tế.

Tại đây, các nước đã thống nhất thành lập ra một hệ thống tài chính được gọi là Bretton Woods - bao gồm Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và chế độ tỉ giá hối đoái cố định được xây dựng quanh đồng USD gắn với vàng.

Tuy nhiên, từ hơn 10 năm qua, hệ thống Bretton Woods bị cho là đã quá lỗi thời và không còn phù hợp với xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra sâu rộng và cán cân địa kinh tế - chính trị đang thay đổi. 

Cấu trúc hệ thống tài chính thế giới sau khủng hoảng sẽ như thế nào đang là câu hỏi lớn được đặt ra.

Bên cạnh đó, việc cải tổ Hội đồng Bảo an cũng được nhiều quốc gia kêu gọi, trong đó có Việt Nam. Ngày 17-11-2022, Đại sứ Đặng Hoàng Giang - trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc - kêu gọi cải tổ Hội đồng Bảo an để giúp cơ quan này ứng phó tốt hơn đối với các thách thức toàn cầu.

Gần đây Trung Quốc cũng từng lên tiếng về cải tổ Hội đồng Bảo an. Bắc Kinh đề nghị Hội đồng Bảo an dành tiếng nói có trọng lượng hơn cho các quốc gia nhỏ. 

Tại kỳ họp lần thứ 77 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc năm ngoái, ngoại trưởng nhóm "Bộ tứ kim cương" gồm các nước Nhật Bản, Mỹ, Úc và Ấn Độ đã cam kết thúc đẩy cải tổ Liên Hiệp Quốc, trong đó có nội dung tăng thêm số thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc: Một đồng thuận khó khănHội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc: Một đồng thuận khó khăn

TTO - Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng đã "nói cùng một giọng về hòa bình ở Ukraine", với tuyên bố chung đầu tiên được thông qua kể từ khi cuộc chiến nổ ra, song vẫn còn quá nhiều việc phải làm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên