07/06/2019 14:03 GMT+7

Tổng thống Putin: Nga bỏ xa các đối thủ trong chế tạo vũ khí siêu thanh

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Tuyên bố Nga sẵn sàng rút khỏi Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) với Mỹ, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Matxcơva có những vũ khí tối tân nhất để bảo vệ an ninh.

Tổng thống Putin: Nga bỏ xa các đối thủ trong chế tạo vũ khí siêu thanh - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: REUTERS

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg, Tổng thống Putin khẳng định "nếu không ai muốn gia hạn thỏa thuận này - New START - thì tốt thôi, chúng tôi sẽ không làm điều đó" dù nếu không còn thỏa thuận này đồng nghĩa với việc "sẽ không có các công cụ để hạn chế chạy đua vũ trang", theo Hãng tin TASS.

"Điều đó có nghĩa rằng vũ khí hạt nhân sẽ treo trên đầu tất cả chúng ta. Nếu chúng ta không kiểm soát con rồng lửa này và để nó thoát ra, nó có thể gây ra một thảm họa toàn cầu" - tổng thống Nga cảnh báo.  

Ông Putin cho biết Mỹ đã "không tiến hành bất cứ cuộc đàm phán chính thức nào" liên quan vấn đề này dù Matxcơva tuyên bố nhiều lần sẵn sàng cho việc gia hạn. Do đó, "mọi việc sẽ kết thúc vào năm 2021".

Tuy nhiên, theo tổng thống Nga, nước này không lo ngại việc rút khỏi hiệp ước.

 "Chúng ta có các hệ thống vũ khí tối tân nhất đảm bảo an ninh của nước Nga trong suốt một lịch sử khá dài. Tôi muốn nói chúng ta đã có bước tiến dài và có thể nói thẳng rằng chúng ta đã bỏ xa các đối thủ trong việc chế tạo vũ khí siêu thanh" - ông Putin nhấn mạnh.

Tổng thống Putin cũng bác bỏ việc Mỹ đổ lỗi cho Nga trong việc các hiệp ước bị đổ vỡ. Ông nhắc lại việc Mỹ từ bỏ Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) năm 2002 cho đến gần đây đã đơn phương rút khỏi Hiệp ước tiêu hủy tên lửa tầm ngắn và tầm trung (INF). 

"Họ hiểu rằng họ sẽ phải chịu trách nhiệm về chuyện này vì vậy họ đang cố gắng đẩy mọi trách nhiệm cho Nga" - ông Putin nói.

Tổng thống Putin: Nga bỏ xa các đối thủ trong chế tạo vũ khí siêu thanh - Ảnh 2.

Năm 2010, lãnh đạo hai nước khi đó là Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ký thỏa thuận New START tại Prague, CH Czech - Ảnh: SPUTNIK

New START được Mỹ và Nga ký năm 2010, có hiệu lực vào ngày 5-2-2011. Hiệp ước quy định mỗi bên cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của mình để sau 7 năm và trong tương lai tổng số lượng vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo bố trí trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn và 800 bệ phóng đã được triển khai và chưa được triển khai. 

Hiệp ước cũng bắt buộc Nga và Mỹ trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và phương tiện phóng 2 lần mỗi năm.

Tuy nhiên, New START sẽ hết hạn vào năm 2021, và đến nay triển vọng chính quyền Washington gia hạn hiệp ước này vẫn chưa rõ ràng, dù phía Nga coi New START là "hòn đá tảng đối với an ninh thế giới". 

Theo Tổng thống Putin, tác động tiềm tàng của việc để mặc cho hiệp ước New START hết hiệu lực là rất lớn, trong đó bao gồm cả nguy cơ thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân.

Ngưng INF, Nga đặt mục tiêu phát triển tên lửa trong hai năm tới Ngưng INF, Nga đặt mục tiêu phát triển tên lửa trong hai năm tới

TTO - Bộ trưởng Quốc phòng Nga đưa ra lộ trình hai năm để Nga phát triển các loại tên lửa từ mặt đất vốn bị cấm trong Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Mỹ mà hai bên vừa tuyên bố hủy bỏ.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên