06/02/2019 10:15 GMT+7

Ngưng INF, Nga đặt mục tiêu phát triển tên lửa trong hai năm tới

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Bộ trưởng Quốc phòng Nga đưa ra lộ trình hai năm để Nga phát triển các loại tên lửa từ mặt đất vốn bị cấm trong Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Mỹ mà hai bên vừa tuyên bố hủy bỏ.

Ngưng INF, Nga đặt mục tiêu phát triển tên lửa trong hai năm tới - Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu - Ảnh: TASS

Cụ thể, trong năm 2019-2020, Nga cần chế tạo xong hệ thống Kalibr phóng từ mặt đất được trang bị tên lửa hành trình tầm xa, phiên bản của hệ thống Kalibr phóng trên biển vốn được chứng minh có hiệu quả tại Syria. 

Ngoài ra, Matxcơva cũng sẽ chế tạo hệ thống phóng tên lửa mặt đất với tên lửa siêu thanh tầm xa.

"Tổng tham mưu đã trình danh sách các biện pháp lên tổng tư lệnh tối cao và đã được chấp thuận" - hãng tin Tass dẫn lời bộ trưởng Sergei Shoigu, cho biết các nỗ lực phát triển tên lửa sẽ được triển khai ngay lập tức.

Các hệ thống này cần phải được sẵn sàng đưa vào sử dụng vào năm 2021.

Bộ quốc phòng Nga cho biết việc phát triển phiên bản mặt đất của các loại tên lửa trên biển và trên không sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí để tạo ra loại tên lửa mới.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu cũng giao nhiệm vụ tăng tối đa tầm bắn của các tên lửa phóng từ mặt đất đang được phát triển.

Phát biểu của ông Shoigu đưa ra sau khi Matxcơva tuyên bố ngưng thực hiện các nghĩa vụ của INF gần như ngay lập tức, sau khi Mỹ chính thức quyết định rút khỏi thoả thuận ngày 2-2 và thực thi sau 6 tháng nếu không có gì biến chuyển.

Vẫn với cáo buộc Nga vi phạm INF như khi thông báo sẽ rút lui vào cuối năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thông báo Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước INF với lý do "trong 60 ngày qua, Nga không thực thi bước đi nào để quay lại việc tuân thủ hiệp ước một cách thức sự và có thể kiểm chứng".

Tuy nhiên theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga, phía Washington cũng đã nỗ lực nhằm tạo ra tên lửa phóng từ mặt đất có tầm bắn hơn 500 km, vượt quy định của INF. Do đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng đưa ra các biện pháp đối phó.

INF được Mỹ và Liên Xô ký ngày 8-12-1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-1988. Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km).

Tuy nhiên, vào tháng 10-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi chế tạo tên lửa "Novator 9M729". Đến tháng 12-2018, Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp ước này.

Nga thừa nhận có ‘những điểm yếu’ trong hiệp ước INF mà Mỹ đòi rút Nga thừa nhận có ‘những điểm yếu’ trong hiệp ước INF mà Mỹ đòi rút

TTO - Người phát ngôn của Điện Kremlin thừa nhận có những điểm yếu trong Hiệp ước tiêu hủy tên lửa tầm ngắn và tầm trung (INF) mà chính quyền ông Trump đang tuyên bố đòi rút.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên