23/10/2018 18:04 GMT+7

Nga thừa nhận có ‘những điểm yếu’ trong hiệp ước INF mà Mỹ đòi rút

TƯỜNG NGUYỄN
TƯỜNG NGUYỄN

TTO - Người phát ngôn của Điện Kremlin thừa nhận có những điểm yếu trong Hiệp ước tiêu hủy tên lửa tầm ngắn và tầm trung (INF) mà chính quyền ông Trump đang tuyên bố đòi rút.

Nga thừa nhận có ‘những điểm yếu’ trong hiệp ước INF mà Mỹ đòi rút - Ảnh 1.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton được xem là một chính khách có quan điểm cứng rắn - Ảnh: REUTERS

Hãng tin Reuters cho biết trong cuộc họp báo diễn ra hôm nay (23-10), người phát ngôn của Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov thừa nhận: "Tất nhiên có những điểm yếu (trong Hiệp ước), nhưng xé bỏ thỏa thuận mà không có kế hoạch cho bất cứ điều gì mới là những gì chúng tôi không chào đón".

Nhưng cũng nhắc lại rằng ông hy vọng Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton - người đang có chuyến thăm và làm việc ở Nga sẽ giải thích lập trường của Mỹ liên quan INF.         

Sau ngày làm việc đầu tiên trong khuôn khổ chuyến thăm 2 ngày tới Matxcơva, Cố vấn Bolton đã tuyên bố Mỹ nghiêm túc muốn rút khỏi Hiệp ước INF, nhưng sẽ tiến hành tham vấn với các đồng minh ở châu Âu và châu Á, đặc biệt là Nga, trước khi tuyên bố chính thức về quyết định của mình.

Theo hãng tin Reuters, trả lời phỏng vấn báo giới sau các cuộc gặp riêng rẽ với Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nikolai Patrushev và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, ông Bolton khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục những cuộc tham vấn dày đặc với các đồng minh trong những tháng tới.

Ông Bolton cũng cho rằng việc một số nước đang sản xuất tên lửa tầm trung và tên lửa có cánh, trong đó có Triều Tiên và Trung Quốc, tạo ra tình huống không cân bằng cho cả Mỹ và Nga khi INF không còn là thỏa thuận độc quyền, bao trùm như trước đây.

Vị cố vấn được giới quan sát cho là có quan điểm cứng rắn (và cũng là người thúc giục Tổng thống Trump rút khỏi INF) đã nêu rõ theo quan điểm của chính quyền Mỹ, chỉ hai nước Mỹ - Nga sẽ không thể giải quyết toàn bộ vấn đề, và những cáo buộc của Mỹ đối với Nga chỉ là một phần tiến trình xem xét lại hiệp ước.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, ông Konstantin Kosachev cho rằng INF phải là hiệp ước tổng thể và bao gồm cả các nước khác ngoài Nga và Mỹ.

Ông Kosachev giải thích rằng nhiều quốc gia khác cũng có tên lửa tầm ngắn và tầm trung như Trung Quốc, Anh, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên và Israel. Nhưng ông cũng chỉ trích cách tiếp cận phá vỡ INF để hoàn thiện thỏa thuận, vì khi Mỹ đơn phương rút khỏi INF "sẽ không có bảo đảm nào cho một thỏa thuận đa phương mới được ra đời".

Trong ngày hôm qua, Nga cũng cảnh báo với Mỹ rằng nếu Mỹ đơn phương rút khỏi INF thì Nga cũng sẽ có bước đi của mình để cân bằng với Mỹ và Nga "sẽ không bao giờ là quốc gia tấn công trước tiên".

Trước chuyến thăm của ông Bolton đến Nga, các nguồn tin cho rằng Mỹ cáo buộc Nga đã vi phạm INF trong nhiều năm qua, đặc biệt là việc triển khai hệ thống tên lửa 9M729 mà theo phía Washington là có tầm bắn vượt quá 500km. Trong khi đó phía Nga cũng cáo buộc ngược Mỹ đang vi phạm hiệp ước này.

Nhưng cuộc gặp trực tiếp giữa hai bên cho thấy có những vấn đề lớn hơn đó là hiệp ước giữa hai nước không kiểm soát được tình hình hiện tại.

Nga thừa nhận có ‘những điểm yếu’ trong hiệp ước INF mà Mỹ đòi rút - Ảnh 2.

Dàn tên lửa hành trình 9M728 có tầm bắn hơn 500km của Nga. Mỹ cho rằng Nga vẫn lẳng lặng phát triển các dòng tên lửa mạnh - Ảnh: AFP

Hiệp ước INF được lãnh đạo Mỹ (Ronald Reagan) và Liên Xô (Mikhaïl Gorbatchov) ký ngày 8-12-1987. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500-5.500 km).

Hiệp ước đó nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng giữa hai khối sau khi Liên Xô cho triển khai các dàn tên lửa SS-20 mang đầu đạn hạt nhân nhắm vào các thủ đô của các quốc gia phương Tây trong những năm 1980.

Hội đồng an ninh Nga cũng hé lộ thông tin cho biết giới chức cấp cao nước này khẳng định với Cố vấn an ninh John Bolton rằng Matxcơva sẵn sàng hợp tác với Washington để duy trì Hiệp ước INF và việc từ bỏ thỏa thuận then chốt này sẽ "đặt thế giới vào nguy hiểm".

Theo Hội đồng an ninh Nga, các cuộc trao đổi giữa giới chức Nga với ông Bolton diễn ra trong bầu không khí xây dựng và thiết thực, khẳng định Matxcơva sẵn sàng hợp tác với Mỹ để cứu vãn thỏa thuận này. 

Thực tế không ít nhà quan sát lo ngại sự đổ vỡ hiệp ước sẽ là đón giáng mạnh vào toàn bộ hệ thống kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. 

TƯỜNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên