01/02/2019 21:46 GMT+7

Mỹ rút khỏi thỏa thuận tên lửa hạt nhân với Nga

TÚ ANH
TÚ ANH

TTO - Ngoại trưởng Mike Pompeo vừa thông báo quyết định của Mỹ về việc rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) - một thỏa thuận tên lửa hạt nhân quan trọng với Nga. Quyết định sẽ chính thức có hiệu lực sau 6 tháng.

Mỹ rút khỏi thỏa thuận tên lửa hạt nhân với Nga - Ảnh 1.

Loại tên lửa Novator 9M729 của Nga mà Mỹ cho rằng vi phạm INF - Ảnh: AFP

Theo hãng tin Reuters, trong phát biểu từ trụ sở Bộ Ngoại giao ngày 1-2, ông Pompeo giải thích lý do Mỹ phải đi đến quyết định này là do "trong 60 ngày qua, Nga không thèm thực thi bước đi nào để quay lại việc tuân thủ hiệp ước một cách thực sự và có thể kiểm chứng".

Ông Pompeo cho biết quyết định này của Mỹ sẽ có hiệu lực sau 6 tháng nữa nếu như tình hình không có gì thay đổi từ phía Nga.

Tổ chức NATO đã lập tức ra thông cáo "ủng hộ hoàn toàn" quyết định của Mỹ.

Trước đó, trong ngày, Matxcơva đã bày tỏ lấy làm tiếc về việc Mỹ chuẩn bị rút khỏi INF, đồng thời chỉ trích Washington không chịu lắng nghe hoặc đàm phán với Nga nhằm tránh một kết quả như vậy.

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho rằng sự thiếu thiện chí của Mỹ trong việc lắng nghe các lý lẽ cũng như duy trì các cuộc đàm phán với Nga cho thấy quyết định của Washington rút khỏi INF đã được đưa ra từ trước đó rất lâu.

Nga và Mỹ đã không đạt tiến triển trong cuộc đàm phán liên quan Hiệp ước INF vào ngày 31-1 giữa Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế Andrea Thompson, bên lề cuộc họp của nhóm 5 cường quốc hạt nhân tại Bắc Kinh (Trung Quốc).     

Phát biểu với hãng tin RIA của Nga, Thứ trưởng Ryabkov thừa nhận: "Thật không may, không có tiến triển nào. Như chúng ta đã biết, bước tiếp theo đang xảy ra, giai đoạn tiếp theo bắt đầu. Đó là giai đoạn mà Mỹ chấm dứt các nghĩa vụ của nước này trong INF".

Và ngay trong ngày hôm sau, Mỹ đã tuyên bố bước đi chính thức của mình.

INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8-12-1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-1988. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km).

Tháng 10-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi chế tạo loại tên lửa Novator 9M729. Đến tháng 12-2018, Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp ước này, nếu Nga không tuân thủ trở lại thỏa thuận này trong vòng 60 ngày - tức thời hạn chót là ngày 2-2-2019.

Tuy nhiên, Nga tuyên bố không tiêu hủy Novator 9M729, đồng thời khẳng định loại tên lửa này không vi phạm INF.

Theo phía Nga, Mỹ dựng cớ để rút khỏi INF để có thể tự do phát triển những loại tên lửa mới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Mỹ rút khỏi INF sẽ đe dọa số phận của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3), văn kiện cuối cùng trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí.

TÚ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên