Người dân Triều Tiên dự lễ kỷ niệm năm thứ 7 ngày mất của nhà lãnh đạo Kim Jong Il tại Bình Nhưỡng ngày 17-12 - Ảnh: REUTERS
Hãng tin Reuters dẫn lại quan điểm này trong bài xã luận được phát đi hôm nay (20-12) từ kênh truyền thông nhà nước Triều Tiên. Trong đó khẳng định Bình Nhưỡng cam kết tuân thủ "quá trình giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên", nhưng quá trình đó cũng phải bao gồm điều khoản "hoàn toàn xóa bỏ nguy cơ hạt nhân của Mỹ với Triều Tiên".
Quan điểm rõ ràng nhất từ trước đến nay của Bình Nhưỡng
Trong cuộc hội đàm thượng đỉnh Mỹ - Triều lịch sử tại Singapore tháng 6 năm nay, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã ra tuyên bố chung tái khẳng định cam kết của Triều Tiên "nỗ lực hướng tới quá trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên" và có sự đảm bảo an ninh với Triều Tiên.
Tuy nhiên những quan điểm chưa thống nhất hoặc còn mơ hồ về nội hàm chính thức của khái niệm "phi hạt nhân hóa" trong tuyên bố chung này đã làm phức tạp hóa quá trình đàm phán giữa hai bên kể từ sau hội đàm tại Singapore, thậm chí có tín hiệu bế tắc thời gian qua.
Quan điểm về vấn đề này do hãng tin trung ương Triều Tiên KCNA phát đi hôm nay (20-12) là một trong những sự giải thích rõ ràng nhất cho tới nay của Bình Nhưỡng về tiến trình giải trừ hạt nhân.
Bài xã luận viết: "Khi chúng tôi nhắc tới bán đảo Triều Tiên, khái niệm này bao gồm cả phần lãnh thổ của CHDCND Triều Tiên và phần lãnh thổ Hàn Quốc, nơi các loại vũ khí hạt nhân của Mỹ và nhiều dạng thức vũ lực tấn công khác được triển khai".
"Cũng như thế, khi chúng tôi nói tới 'giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên', điều đó nên được hiểu chính xác là loại bỏ mọi yếu tố nguy cơ hạt nhân không chỉ ở miền Bắc và miền Nam mà phải từ tất cả những khu vực lân cận xung quanh".
Triều Tiên bác bỏ yêu cầu của Mỹ đơn phương kêu gọi họ giải trừ hạt nhân. Bình Nhưỡng cho rằng Washington nên từ bỏ "ảo tưởng" thúc ép Triều Tiên từ bỏ các loại vũ khí hạt nhân "bằng gây áp lực và đàn áp".
Phía Mỹ nói sẽ không gỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Triều Tiên cho tới khi nước này có những tiến bộ cụ thể dẫn tới quá trình giải trừ hạt nhân có thể xác minh.
Cuộc gặp tới có thể làm rõ hơn định nghĩa
Washington cũng đã bác bỏ đề nghị đưa việc giảm bớt sự hiện diện quân sự trong khu vực vào là một phần của thỏa thuận với Triều Tiên. Dù vậy, trong một động thái bất ngờ sau hội đàm thượng đỉnh Mỹ - Triều, ông Trump tuyên bố Lầu Năm Góc sẽ hủy bỏ hầu hết các cuộc tập trận chung quy mô lớn của họ đã tiến hành với Hàn Quốc.
Có thể thấy vấn đề định nghĩa chính xác của giải trừ hạt nhân chắc chắn sẽ được nêu ra trở lại khi ông Trump cho biết ông đang thu xếp để có cuộc gặp thứ hai với nhà lãnh đạo Triều Tiên vào một thời điểm trong năm tới.
"Rõ ràng là tiến trình giải trừ hạt nhân của bán đảo Triều Tiên là việc chung sẽ không thể hoàn thành trừ khi cả Triều Tiên và Mỹ cùng nhau nỗ lực", bài xã luận tiếp.
Mỹ triển khai các loại vũ khí hạt nhân tại Hàn Quốc từ 1958 đến 1991. Kể từ sau khi những vũ khí này được rút đi, Mỹ đã mở rộng "lá chắn hạt nhân" cho Hàn Quốc và Nhật Bản thông qua việc sử dụng các máy bay ném bom và nhiều tàu ngầm đóng tại nơi khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận