24/03/2020 19:18 GMT+7

Tổng thống Pháp nghe lời ai trong chỉ đạo chống dịch COVID-19?

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Tổng thống Pháp đưa ra các quyết định phòng chống dịch theo đề nghị của một hội đồng khoa học gồm 11 chuyên gia hàng đầu. Họ giữ vai trò định hướng giúp chính phủ chống dịch.

Tổng thống Pháp nghe lời ai trong chỉ đạo chống dịch COVID-19? - Ảnh 1.

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe, Chủ tịch Hội đồng khoa học Jean-François Delfraissy (giữa) và Bộ trưởng Y tế Olivier Véran trong thông báo về dịch COVID-19 ngày 13-3 - Ảnh: AFP

"Tin tưởng vào khoa học. Đây là nguyên tắc định hướng cho hành động của chính phủ để đương đầu với khủng hoảng virus corona hiện nay". Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã minh định như trên trong bài phát biểu về dịch COVID-19 trên truyền hình tối 16-3.

Các chuyên gia về bệnh nhiễm và miễn dịch học

Với nguyên tắc "lắng nghe những người thông thái", ngày 11-3, Bộ Y tế Pháp đã thành lập Hội đồng khoa học (HĐKH) giữ vai trò tư vấn về dịch COVID-19 theo yêu cầu của Tổng thống Macron.

HĐKH gồm một chủ tịch và 10 thành viên, trong đó có hai nữ. Chủ tịch HĐKH là GS miễn dịch học Jean-François Delfraissy, 71 tuổi.

Phần lớn các thành viên trong HĐKH là chuyên gia về bệnh nhiễm và miễn dịch học.

Bộ trưởng Bộ Đoàn kết và y tế Olivier Véran giải thích các chuyên gia được chọn vì lĩnh vực chuyên môn được công nhận theo cách tiếp cận đa ngành.

Ví dụ GS Denis Malvy là chuyên gia về các bệnh nhiệt đới ở Bordeaux, GS Didier Raoult là người thực hiện thử nghiệm lâm sàng đầu tiên với thuốc hydroxychloroquine dùng để điều trị virus SARS-CoV-2 ở Marseille và GS Yazdan Yazdanpanah là trưởng khoa bệnh nhiễm và bệnh nhiệt đới tại Bệnh viện Bichat (Paris), chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Trong HĐKH còn có GS virus học Bruno Lina - giám đốc Trung tâm Tham chiếu quốc gia về cúm ở Lyon, GS dịch tễ học Arnaud Fontanet ở Viện Pasteur, GS Lila Bouadma (nữ) - chuyên gia về hồi sức và GSBS Pierre-Louis Druais - người sáng lập Hiệp hội Các bác sĩ đa khoa Pháp và TS Simon Cauchemez chuyên về mô hình hóa toán học và dữ liệu dịch tễ học ở Viện Pasteur.

Ngoài ra còn có hai chuyên gia ngành khoa học xã hội gồm TS nhân chủng học Laetitia Atlani-Duault (nữ) và TS xã hội học Daniel Benamouzig.

Tổng thống Pháp nghe lời ai trong chỉ đạo chống dịch COVID-19? - Ảnh 2.

Các thành viên hội đồng khoa học chụp ảnh lưu niệm tại dinh tổng thống Pháp Ảnh: TWITTER

Các chuyên gia làm việc như thế nào?

Các thành viên HĐKH trao đổi với nhau hằng ngày qua video và gặp nhau tối thiểu một tuần một lần tại Paris.

HĐKH làm việc hoàn toàn độc lập, có thể được Bộ Y tế điều động nhưng cũng có thể tự đề xuất đề tài.

HĐKH còn dựa trên công trình nghiên cứu của các nhà khoa học nước ngoài (đôi khi không được công bố) và tiếp khách mời nước ngoài.

Vì mục đích minh bạch, HĐKH quyết định công khai mọi ý kiến trên trang web của Bộ Đoàn kết và y tế.

Ngày 12-3, HĐKH đánh giá nếu tổ chức vòng một bầu cử cấp địa phương hôm 15-3 trong điều kiện bảo đảm vệ sinh, bầu cử sẽ không rủi ro hơn các hoạt động thiết yếu hằng ngày như đi mua sắm.

Hai hôm sau, Bộ trưởng Y tế Olivier Véran đã triệu tập khẩn cấp HĐKH để tham vấn xem chiến lược tốt nhất ngăn chặn dịch bệnh là gì.

Tổng thống Pháp nghe lời ai trong chỉ đạo chống dịch COVID-19? - Ảnh 3.

Paris 12 giờ trưa 17-3. Từ thời điểm này Pháp phong tỏa toàn quốc trong 15 ngày. Hội đồng khoa học đã đề xuất thực hiện biện pháp này - Ảnh: SIPA

Đến ngày 16-3, HĐKH khuyến nghị phong tỏa nghiêm ngặt theo mô hình của Ý trên toàn lãnh thổ Pháp và trong bối cảnh đó, tổ chức vòng hai bầu cử địa phương là không phù hợp.

Tổng thống Macron đã làm theo hai đề nghị này.  

Công việc của các thành viên HĐKH sẽ định hướng cho Tổng thống Macron và chính phủ. Dù vậy, guồng máy chính trị vẫn là người quyết định cuối cùng.

Đến nay, Chính phủ Pháp luôn tuân theo khuyến nghị của HĐKH.

GS Jean-François Delfraissy là chủ tịch Ủy ban Tư vấn quốc gia về đạo đức các khoa học cuộc sống và sức khỏe (CCNE) từ năm 2016 và đứng đầu Cơ quan Nghiên cứu quốc gia về AIDS và viêm gan do virus (ANRS) từ năm 2005.

Khi virus Ebola bùng phát năm 2014, ông được cơ cấu vào "lực lượng đặc nhiệm" liên bộ chống dịch do kinh nghiệm về các bệnh truyền nhiễm và miễn dịch học.

Thủ tướng Đức: COVID-19 là thách thức lớn nhất kể từ Thế chiến 2 Thủ tướng Đức: COVID-19 là thách thức lớn nhất kể từ Thế chiến 2

TTO - Gọi COVID-19 là thách thức lớn nhất của nước Đức kể từ Thế chiến 2 và kêu gọi người dân đoàn kết, lần đầu tiên trong khoảng 15 năm lãnh đạo nước Đức, bà Angela Merkel có một thông điệp bất ngờ trên truyền hình.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên