Tôm giống chất lượng cao quyết định hiệu quả nuôi
Chiều 13-2, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc, ông Lê Xuân Trung và ông Trần Xuân Toàn (phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ), cùng đoàn đại biểu tham dự hội thảo "Nghề nuôi biển: Chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp" tới tham quan khu phức hợp nuôi và sản xuất tôm công nghệ cao của Công ty TNHH Việt Úc Phù Mỹ (Bình Định).
Ông Nguyễn Công Cẩn, phó tổng giám đốc kỹ thuật Tập đoàn Việt Úc, cho biết sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, đến nay tập đoàn có 3 trung tâm chọn giống và di truyền tôm bố mẹ, 9 khu phức hợp sản xuất giống, 3 khu nuôi tôm thương phẩm… trải dài từ Nam ra Bắc.
"Vì một ngành tôm Việt Nam công nghệ cao bền vững, tập đoàn đã xây dựng nền móng vững chắc với 3 trung tâm di truyền chọn giống ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Cà Mau. Đây cũng là 3 trung tâm đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chứng nhận cho phép thương mại hóa.
Song song đó, tập đoàn đã đạt được các chứng nhận quốc tế danh giá như BAP (Chứng nhận thực hành nuôi thủy sản tốt), ASC (là sự xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu đến môi trường), cơ sở an toàn dịch bệnh theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE)…" - ông Cẩn chia sẻ.
Theo ông Cẩn, hiện mỗi năm tập đoàn cung cấp trên 50 tỉ con tôm giống. Tập đoàn đang sản xuất tôm giống công nghệ cao Vus Leader 21 và Vus Leader 1/000 với ưu điểm như lớn nhanh hơn, đề kháng mạnh hơn, thích nghi với độ mặn cực thấp… giúp bà con nuôi tôm yên tâm hơn, tỉ lệ thành công và lợi nhuận cao hơn.
Trong định hướng phát triển đầu tư, Việt Úc Phù Mỹ mong sớm được triển khai dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm gồm nhà máy chế biến thủy sản, nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản, khu nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, mở rộng diện tích nuôi tôm…
Nông dân cần liên kết để chuyển sang nuôi tôm quy mô hiện đại
Tiếp đó, đoàn đi tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ của Việt Úc Phù Mỹ. Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Bền - phó chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam - nói rằng đây là một mô hình nuôi tôm công nghệ cao, hiện đại, không chỉ cho năng suất, chất lượng cao, mang về giá trị kinh tế lớn, mà còn giải quyết được những vấn đề về môi trường và những tồn tại khác mà nuôi tôm truyền thống mắc phải.
"Nuôi tôm nói riêng hay nuôi biển nói chung phải nuôi theo hướng công nghiệp, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại là hướng đi cần thiết bây giờ đối với nghề nuôi trồng thủy sản của Việt Nam. Tất nhiên là không thể một sớm một chiều làm ngay được, nhưng phải thay đổi tư duy của người nuôi ngay từ bây giờ" - ông Bền nói.
Ông Bền cho rằng người nông dân cần bỏ đi tư duy nuôi trồng thủy sản tự phát, nhỏ lẻ, mà nên hợp lực lại với nhau để hình thành những nhóm hoặc hợp tác xã hoặc thành lập doanh nghiệp để đủ lực đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất với quy mô lớn, hình thành chuỗi giá trị.
Từ đó, ông Bền nói rằng hội thảo "Nghề nuôi biển: chuyển từ truyền thống sang công nghệ hiện đại" mà báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Bình Định tổ chức vào ngày 14-2 là một sự kiện thiết thực, giá trị, góp phần gợi mở về hướng phát triển tương lai của nghề nuôi thủy sản Việt Nam cũng như đề xuất giải quyết những khó khăn, rào cản của nghề này.
Bà Lê Thị Hằng Nga - phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên - cho rằng người dân hiện nay nuôi tôm thẻ, tôm sú và kể cả tôm hùm vẫn với quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ, xả thải ô nhiễm môi trường.
"Do vậy, theo tôi người nuôi cần hợp sức lại, nói nôm na là "dồn điền đổi thửa" và phải áp dụng tiến bộ công nghệ. Đương nhiên, quy mô thì ở mức vừa phải chứ không lớn đến cả trăm hecta như doanh nghiệp lớn, nhưng chỉ có cách đó là lối ra hữu hiệu nhất của ngành nuôi trồng thủy sản, giảm áp lực cho ngành khai thác" - bà Nga chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận