Một trong những đơn vị tiên phong đưa lồng HDPE (nhựa có độ bền cao) vào vùng biển Khánh Hòa là Công ty TNHH thủy sản Australis Việt Nam.
Không chỉ nuôi biển quy mô công nghiệp bằng trang thiết bị công nghệ cao, công ty này còn có chuỗi quy trình từ con giống đến thu hoạch đạt chuẩn xuất khẩu đi các nước.
Cá biển được tiêm vắc xin, cho ăn tự động
Sau hơn một tiếng đi ca nô từ đất liền, chúng tôi đã đến khu nuôi cá chẽm công nghệ cao của Công ty Australis Việt Nam nằm trên vịnh Vân Phong (Khánh Hòa). Nổi bật trên mặt biển là chiếc sà lan bằng thép và xung quanh là chục ô lồng.
Ông Hoàng Ngọc Bình - giám đốc vận hành Công ty - cho biết đây là sà lan cho cá ăn tự động lớn nhất Đông Nam Á. Trên mỗi sà lan có tám hầm chứa với 150 - 250 tấn thức ăn, đủ cho bốn lồng cá ăn cùng một lúc mà chỉ cần một người điều khiển.
Ở đây nuôi cá theo công nghệ Na Uy, hiện có 46 lồng tròn, mỗi lồng nuôi đạt sản lượng từ 250 - 300 tấn cá, cho tổng sản lượng hằng năm đạt hơn 10.000 tấn.
Lồng HDPE phù hợp nuôi với quy mô lớn, tối ưu diện tích nuôi, lồng tùy chỉnh được kích thước và có sức chịu sóng gió tốt đặc biệt là mưa bão đến cấp 12.
"Trung tâm chỉ huy" của toàn bộ hệ thống nằm ở tầng hai sà lan với hàng loạt màn hình máy tính để điều khiển, theo dõi hoạt động của cá.
Trên màn hình hiển thị các thông số như nhiệt độ nước, độ sâu lồng. Thú vị nhất là chiếc camera 360 độ trong lồng có thể quan sát mọi ngóc ngách, nâng lên hạ xuống theo điều khiển.
Anh Phan Lê Hoài Duy - kỹ thuật viên của công ty - cho hay một nhân viên có thể cho ăn 14 lồng, trong khi lồng truyền thống phải cần đến 3-4 người cho ăn.
"Với hệ thống này, chỉ cần ngồi trên tàu là có thể quan sát biết được "sức khỏe" của đàn cá ở các lồng thông qua hệ thống camera, kịp thời xử lý các biểu hiện bất thường của đàn cá. Hệ thống này còn có thể điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp, như tốc độ phun thức ăn, thời gian cho ăn… đảm bảo không thất thoát thức ăn" - anh Duy giải thích.
Để thu hoạch cá, đã có chiếc sà lan mang tên Clean Harvest trị giá trên 400 tỉ đồng được hạ thủy vào tháng 4-2022.
"Tàu thu hoạch đạt 40 tấn cá/ngày, thông qua hệ thống bơm sẽ hút cá từ dưới biển lên, kèm theo đó là băng chuyền sơ chế cá ngay ở trên tàu, trước khi đưa vào nhà máy chế biến, đáp ứng việc xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Singapore…", ông Bình nói.
Khu nuôi này còn là nơi tuyển chọn, lai tạo ra cá chẽm khỏe mạnh nhất, 100% cá giống được tiêm vắc xin trước khi đưa ra biển nuôi.
Không lo bão gió
Trong vịnh Vân Phong, cùng với Công ty Australis Việt Nam, có những đơn vị chuyển sang nuôi biển công nghệ cao thành công như Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I), Công ty TNHH nuôi trồng thủy sản Phương Minh.
Đặc biệt, tại vịnh này có mô hình nuôi cá bớp bằng lồng HDPE do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa triển khai từ năm 2020. Dự án này hỗ trợ sáu lồng nuôi HDPE có đường kính 10m (thể tích 500m3) cho sáu hộ nuôi.
Ông Huỳnh Kim Khánh - giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa - cho hay so với lồng truyền thống, cá nuôi trong lồng HDPE lớn nhanh hơn, tỉ lệ hao hụt thấp hơn.
Đặc biệt, trong năm 2020 và 2021, dù trải qua một số đợt sóng lớn do ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới nhưng cá nuôi vẫn không bị ảnh hưởng.
Trung tâm khuyến nông cũng đã phối hợp Công ty TNHH MTV Dịch vụ và Công nghệ nuôi trồng thủy sản lắp đặt hệ thống giám sát định vị vệ tinh để xác định các hoạt động trên lồng nuôi.
Khi bão đến, bà con vào bờ tránh trú vẫn có thể quản lý tài sản ngoài biển hoặc giám sát quá trình nuôi thông qua camera lắp đặt.
Tuy nhiên, nhiều ngư dân nuôi lồng truyền thống muốn chuyển sang lồng HDPE nhưng lại lo lắng chi phí đầu tư cao và cần kỹ thuật.
Về vấn đề này, ông Khánh cho biết với lồng có đường kính 10m, tương đương thể tích 500m3, có giá khoảng 180 triệu đồng, độ bền trên 20 năm, trong khi lồng gỗ chỉ 5 năm. Tính ra, chi phí đầu tư lồng HDPE sau 20 năm còn rẻ hơn lồng gỗ.
"Việc nuôi biển quy mô công nghiệp rất phù hợp với các doanh nghiệp có nguồn lực tài chính lớn. Còn đối với nông hộ do trình độ, tài chính đầu tư nuôi biển còn hạn chế nên không thể "nhảy" lên thẳng nuôi quy mô công nghiệp được.
Do đó, Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa đang hỗ trợ người nuôi theo kiểu phù hợp quy mô nông hộ, không cần dùng máy móc rườm rà. Tuy nhiên, khi nền tảng nuôi biển của người dân vững chắc, có vốn tích lũy sẽ tiến lên nuôi quy mô công nghiệp" - ông Khánh nhận định.
Cơ hội mới từ nuôi thủy sản kết hợp du lịch
Ông Jossh Goldman, tổng giám đốc Công ty Australis Việt Nam, cho rằng nuôi trồng thủy sản có thể mâu thuẫn với du lịch.
Tuy nhiên, bằng cách sử dụng các hệ thống nuôi hiện đại, không có tác động tiêu cực đến môi trường và vùng biển của vịnh Vân Phong, có thể kết hợp phát triển du lịch trải nghiệm.
"Nuôi thủy sản kết hợp du lịch không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế lớn mà còn tạo ra những cơ hội mới, cho khách du lịch trải nghiệm vẻ đẹp tự nhiên của khu vực, ẩm thực, câu cá và tìm hiểu hệ thống nuôi trồng bền vững đẳng cấp thế giới", ông Jossh Goldman nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận