14/12/2020 14:03 GMT+7

Tối thứ năm yêu thương trên đường phố Sài Gòn

HỒNG VÂN - LÊ VÂN
HỒNG VÂN - LÊ VÂN

TTO - Cứ 8h40 tối mỗi thứ năm, ngôi nhà số 83 Thân Văn Nhiếp (quận 2, TP.HCM) lại ấm cúng bởi những thành viên của nhóm tình nguyện Help Sài Gòn’s Homeless - Giúp đỡ người vô gia cư ở Sài Gòn.

Tối thứ năm yêu thương trên đường phố Sài Gòn - Ảnh 1.

Bạn Max (UK) và bạn Mơ trao quà cho những người vô gia cư sống vỉa hè đường 3-2, Q.10, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Tôi gặp nhiều người tuyệt vời. Mỗi tuần, chúng tôi luôn có ít nhất 10 tình nguyện viên từ khắp nơi trên thế giới, và họ đều là những người có lòng nhân hậu. Có người còn tìm được tình yêu ở đây. Thật tuyệt khi nhóm chúng tôi làm được điều này.

DARIYA KHAM

Từ nhiều quốc gia, họ gặp nhau ở Sài Gòn, rồi tụ tập về ngôi nhà vốn có chủ là người bán thực phẩm sạch và cũng là nhà hảo tâm. Ở đây, họ cùng đóng gói mì gói, đồ hộp, sữa, bánh cho người vô gia cư nhặt ve chai, bán hàng rong đêm.

Gặp nhau ở Sài Gòn

Bangwa Ines, 25 tuổi, đến từ Bờ Biển Ngà (châu Phi), là thành viên quen thuộc của nhóm suốt 7 tháng nay. Cô đến với Help Saigon’s Homeless vì mắc kẹt với COVID-19. Ines chia sẻ: "Tôi đến du lịch Việt Nam nhưng bị kẹt ở đây do dịch. Tình cờ tôi gặp cô bạn đang giúp đỡ người vô gia cư, thế là tôi tham gia cùng cô ấy. Tôi đang sống ở quận 2. Mỗi ngày, mở tủ lạnh, tôi có đồ ăn thức uống. Nhưng tôi biết rằng nhiều người không may mắn như mình, điều đó thôi thúc tôi chia sẻ một chút những gì mình có cho họ".

Trong nhóm cũng có bạn tham gia buổi đầu như Addie Ravi, giáo viên tiếng Pháp, sống tại TP.HCM. Chị Ravi cho biết sau hơn một năm sống ở TP này, chị muốn tham gia một hoạt động thiện nguyện nào đó và thấy nhóm thiện nguyện Help Sài Gòn’s Homeless phù hợp với mình. 

Tôi thích không khí, năng lượng và cách tổ chức công việc của nhóm, vì vậy tôi tham gia và thấy rất vui.

RAVI

Tối 3-12, Ravi chỉ tham gia đóng gói rồi về, nhưng chị đã được gặp những người bạn mới, có những cuộc trò chuyện thú vị trong buổi tối tuyệt vời. Những gì được nhận lại còn hơn những gì chị cho đi.

Hoạt động của nhóm rất đơn giản nhưng kỹ lưỡng để bảo đảm các phần quà đến tay đúng người cần. Hằng tuần, trưởng nhóm, chị Dariya Khamitzhanova, thông báo những loại thực phẩm họ cần cho túi lương khô có thể để lâu như mì gói, mì ly, cá hộp, nước suối, nước sát khuẩn tay, khẩu trang, bánh ngọt, sữa... để mọi người đóng góp. 

Ngoài ra, những hội viên là chủ quán ăn, nhà hàng, tiệm bánh góp các phần cơm nóng với số lượng từ 100 - 200 suất cơm.

Tối thứ năm yêu thương trên đường phố Sài Gòn - Ảnh 4.

Nhóm thiện nguyện “đa quốc gia” đóng gói quà trước khi đi phát - Ảnh: LÊ VÂN

10h tối, các thành viên lên xe máy, chia thành ba nhóm đi theo các lộ trình thực hiện công việc thiện nguyện. Chúng tôi xin tham gia. 8 người trên 4 xe máy đi theo lộ trình từ quận 2 qua Bình Thạnh và Phú Nhuận. Trên đường D2 (quận Bình Thạnh), Mathieu chạy chậm, vì theo kinh nghiệm của anh thì qua khỏi khu quận 2 là có thể gặp người kiếm sống hoặc ngủ ngoài mái hiên.

Chúng tôi dừng lại, gửi hộp cơm cho một cụ bà nhặt ve chai. Bà cụ vác cái bao nhẹ tênh, đang bước đi, không chú ý đến chúng tôi. Nghe Mathieu nói "xin chào", bà bước chậm lại. Mathieu đưa hộp cơm và túi thực phẩm. Bà cụ xúc động nhận lấy. 

Với những người đang nằm ngủ, chúng tôi đặt hộp cơm, túi thực phẩm rồi nhẹ nhàng quay ra. Cụ ông chúng tôi gặp ở ngã tư Lê Văn Sỹ - Trần Huy Liệu đã trả chúng tôi hộp cơm và nói: "Ông đã ăn rồi, mấy đứa hãy cho người khác cần hơn".

Chị Dariya Khamitzhanova cho biết Help Saigon’s Homeless thành lập từ đầu năm 2019 như là phiên bản miền Nam nhưng độc lập của nhóm thiện nguyện có tên Help Hanoi’s Homeless do anh Christopher Axe sáng lập trước đó. Nhóm đi phát quà từ thiện cố định thứ năm hằng tuần. 

Nhưng họ dự đoán dịch bệnh có thể ảnh hưởng nặng nề hơn với những người nhặt rác, kiếm sống trên đường phố, nên tổ chức đi giao quà hai ngày/tuần. Số lượng quà từ khoảng 200 suất tăng lên 450 suất.

Cố gắng giúp "cần câu" cuộc sống

Mong muốn của nhóm, theo chị Dariya, là có thể giúp một số người vô gia cư còn trẻ quay trở lại làm việc, cuộc sống bớt khó khăn hơn nếu họ có quyết tâm. Đầu tiên, họ sẽ được giúp trả tiền phòng trọ để ngừng lang thang và sống cố định ở một nơi. 

Trong khoảng thời gian này, họ ổn định cuộc sống của mình, chọn công việc muốn làm và nếu chứng minh mình thực sự hành động có trách nhiệm, họ sẽ được giới thiệu việc làm tại công ty của các thành viên của nhóm (nhiều người là chủ nhà hàng và đã từng thuê những người có hoàn cảnh tương tự).

Thực tế, ý tưởng tốt đẹp này cũng gặp không ít trở ngại. Nhóm thiện nguyện đã giúp một phụ nữ ngủ ở nhà chờ xe buýt, thuê nhà trọ, hằng ngày còn mua vé số giúp để chị này bán nhưng chưa thành công. Người phụ nữ này muốn quay lại sống bằng nghề bán dâm. Tuy nhiên, nhóm vẫn không nản lòng. 

Lê Thị Thanh Nhàn, một quản trị viên của nhóm, chia sẻ: "Ít nhất nhóm cũng đã cố gắng, và sắp tới tụi mình sẽ tìm hiểu kỹ thêm một số người vô gia cư trẻ thực sự có thể quay trở lại làm việc để hỗ trợ họ".

Tối thứ năm yêu thương trên đường phố Sài Gòn - Ảnh 5.

Anh Amir, quốc tịch Anh, âm thầm trao quà cho người ngủ vỉa hè ở TP.HCM Ảnh: T.T.D.

"Khó khăn chính là chúng tôi phải lái xe vào ban đêm. Vì đây là khoảng thời gian duy nhất có thể dễ dàng tìm thấy những người vô gia cư ngoài đường. Nhưng ban đêm cũng khá khó để tìm tình nguyện viên, vì họ có thể đã mệt mỏi sau một ngày dài làm việc. Việc đóng gói các túi quà cũng cần nhiều người chung tay. Tôi rất biết ơn những người đã dành buổi tối để đến với chúng tôi và giúp đỡ" - Dariya chia sẻ.

Kể về những trở ngại trên đường phố, cô cũng nói thêm: "Một tình nguyện viên từng nói với tôi: Có những người giả vô gia cư. Họ biết chúng tôi hoạt động mỗi thứ năm và họ cũng biết chúng tôi. Nhiều khi họ vây lấy chúng tôi, lấy các gói quà. Thực sự thì họ không làm gì nguy hiểm, họ chỉ muốn các túi thực phẩm để đi bán lại sau đó. Nhưng chúng tôi cố gắng làm sao để thực phẩm được trao cho đúng người".

Buổi phát quà thường kết thúc khoảng nửa đêm. Và đêm nay, nhóm chúng tôi đi tới gần 1h sáng thì hết quà. Các nhóm đi đến khi phát hết toàn bộ các phần cơm nóng. Riêng các túi thực phẩm khô, nếu còn dư, họ để dành cho tối thứ năm tiếp theo.

Đêm tháng 12, Sài Gòn lạnh hơn. Trên các ngả đường 3 Tháng 2, Trần Hưng Đạo... những người vô gia cư lấy bìa giấy quây lại che gió và co ro trong những chiếc chăn mỏng. Những suất cơm nóng, túi thực phẩm mà nhóm tặng người vô gia cư có cả hơi ấm tình người!

Ai lạ cũng thành thân

Nhóm tình nguyện có khoảng gần 10.000 thành viên trên cả nước, chủ yếu trao đổi qua hai nhóm chat trên mạng ở TP.HCM và Hà Nội. Nếu ai không có thời gian thì ủng hộ đồ ăn, vật dụng nhóm cần hoặc có thể trực tiếp cùng đóng gói, đi phát thực phẩm.

Sự linh động của nhóm cho phép những du khách mới đến TP.HCM và chỉ lưu trú một vài ngày cũng có thể tham gia. Đặc biệt, nhóm rất cần sự hỗ trợ của tình nguyện viên người Việt để nói chuyện với người vô gia cư. Chị Trần Hoàng My - 35 tuổi, TP.HCM - chia sẻ: "Ở đây, mọi người dù lạ cũng thành thân vì đều vui vẻ với việc làm tốt đẹp. Mỗi người mỗi tay, việc đóng gói, phát quà rất đúng giờ và hiệu quả".

'Ngủ góp' giữa Sài Gòn

TTO - "Ngủ góp" là cách những người lao động tự do như mua bán ve chai, hàng rong, vé số... chọn ở tiết kiệm để mưu sinh giữa thành phố hiện đại. Có những người đã rời quê vào thành phố này mấy chục năm vẫn chọn cảnh đời "ngủ góp".

HỒNG VÂN - LÊ VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên