Dạo gần đây tôi không còn thói quen sử dụng mạng xã hội nhiều như trước. Thậm chí, tôi từng khóa cả trang Facebook, không trả lời tin nhắn, dành mọi thời gian rảnh rỗi cho việc đọc sách, xem phim, chơi với chú mèo nhỏ của mình.
Sự thay đổi này khiến cuộc sống có phần chậm lại vài nhịp, nhưng êm đềm hơn rất nhiều.
Trải qua những biến cố do mạng xã hội gây ra, tôi mới nhận ra ứng dụng này chỉ là nơi để người ta khoe khoang sự hoàn hảo.
Càng mất nhiều thời gian cho Facebook, YouTube, TikTok…, nhìn thấy biết bao hạnh phúc, quà tặng và ngập tràn yêu thương mà mọi người có được, càng khiến một người độc thân, chẳng có điều gì nổi bật như tôi cảm thấy buồn tủi, thậm chí ganh ghét.
Vài năm trước, tôi "nghiện" mạng xã hội đến độ đánh mất rất nhiều cơ hội thăng tiến, dẫn đến tuyệt vọng và rơi vào trạng thái trầm cảm.
Việc sở hữu những bức hình lung linh, được chỉnh sửa kỹ lưỡng, nhận được vô số nút like, các bình luận khen ngợi là khao khát lớn nhất của tôi vào thời điểm đó. Lâu dần, thói quen này thành bệnh.
Tôi dành hết tiền tiết kiệm để mua quần áo, phụ kiện để sống ảo, chụp hình ở bất cứ địa điểm nào, từ quán cà phê, công viên cho đến cả ga tàu lửa, trung tâm thương mại… được xem là địa điểm đang thu hút giới trẻ trên mạng xã hội.
Người yêu tôi ban đầu vì chiều ý nên cũng cố gắng đồng hành nhưng lâu dần thì mỏi mệt. Phải liên tục cầm máy ảnh phục vụ cho sở thích "sống ảo" của tôi, anh trở nên cáu kỉnh.
Đó cũng là nguyên nhân chính dẫn đến mâu thuẫn và những cuộc tranh cãi không ngừng giữa chúng tôi. Và rồi cuối cùng tôi chọn chia tay người yêu.
Lương giáo viên chỉ ở mức thu nhập trung bình nhưng tôi sẵn sàng bỏ tiền triệu để thuê nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp chụp hình, quay phim tại nhiều bối cảnh khác nhau. Và dĩ nhiên sau những bộ ảnh lung linh ấy, tôi nhận được "cơn mưa" lời khen có cánh trên mạng.
Mức độ đầu tư của tôi ngày một lớn hơn khi sẵn sàng tằn tiện từng đồng, ăn mì gói thay cơm, để thuê trọn gói cả ê kíp từ thợ trang điểm, nhiếp ảnh gia chụp hình đến tài xế đưa đón.
Hậu quả của những ngày tháng trượt theo quá trình "sống ảo" ấy là những khoản nợ khổng lồ, khiến tôi phải đi dạy ròng rã cả năm mới đủ sức bù vào.
Thêm vào đó, trong khoảng thời gian mải mê "sống ảo", tôi bắt đầu bê trễ việc dạy học, thường xuyên đi trễ về sớm, sử dụng điện thoại để làm việc riêng. Ban giám hiệu nhà trường đã nhiều lần nhắc nhở nhưng tôi vẫn không thay đổi, mãi cho đến khi một học sinh gặp sự cố vì sự bê trễ của tôi.
Một vài chuyện khác cũng ập đến. Cú sốc khiến tôi chới với suốt một thời gian dài. Và khi có điều kiện để bình tâm trở lại, tôi nhận ra cuộc sống của mình vì lệ thuộc vào thế giới ảo mà lạc lõng và bất ổn như thế nào.
Tôi quyết định từ bỏ mạng xã hội, khóa trang cá nhân vài ngày, quỹ thời gian của tôi như rộng thêm ra.
Cảm xúc của tôi không còn lệ thuộc vào những icon, những lời khen chê công khai nữa. Tôi có thể ngủ đến trưa, ăn món tôi thích, xem bộ phim nhiều người chê... Tôi nhận ra không quá nhiều người tìm kiếm hay phát hiện mình "biến mất". Hóa ra mình không quan trọng đến mức cả thế giới phải nháo nhào tìm kiếm quan tâm.
Tôi tập trung quay về sống cho riêng mình, tìm nhiều kết nối có giá trị hơn cho cuộc đời thật của mình.
Bạn nghĩ sao về việc khoe niềm vui, hạnh phúc trên mạng xã hội? Theo bạn, có nên giữ niềm hạnh phúc cho riêng mình và người thân? Mời bạn chia sẻ quan điểm về hòm mail tto@tuoitre.com.vn. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận