14/08/2020 09:26 GMT+7

Tôi mượn hàng trăm triệu đồng để khởi nghiệp, nhưng giấu gia đình

CÔNG NHẬT thực hiện
CÔNG NHẬT thực hiện

TTO - Xuất ngũ vào cuối năm 2019, lúc đó Lê Tuấn Hùng (hiện 24 tuổi, quê Đắk Nông) ví mình như "trang giấy trắng" so với đòi hỏi của thị trường. Sau đó, Hùng đã nỗ lực với hành trình khởi nghiệp và hiện đạt được một số thành quả nhất định.

Tôi mượn hàng trăm triệu đồng để khởi nghiệp, nhưng giấu gia đình - Ảnh 1.

Tuấn Hùng (giữa) trao đổi cùng các cộng sự - Ảnh: V.SAN

Khởi nghiệp khắc nghiệt lắm, dù có thể chúng ta đã tận tụy cống hiến nhưng luôn tồn tại hai chữ "rủi ro". Dẫu vậy, nếu cứ sợ và chờ thời thì cơ hội chắc chắn sẽ trôi qua.

LÊ TUẤN HÙNG

Ông chủ 9X của hai công ty cung cấp dịch vụ vệ sinh nhà cửa Tuấn Hùng và công ty rửa, cho thuê xe hơi chia sẻ:

- Khi mới xuất ngũ, mọi thứ với tôi rất khó khăn, chẳng biết xã hội cần gì, muốn gì. Tôi "đầu quân" vào một công ty bất động sản ở TP.HCM và quyết định dừng sau 8 tháng làm việc, vì biết không hợp.

Trong suốt thời gian đó, tôi chuyển nhà khoảng 5 lần và nhờ đó thấu hiểu được khó khăn của người dân thành thị mỗi khi chuyển chỗ ở, dọn dẹp nhà cửa. Tôi lập công ty chuyên vệ sinh nhà cửa. Biết công ty không thể cạnh tranh với nhiều dịch vụ chuyên nghiệp ra đời từ trước, tôi xác định rất rõ là sẽ "lấy công làm lời", và đích thân lăn xả vào công việc.

* Gia đình bạn đã có những phản ứng gì?

- Tôi mượn hàng trăm triệu đồng để khởi nghiệp, nhưng giấu gia đình. Hồi đi học cấp III, tôi đã học cách sống tự lập, thậm chí từng làm "cò" bán điện thoại, xe máy để có tiền chi tiêu cá nhân...

Phần vì tôi học khá dốt nên đi đâu, làm gì cũng không dám mở miệng xin tiền gia đình. Tôi không tự tin giải thích cho họ mà chỉ biết rằng bản thân luôn cố gắng sống có trách nhiệm, mượn được sẽ trả được mà không phải nhờ vả ai.

* Bạn có những chuẩn bị nhất định trong giai đoạn đó?

- Thời gian đi làm ở công ty bất động sản giúp tôi phần nào quan sát, học được cách quản lý công ty, nhân sự, chi tiêu...

Sau khi tích lũy được kha khá về kiến thức quản trị, tôi tìm hiểu qua các chính sách, quy định của Nhà nước khi mở công ty. Tôi cố gắng hiểu luật tốt nhất có thể.

Và quan trọng nhất là tôi lục tung khắp nơi để có thể hiểu rõ về "ngách" thị trường mà mình sẽ gia nhập, những "quy luật ngầm" nếu có là gì...

Tôi bổ sung các kiến thức trên mỗi ngày, tới thời điểm hiện tại tôi vẫn còn học.

* Theo bạn, những "điểm cộng" và hạn chế của một 9X xuất ngũ chọn khởi nghiệp là gì?

- Hạn chế lớn nhất có lẽ là kiến thức chuyên môn, độ "nhạy" với nhu cầu xã hội và hạn chế về công nghệ. Trong quân ngũ chúng tôi thường hiếm khi được sử dụng điện thoại lẫn máy tính, ít được dùng Internet hay học tiếng Anh..., trong khi chúng là những điều cực kỳ cần thiết cho khởi nghiệp.

Về điểm cộng, tôi được rèn rất kỹ về thái độ nghiêm túc, kỷ luật trong công việc, sự gọn gàng, nghị lực vượt qua khó khăn, khả năng chịu áp lực cao... Ngoài ra, mọi người có khuynh hướng dành cái nhìn thiện cảm hơn, hỗ trợ nhiều hơn khi biết tôi là một người lính xuất ngũ.

Cũng cần nói thêm, tôi nhận được hỗ trợ khá nhiều từ Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) ở TP.HCM, nơi những người trẻ như tôi thường gặp các vấn đề như thiếu vốn, định hướng... có nơi dựa vào khi cần thiết.

* Bạn đã tuyển và giữ chân nhân sự như thế nào?

- Tôi chưa nghĩ bản thân có đủ kinh nghiệm để chia sẻ về vấn đề này, tôi chỉ biết rằng mình đã mời những người thân thiết, hiểu mình để cùng nhau xây dựng ước mơ. Khi tài chính chưa đủ mạnh và doanh nghiệp chưa đủ lớn, vẫn còn nhiều rủi ro... thì chỉ những ai thật sự tin tưởng bạn mới phần nào san sẻ được gánh nặng tâm lý, không rời bạn những lúc khó khăn nhất.

Sau này khi công ty dần ổn định và tuyển dụng nhân sự rộng hơn, lúc đó chúng ta phải học cách để cân đối tính cách giữa người cũ và người mới để họ hòa hợp nhau, thấy công sức của bản thân được ghi nhận một cách khách quan, công bằng.

* COVID-19 có khiến công ty của bạn bị ảnh hưởng?

- Tôi chỉ có thể tóm gọn bằng từ "khủng khiếp". Thời gian căng thẳng nhất là khi hầu hết các dịch vụ dần đóng cửa hoặc phá sản, từ văn phòng đến nhà hàng, khách sạn, phòng gym, cắt tóc... 

Và khi họ đóng cửa rồi chuyển sang hình thức làm việc tại nhà, dịch vụ vệ sinh văn phòng, nhà cửa của tôi cũng bị ảnh hưởng theo. Phần vì khi kinh tế bị ảnh hưởng thì họ cũng muốn tiết kiệm, phần vì họ cũng có nhiều thời gian hơn để làm việc nhà.

* Và giải pháp của bạn?

- Khi thấy mảng dịch vụ vệ sinh sao mù mịt, quá chua cay, tôi quyết định linh động mở thêm dịch vụ rửa và cho thuê xe hơi.

Tôi nhận thấy thời điểm dịch bệnh, nhu cầu đi lại của mọi người đều rất lớn, nhất là nhu cầu đi bằng xe riêng. May mắn là giải pháp này hiệu quả, giúp tôi có đủ kinh phí để duy trì công ty vệ sinh nhà cửa. Tôi thấy nhờ COVID-19 mà tôi đủ "dũng cảm" để có thêm một công ty, có động lực tìm hiểu và phát triển thêm một mảng mới.

Hiện tại tổng số nhân sự của tôi là 10 người, với mức thu nhập trung bình từ 5-12 triệu đồng mỗi tháng, chưa kể đã bao chi phí ăn ở.

Chào đón các ý tưởng khởi nghiệp

Nhằm tạo sân chơi ý nghĩa, khích lệ tinh thần cho các start-up tại TP.HCM cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, báo Tuổi Trẻ đồng hành cùng một số đơn vị tổ chức giải Tuổi Trẻ Golf Tournament for Start-up 2020.

Đây cũng là hoạt động nhằm kỷ niệm 75 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam, 89 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và 45 năm ngày thành lập báo Tuổi Trẻ.

Có khoảng 15-20 câu chuyện khởi nghiệp nổi bật được chọn để giới thiệu trên báo Tuổi Trẻ (online hoặc báo giấy, truyền hình Tuổi Trẻ, fanpage...) trong khoảng thời gian tháng 7 và tháng 8-2020.

Ngoài việc được vinh danh trên mặt báo, những ý tưởng này sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như quảng bá hình ảnh đến với công chúng.

Ban tổ chức cũng sẽ chọn một số startup tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị như Công ty CP ĐT&TM Thái Bình, HD Bank, Golf Long Thành, IDICO...

Các startup, nhóm bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp hay và có tính thực tế cao từ hôm nay có thể gửi bài viết tự giới thiệu, những câu hỏi liên quan về địa chỉ email: golfforstartup@tuoitre.com.vn.

Tôi mượn hàng trăm triệu đồng để khởi nghiệp, nhưng giấu gia đình - Ảnh 4.
Khởi nghiệp từ... lá Khởi nghiệp từ... lá

TTO - Suốt 2 năm qua, có một cô gái 9X tự nhận mình 'nhặt lá đá ống bơ' tìm về những cánh rừng già cho đến nhặt chiếc lá rụng rơi bên đường, sưu tầm chúng và cho ra đời sản phẩm sổ tay từ lá vô cùng đẹp mắt.

CÔNG NHẬT thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên