13/01/2013 08:14 GMT+7

Tôi là người hạnh phúc

NGUYỄN BÍCH LAN
NGUYỄN BÍCH LAN

TT - Thế rồi ngày tôi được cầm cuốn sách dịch đầu tay cũng đến. Đó là giấc mơ tôi không dám mơ. Giấc mơ ấy đã thành hiện thực trong hoàn cảnh có thể nói là còn rất ít hi vọng. Ai có thể đoán được rằng một người mới chỉ học lớp 8 lại có thể dịch thành công sách văn học?

AQfUzCAA.jpgPhóng to
Viết tay làm Bích Lan rất mệt, nhưng đó cũng là niềm đam mê của cô - Ảnh: Q.Việt

Những trải nghiệm quý giá

Tôi được giao dịch cuốn sách thứ hai, thứ ba... Mỗi cuốn là một câu chuyện khác, một thế giới khác, một trải nghiệm văn chương khác. Dịch xong, tôi lại tích lũy thêm kinh nghiệm quý giá. Mỗi lần cầm cuốn sách dịch mới được xuất bản, tôi lại trải nghiệm cảm giác hạnh phúc.

Cuối năm 2004, khi cuốn sách thứ năm tôi dịch vừa được xuất bản, nước ta ký công ước Bern - công ước quốc tế được thiết lập để bảo vệ quyền sáng tạo của tác giả. Không thể dựa cơ chế xin - cho bản quyền, các nhà xuất bản trong nước phải loay hoay tìm cách thích ứng với tình hình mới.

Tôi đợi hết ngày này đến ngày khác không thấy nhà xuất bản tiếp tục giao sách cho mình dịch. Có lúc tôi nghĩ họ đã quên tôi. Tôi tự hỏi tại sao mình lại thụ động ngồi đợi người ta giao việc, tại sao mình không tự tìm sách mình thích dịch và giới thiệu với nhà xuất bản?

Vậy là những cuộc “săn nguyên tác” của tôi bắt đầu. Với công cụ tìm kiếm Google, tôi tìm thấy hàng nghìn sách văn học, từ những cuốn được bạn đọc yêu thích trong nhiều thập kỷ đến những cuốn mới được xuất bản ở Anh, Mỹ, Ấn Độ... Sau khi xác định được rằng mình thích cuốn sách nào và có thể dịch tốt, đồng thời dự đoán sách phù hợp với độc giả VN, tôi giới thiệu tác phẩm với nhà xuất bản trong nước. Tìm được “bà đỡ” tác phẩm, tôi liên lạc với tác giả để thúc đẩy quá trình mua bản quyền.

Những niềm vui giản dị từ công việc, từ bạn bè cho tôi nguồn sức mạnh đáng kể để chống chọi bệnh tật. Có những buổi sáng cảm giác mỏi mệt rã rời hoặc một cơn choáng váng, cơn đau kéo đến như muốn trói chặt tôi vào giường.Những lúc như thế, trang sách đang chờ tôi dịch chính là động lực nâng tôi dậy. Có lần đang dịch một trang sách, tôi nhói đau nơi ngực trái, thấy mình bỗng nhiên chới với như thụt xuống hố sâu. Tôi nhắm mắt cầu xin trời cho tôi sự sống đến khi dịch xong cuốn sách còn dang dở. Dịch xong một cuốn, tôi lại đủ lòng tham để cầu trời cho tôi dịch tiếp cuốn khác.

Nếu tôi nhớ không nhầm thì Nguyễn Hiến Lê, người thầy trong tâm tưởng tôi, đã nói thế này: “Biết thêm một ngoại ngữ là được sống thêm một cuộc đời khác về tinh thần”. 24 cuốn sách là 24 chuyến đi ra thế giới. Không đi được bằng chân, tôi đi bằng khối óc và trái tim. Mỗi lần dịch một cuốn sách là tôi được sống trong khung cảnh mới, hiểu thêm những điều bổ ích.

Nếu bạn là người dịch văn học, bạn sẽ chẳng có cơ hội tự cho phép mình hài lòng một cách tuyệt đối với bất cứ bản dịch nào bạn tạo ra, dù đó là bản dịch xuất sắc nhất. Điều mà bạn có thể làm được hay nói đúng hơn lương tâm bắt buộc bạn phải làm bằng được là cho ra đời bản dịch tốt nhất vào thời điểm bạn thực hiện nó. Khi bản dịch của bạn đến tay độc giả, bạn phải chuẩn bị tinh thần cầu thị để lắng nghe phản hồi. Bạn không thể đi những chặng đường dài dịch thuật nếu bạn kiêu căng cho mình đúng nhất. Nếu bạn chọn dịch những sách văn học lớn, có giá trị tư tưởng và giàu chất văn chương thì rõ ràng bản dịch của bạn sẽ kén chọn độc giả. Đó là may mắn dành cho bạn. Khi độc giả thông thái đưa ra ý kiến phê bình đối với bản dịch của bạn trên tinh thần xây dựng công tâm, người được hưởng lợi chính là bạn chứ không phải người phê bình.

Bạn bè và người thân nói rằng năm 2010 là năm “bội thu” của tôi. Với bản dịch Triệu phú khu ổ chuột, tôi trở thành triệu phú niềm vui. Sau khi cuốn sách được xuất bản, tôi nhận được nhiều thư điện tử bày tỏ cảm giác thích thú khi đọc cuốn sách của các độc giả khắp cả nước. Không ít độc giả nói rằng đó là sách họ yêu thích nhất trong mấy năm gần đây. Một độc giả viết thư cho tôi kể rằng chưa bao giờ trong gia đình chị xảy ra hiện tượng bố mẹ và các con ai cũng chờ đợi đến lượt mình được đọc cuốn sách như họ đã chờ đợi để được đọc Triệu phú khu ổ chuột. Và cũng thật thú vị khi một sinh viên khoa văn đã chọn tác phẩm Triệu phú khu ổ chuột làm đề tài luận văn tốt nghiệp. Khi sinh viên đó giành được điểm 10 cho luận văn, bạn đã nhắn tin báo tôi biết tin vui và cảm ơn tôi bằng những lời khiến tôi rất xúc động.

Tháng 10-2010, tôi trở thành một trong tám người phụ nữ đương đại tiêu biểu cả nước được Bảo tàng Phụ nữ VN tôn vinh tại phần trưng bày mới của bảo tàng. Tôi là người trẻ nhất trong số phụ nữ đó. Thú thật, tôi bối rối trước sự vinh danh đó vì tôi cảm thấy mình nhỏ bé so với những người phụ nữ đã gặt hái được nhiều thành công lớn lao trong sự nghiệp như nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, nhà thiết kế áo dài Nguyễn Thị Minh Hạnh... Khi bắt đầu công việc của mình, tôi không nghĩ mình phấn đấu để ngày nào đó tên tuổi được lưu lại trong bảo tàng. Không một người tận hiến chân chính nào nghĩ tới điều đó.

Đi về phía ngày mai

Bây giờ tôi tin rằng mình là người hạnh phúc. Tôi đang được sống như mong muốn, một cuộc sống đầy đam mê, sắc màu và tình yêu. Đương nhiên, tôi cảm thấy hạnh phúc khi đứng trước phần trưng bày về mình tại Bảo tàng Phụ nữ VN, khi đứng trên bục nhận giải thưởng của Hội Nhà văn VN, khi được trao các giải thưởng khác. Nhưng cảm giác hạnh phúc của những phút được vinh danh ấy không kéo dài và chẳng ai có thể say sưa mãi trong hào quang.

Tôi cho rằng hạnh phúc lớn lao và bền vững không nằm ở những bục cao, không ngự trên những tượng đài mà ở ngay trong đời thường.

Từ khi mắc bệnh nan y, nhiều thứ mà trước kia đối với tôi là bình thường trở nên quý giá. Có những lúc hạnh phúc đối với tôi chính là điều mà hầu hết bạn có hằng ngày, có một cách tự nhiên đến nỗi bạn thậm chí không ý thức về sự tồn tại của chúng. Những lúc tôi nằm im lặng, chịu đựng cơn mệt khủng khiếp, chờ đợi nó dịu đi, chờ đợi nó qua đi, tôi cảm thấy chỉ cần thở được bình thường cũng đủ để tôi hạnh phúc. Những lúc tôi đủ sức để tham gia cuộc nói chuyện phiếm với gia đình hoặc bạn bè, tôi cũng cảm thấy mình đang được hưởng hạnh phúc.

Tôi biết ơn tất cả những gì tạo nên con người tôi hôm nay, thậm chí cả tai ương xảy ra khi tôi còn rất trẻ. Tôi tin rằng tạo hóa tạo ra mỗi con người trên đời này đều có mục đích. Những người như tôi có mặt trên đời này để chứng minh rằng cuộc sống này rất đáng sống, rằng khó khăn dù to lớn đến đâu cũng không thể ngăn được chúng ta sống hữu ích, không thể ngăn cản chúng ta vươn tới hạnh phúc nếu như chúng ta thật sự cố gắng. Từ lâu lắm tôi đã xếp ý nghĩ mình là nạn nhân bệnh nan y xuống đáy sâu ký ức. Điều tôi ưu tiên ghi nhớ hơn hết thảy là tôi đủ mạnh mẽ, may mắn và hạnh phúc để sống một cuộc sống có ý nghĩa. Suy cho cùng, đời mỗi người ngắn hay dài không quan trọng. Điều quan trọng là chúng ta sống thế nào để sự tồn tại của mình trên đời này có ý nghĩa.

Tôi tin rằng những người hạnh phúc là người biết thách thức tai ương, biết sống hết mình cho hôm nay và thanh thản đi về phía ngày mai...

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Tuổi 13 định mệnhKỳ 2: Những người thầy vô hìnhKỳ 3:Hai tay nâng một viên phấnKỳ 4:Nếu trời không cho sốngKỳ 5: Một cánh cửa khác mở ra

NGUYỄN BÍCH LAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên