Lãnh đạo Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết đã sẵn sàng đối mặt tại tòa nếu giảng viên N. khởi kiện - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Chiều 18-5, Trường ĐH Luật TP.HCM đã công bố quyết định kỷ luật buộc thôi việc đối với TS L.T.A.N. - giảng viên khoa luật quốc tế. Quyết định nêu lý do giảng viên này đã vi phạm các điều khoản nghị định 27/2012/NĐCP năm 2012.
Đề tài cấp bộ tôi nghiên cứu đều liên quan đến các vấn đề luật pháp quốc tế, nên tôi phải thường xuyên đi nước ngoài để thực hiện cho kịp tiến độ nhưng nay vì lý do này tôi lại bị nhà trường đuổi việc.
Giảng viên L.T.A.N.
Tố đạo văn, giảng viên bị trù dập?
Theo bà L.T.A.N., khoảng tháng 8-2019, có người trong trường gửi đơn tố cáo đến lãnh đạo nhà trường cho rằng bà không thường xuyên tham gia các hoạt động của trường, vắng họp khoa, tự ý bỏ việc và đi nước ngoài không xin phép...
"Sau đó, tháng 12-2019, trường công bố kết luận nội dung tố cáo cho rằng việc tôi tự ý bỏ việc và đi nước ngoài không xin phép là tố cáo đúng. Mặc dù tôi đã giải trình rằng theo Luật viên chức, hợp đồng lao động và quy định của nhà trường, giảng viên không làm việc giờ hành chính.
Tôi không bỏ việc bởi vì tôi đã hoàn thành tất cả các nghĩa vụ của giảng viên. Khi vắng họp khoa, tôi đã báo lý do và không nhận bất kỳ email phản đối nào của lãnh đạo khoa.
Việc giải quyết tố cáo của trường cũng vi phạm nghiêm trọng pháp luật giải quyết tố cáo do không đúng trình tự, thủ tục, quá hạn, thụ lý, không có tài liệu xác minh, cố ý giải quyết trái pháp luật, lạm dụng chức vụ quyền hạn xác minh các nội dung không bị tố cáo...", bà N. nói.
Nói về kết luận tố cáo "13 lần tự ý đi nước ngoài không báo cáo và không xin phép", giảng viên này khẳng định: "Tôi đi nước ngoài để nghiên cứu đề tài cấp bộ đã được nhà trường phê duyệt và cấp kinh phí.
Trong thời gian này tôi không có văn bản phân công lịch giảng dạy. Tôi vẫn đảm bảo nghĩa vụ giảng dạy của giảng viên, chưa từng bị lập bất kỳ biên bản vi phạm nào về nghĩa vụ giảng dạy và luôn hoàn thành vượt mức nghĩa vụ nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh đó, đôi lần tôi vắng họp khoa này do con đang ở nước ngoài bị ốm nên tôi phải sang chăm sóc. Nhà trường cho rằng bốn lần tôi vắng họp khoa là tự ý bỏ việc/tự ý nghỉ việc, trong khi theo quy định giảng viên không có giờ giảng không cần phải xin phép "nghỉ đột xuất". Và nội quy của nhà trường về việc xin phép đi nước ngoài chỉ thực hiện khi nghỉ phép năm".
Ngoài ra, bà N. chỉ ra dấu hiệu nhà trường cố tình trù dập bà rằng: "Đơn tố cáo tôi đi nước ngoài bốn chuyến từ năm 2018-2019 trong khi trường lại xác minh, quy kết đến 13 chuyến từ năm 2015 - 2019".
Cũng theo TS L.T.A.N., trước đây bà đã từng đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý như trưởng bộ môn luật thương mại quốc tế, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo luật Nhật Bản, và luôn được xếp loại lao động tiên tiến.
Tuy nhiên, sau khi giảng viên này phản ảnh một lãnh đạo khoa đạo văn một phần bản thảo giáo trình của mình, gạt bỏ tên bà khỏi thành phần viết giáo trình trái quy định nên bị "trù dập liên hoàn".
2 lần bỏ phiếu kín 100% đề nghị buộc thôi việc
Sáng 18-5, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Trần Hoàng Hải - phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật TP.HCM - cho biết sau khi có kết luận nội dung tố cáo đối với giảng viên L.T.A.N., ngày 7-4, hội đồng kỷ luật viên chức đối với bà N. đã họp.
Bà N. cũng có mặt cùng 5 thành viên hội đồng kỷ luật và đại diện Liên đoàn Lao động TP.HCM. Hội đồng kỷ luật đã xem xét và bỏ phiếu kín về kiến nghị buộc thôi việc giảng viên này với 5/5 phiếu, tỉ lệ 100%.
"Sau khi xem xét toàn bộ hồ sơ và tham khảo ý kiến các chuyên gia pháp lý, tôi nhận thấy kiến nghị này chưa đầy đủ, toàn diện nên đã đề nghị xem xét lại toàn bộ vụ việc. Đến nay, sau nhiều lần họp với các bộ phận liên quan của trường, tôi đồng ý mức xử lý kỷ luật buộc thôi việc giảng viên L.T.A.N.", ông Hải cho hay.
Trước đó, ngày 15-5, hội đồng kỷ luật viên chức đối với bà L.T.A.N. đã tổ chức cuộc họp lại theo đề nghị của phó hiệu trưởng phụ trách nhà trường. Theo ThS Đoàn Xuân Quang - phó phòng hành chính - tổng hợp nhà trường, hội đồng có thư mời giảng viên L.T.A.N. nhưng bà này gửi email từ chối tham dự họp.
Sau khi xem xét toàn diện, đánh giá mọi hành vi vi phạm và bỏ phiếu kín, tất cả 5/5 thành viên hội đồng vẫn kiến nghị buộc thôi việc bà N..
"Giảng viên không trung thực, ý thức kỷ luật kém"
Ông Đoàn Xuân Quang cũng khẳng định trường thực hiện đúng về thời hiệu và thời hạn xử lý kỷ luật. "Bà L.T.A.N. bỏ chấm thi tốt nghiệp 2 lần hai lớp (tháng 10-2018 và tháng 4-2019), nên hội đồng kiến nghị áp dụng hình thức khiển trách với mỗi vi phạm.
Bà N. còn nhiều lần không tham dự các cuộc họp (3/6 buổi năm 2019; 5/8 buổi năm 2018). Lý do được giảng viên này báo đều không chính đáng. Bà N. cũng không dự hội nghị công chức, viên chức và người lao động, không có lý do chính đáng", ông Quang nhấn mạnh.
Theo ThS Phan Lê Hoàng Toàn - trưởng phòng hành chính, tổng hợp nhà trường, việc bà N. bỏ họp hơn 50% số buổi họp khoa, không tham dự triệu tập của trường là nghiêm trọng. Tuy nhiên bà N. đã không tuân thủ các quy định báo vắng theo quy chế.
"Ngoài ra, trong 8 lần họp khoa vắng mặt thì có 4/8 lần là giảng viên này đi nước ngoài không báo với nhà trường, trong khi email báo vắng lại nêu lý do là bận việc gia đình, lý do sức khỏe… Điều này, chứng tỏ bà N. không trung thực, ý thức kỷ luật kém. Vì thế, mức độ vi phạm được kết luận là nghiêm trọng", ông Toàn nhấn mạnh.
Ông Toàn còn cho biết thêm với viên chức vi phạm "kỷ luật lao động ở mức nghiêm trọng" sẽ bị kỷ luật cảnh cáo.
Năm 2018 và 2019, bà N. 12 lần đi nước ngoài không xin phép trong thời gian làm việc, với số ngày ở nước ngoài tự ý nghỉ việc trong năm 2018 là 48 ngày và năm 2019 là 59 ngày. Áp dụng nghị định 27, vi phạm này sẽ bị kỷ luật hình thức buộc thôi việc.
Sẽ khởi kiện nhà trường ra tòa
Chiều 19-5, bà L.T.A.N. cho biết đã nhận được quyết định kỷ luật buộc thôi việc từ nhà trường. Hiện bà đang làm các thủ tục để kiện quyết định này của nhà trường ra tòa.
"Cần phải xác định nguyên nhân động cơ mục đích của việc xử lý kỷ luật của nhà trường đang tiến hành là gì. Tôi sẽ đấu tranh tới cùng và không chấp nhận bị buộc thôi việc trái pháp luật", bà N. nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận