Sáng 29-12, Cục Thống kê TP Đà Nẵng đã họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội thành phố này năm 2023.
Thu ngân sách giảm 14,8% so với năm 2022
Theo báo cáo, kinh tế Đà Nẵng giữ được nhịp độ tăng trưởng, tuy nhiên xu hướng tăng trưởng kinh tế năm nay thiếu ổn định qua các quý.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm nay ước tăng 2,58% so với năm 2022. Mức tăng chung cả năm nay thấp hơn mức tăng bình quân 5,51%/năm của giai đoạn 2021-2023.
Theo ông Trần Văn Vũ - cục trưởng Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, xét về tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2023, Đà Nẵng xếp thứ 54/63 địa phương, thứ 4/5 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và thấp nhất trong khối 5 thành phố trực thuộc trung ương.
Hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, đơn hàng liên tục sụt giảm do sức cầu yếu, chi phí đầu vào tăng cao buộc các doanh nghiệp cần có thời gian, năng lực để thích nghi.
Ước tính giá trị tăng thêm (VA) toàn khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2023 giảm 2,05% so với năm trước, nhất là xây dựng giảm 8,36%.
Khu vực dịch vụ tiếp tục là bệ đỡ cho kinh tế, một số ngành dịch vụ duy trì mức tăng trưởng khá cao. Tuy nhiên một số ngành dịch vụ thị trường có dấu hiệu chững lại, đặc biệt thị trường bất động sản vẫn chưa được cải thiện.
Tổng thu ngân sách nhà nước sơ bộ đến 20-12 đạt 19.715 tỉ đồng, giảm 14,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Phát triển du lịch chất lượng cao, logistics, công nghiệp công nghệ cao
Ông Vũ cho biết dự báo tăng trưởng GRDP năm 2024 của thành phố vẫn sẽ chưa bứt phá được như giai đoạn trước dịch COVID-19 và có thể sẽ tiệm cận ở mức 6-6,5%.
Để đạt được mức tăng trưởng như dự báo, Đà Nẵng vẫn cần phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trên nhiều lĩnh vực.
Đối với khu vực công nghiệp và xây dựng, cần tạo sự đột phá và lấy lại đà tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo phải đạt mức tăng trên 3% so với năm 2023.
Trong đó cần có giải pháp để duy trì nhịp độ tăng trưởng của một số ngành sản xuất đang có mức tăng cao như sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ uống, sản phẩm điện tử, phụ tùng xe có động cơ.
Chủ động tìm kiếm đơn hàng, đẩy mạnh thị trường xuất khẩu, góp phần mở rộng quy mô sản xuất đối với những ngành tăng trưởng còn khiêm tốn như sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu.
Trong cơ cấu nền kinh tế hiện nay, dịch vụ chiếm 70,4% trong GRDP, do đó năm 2024 rất khó để tạo sự bứt phá ngoạn mục. Vì vậy cần giữ vững tăng trưởng một số ngành kinh tế mũi nhọn như dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ hành chính và hỗ trợ, hoạt động tài chính, ngân hàng bảo hiểm.
Tiếp tục tập trung tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển các ngành lợi thế cạnh tranh cao, hình thành các sản phẩm dịch vụ có giá trị gia tăng lớn.
Trong đó cần tập trung phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn như dịch vụ du lịch chất lượng cao, logistics, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận