Ngày 2-2, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 1 với sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Phiên họp được truyền trực tuyến tới các địa phương cả nước.
Thủ tướng đánh giá trong tháng 1 dù ngày nghỉ kéo dài nhưng các hoạt động vẫn được triển khai. Tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm, thu ngân sách tăng; xuất siêu 3,6 tỉ USD. Tình hình tiền tệ ngân hàng ổn định, sức ép tỉ giá giảm dần.
Sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn
Các ngành duy trì ổn định: sản xuất nông nghiệp được mùa được giá; số lao động làm việc tăng; thương mại dịch vụ tăng cao, thu hút đầu tư FDI và khách quốc tế tăng; an sinh xã hội, đời sống nhân dân được bảo đảm, hỗ trợ cho 25 triệu đối tượng chính sách xã hội với kinh phí khoảng 9.500 tỉ đồng…
Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng có những thách thức lớn. Đó là sức ép lạm phát, đơn hàng bị cắt giảm, rủi ro tài chính tiềm ẩn.
Độ mở kinh tế lớn nên dễ tác động tới kinh tế trong nước, các động lực tăng trưởng bị tác động tiêu cực, một số tồn đọng chưa được khắc phục. Việc triển khai các chương trình phục hồi còn chậm, dàn trải…
Đặc biệt, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp khó khăn. Việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế, cần giảm lãi suất cho vay. Du lịch có xu thế phục hồi song cần nâng chất lượng hoạt động, tính liên kết...
Nêu cao tinh thần không chủ quan, luôn bản lĩnh, linh hoạt, Thủ tướng yêu cầu cần đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương, chung sức đồng lòng; đề cao tinh thần trách nhiệm, tính gương mẫu, chủ động sáng tạo của người đứng đầu.
Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh ba đột phá chiến lược, tập trung nguồn lực cho tiêu dùng, tăng trưởng, xuất khẩu; đảm bảo các cân đối lớn, tìm điểm cân bằng, hài hòa giữa lãi suất và tỉ giá, tăng trưởng và lạm phát, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, tình hình bên trong và bên ngoài.
Về kiểm soát lạm phát, chú trọng nhóm trong "rổ hàng" có tác động lớn; điều hành thận trọng các mặt hàng nhà nước quản lý, bảo đảm cung cầu thiết yếu; hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, miễn giảm thuế, phí, lệ phí, cải cách hành chính.
Giảm khâu trung gian xăng dầu, điều hành giá điện tránh giật cục
Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; hài hòa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; hướng dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng.
Hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Khẩn trương hoàn thành công tác quy hoạch, đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm các thủ tục không cần thiết, đẩy mạnh chuyển đổi số…
Tăng thu ngân sách, sớm triển khai thu thuế bằng công nghệ số, đặc biệt là thuế của lĩnh vực ăn uống. Triệt để tiết kiệm chi, chống lãng phí, ưu tiên chi cho đầu tư phát triển.
Việc điều hành tránh "giật cục". Cân đối nguồn lực để thực hiện đúng lộ trình cải cách chính sách tiền lương mới. Tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản trong tháng 2.
Thủ tướng nhấn mạnh không được để thiếu hụt năng lượng; bảo đảm hệ thống phân phối, cung ứng xăng dầu; sớm sửa đổi nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu; giảm khâu trung gian. Khẩn trương sửa đổi khung giá điện.
Với ngành y tế, dứt khoát không được để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế; tự chủ về y tế.
Nghiên cứu về tự chủ đại học, chuẩn bị chương trình sách giáo khoa, thi tốt nghiệp…
700.000 tỉ đồng đầu tư công cần giải ngân
Với tổng vốn đầu tư công 700.000 tỉ đồng năm nay, Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý chặt chẽ, thúc đẩy tiến độ dự án lớn, quan trọng, có tính lan tỏa cao, đẩy nhanh giải ngân từ đầu năm; hoàn thành kế hoạch phân bổ vốn còn lại của chương trình phục hồi là 14.100 tỉ đồng.
Đánh giá khả năng thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%; đề xuất phương án xử lý, điều chỉnh trước ngày 15-2.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận