Kim Cương trong một lần đi giao hàng - Ảnh: Sơn Bình |
Câu chuyện của một cô gái nghèo sau mười năm lăn lộn ở đất Sài thành là minh chứng thuyết phục về một Sài Gòn nghĩa tình...
“Sài Gòn đã sinh ra tôi lần thứ hai!”
Sài Gòn những ngày tháng 10 mưa tầm tã. Mưa không rõ mặt người! Trong quán cà phê nhỏ, tiếng nhạc hòa lẫn tiếng mưa như ru cô gái trẻ tìm về quá khứ.
Khác với vẻ già dặn thường ngày, em co mình trong góc quán và chậm rãi buông từng câu một: “Mới đó mà đã mười năm phiêu bạt ở Sài Gòn rồi. Thảnh thơi nhìn lại, chính Sài Gòn đã sinh ra em lần thứ hai trên đời...”.
Cô gái đó là Trần Kim Cương, 28 tuổi, quê ở huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh.
Là con gái út trong gia đình nghèo đông con, nguồn sống của cả nhà chỉ trông chờ vào việc làm thuê làm mướn của cha mẹ.
Từ nhỏ em đã ham học, nhưng đến năm lớp 4 thì gia đình bắt em nghỉ học để bán vé số phụ giúp gia đình. Tuy vậy, em vẫn trốn cha mẹ để học thêm bổ túc. Đến năm lớp 11 thì những nỗ lực của em một lần nữa sụp đổ.
Kim Cương nhớ lại: “Năm 2006 khi em 18 tuổi, miền quê nghèo có phong trào lấy chồng ngoại để đổi đời. Như nhiều gia đình khác, mẹ em tìm người môi giới làm thủ tục cưới hỏi cho em với một người nước ngoài.
Năn nỉ gia đình muốn “đứt lưỡi” rằng con sẽ trả ơn bằng cách khác chứ không chịu lấy chồng ngoại, nhưng gia đình một mực từ chối. Sau một đêm khóc nức nở, sáng hôm sau em mang theo mấy bộ quần áo, đạp chiếc xe đạp cũ hướng đến Sài Gòn tự giải thoát mình...”.
Đạp xe gần cả ngày em mới về đến Sài Gòn. Chiều buông, phố xá lên đèn em mới chợt giật mình nhận ra mình không họ hàng thân thuộc, không một xu dính túi. Sau cơn sợ hãi, em chợt nhớ đến câu chuyện người quê hay kể về cách ở trọ qua đêm khi lên Bệnh viện Chợ Rẫy khám bệnh.
Em liền hỏi đường đến bệnh viện, gửi xe rồi âm thầm vào bệnh viện trong vai thân nhân bệnh nhân. Biết chuyện của em, nhiều bệnh nhân trong phòng không chỉ nhận em làm người nhà để được ngủ lại mà còn mua đồ cho em ăn.
“Bát cơm, chiếc mền sưởi ấm đêm đầu tiên xa nhà mà em nhận được là của một bà cụ bệnh nhân tên Hoa ở quận 5” - Kim Cương nhớ lại.
Thương cô gái nhỏ, những ngày sau bà Hoa nhận em làm con nuôi để em được ngủ qua đêm theo diện thân nhân. Không chỉ thế, bà cụ còn kêu gọi những người trong phòng gom góp cho em ít vốn để mua quạt giấy, vé số để bán.
Đáp lại tấm chân tình của người Sài Gòn, em tình nguyện làm chân “sai vặt” cho những bệnh nhân già yếu không có con cái trông nuôi.
Hai tháng sau thì cụ Hoa ra viện, em đang xớ rớ đứng ở cổng bệnh viện chưa biết đi đâu, về đâu thì bác bảo vệ tiến tới từ tốn nói:
“Không phải bác không biết con ở chui, nhưng vì nghe kể hoàn cảnh con vậy nên hai tháng qua bác lờ đi cho con. Vầy hoài không được con ạ, thôi con ráng ra ngoài kiếm việc gì làm, thuê nhà trọ để ở. Đây là số điện thoại của bác, nếu gặp khó khăn gì thì cứ gọi điện...”.
Cuộc sống ổn định, Kim Cương thường xuyên trở lại thăm bà chị ngày xưa từng giúp đỡ mình - Ảnh: Sơn Bình |
Người dưng tốt bụng
Những ngày sau, đang lang thang tìm việc làm thì Kim Cương tình cờ quen một người đàn ông bán bánh cam dạo.
Thương cô gái quê nghèo, người đàn ông dẫn em về giới thiệu với bà chủ cơ sở làm bánh ở quận 12. Sau khi tìm hiểu hoàn cảnh, bà chủ chỉ dặn vỏn vẹn một câu: “Con cứ lấy bánh bán thoải mái, lời ăn lỗ cô chịu!”.
Trên hành trình bán bánh cam dạo, Kim Cương gặp một bà cụ thường ngồi ăn xin trên cầu Ông Lãnh, quận 4. Đó là bà Sáu. Mỗi lần đi ngang, dẫu tiền lời từ việc bán bánh cam không đáng là bao nhưng em cũng nhín nhịn chút đỉnh để mua cho bà Sáu bát cháo...
Rồi những cơn mưa Sài Gòn luôn đến bất chợt ấy nhiều khi lại là cái duyên để kéo lòng người gần nhau hơn.
Câu chuyện giữa Kim Cương và bà Sáu ăn xin cũng giống vậy. Trong một lần trú mưa cùng bà Sáu trong đêm lạnh, nhìn khuôn mặt phờ phạc, kiệt sức vì mưu sinh của cô gái trẻ, bà Sáu nắm lấy tay em mà nói: “Đi về nhà bà ở, con gái lớn rồi, đừng ở bờ ở bụi nữa...!”.
Rồi em theo bà Sáu đến đường Phạm Thế Hiển, quận 8 để ở. Từ đó, bà Sáu là người thân duy nhất của em nơi phố lạ.
Ở nhà bà Sáu được một thời gian, em xin đi phụ bán quán cà phê cho một người chủ ở quận 4. Được một tháng thì bị bà chủ đuổi đi trong đêm.
Trời đã gần sáng, không biết đi đâu về đâu... Lục lại trong trí nhớ, em bấm máy gọi cho một người đàn ông tốt bụng thường hay ghé cho tiền bà Sáu cầu cứu trong tuyệt vọng. Ai dè nửa tiếng sau người đàn ông xa lạ đó xuất hiện, chở em đi thuê khách sạn cho ngủ.
Kim Cương kể: “Bây giờ nhớ lại em còn sợ, nhỡ gặp người không đàng hoàng thì coi như tiêu đời con gái. Người đàn ông đó đưa em lên phòng, mở máy lạnh, chỉ em cách bấm tivi rồi ra về với lời dặn là sáng mai sẽ quay lại. Đó là đêm đầu tiên em được ngủ trong một căn phòng đàng hoàng nhất sau nhiều năm bờ bụi...”.
Đúng hẹn, hôm sau người đàn ông đó quay lại dẫn em đến nhà một người bạn tại quận Bình Thạnh, cho em lưu trú, tìm công ăn việc làm. Ông chủ nhà vui vẻ coi em như con cháu trong gia đình.
Kim Cương kể tiếp hành trình của đời mình: “Ở đấy được một thời gian em lại tiếp tục rong ruổi. Sau nhiều nghề, em được một anh thầu bãi giữ xe ở chợ đầu mối Bình Điền, quận 8 mua cho bộ đồ nghề bán bánh bao, bánh mì trong chợ với thu nhập ổn định.
Loay hoay như vậy mà em sống được năm năm ở Sài Gòn, đến quận nào cũng có người mở cửa cho ngủ nhờ như một gia đình lớn!”.
Mấy năm sau Kim Cương gặp một người đàn ông ở Hóc Môn rồi nên duyên vợ chồng. Họ có với nhau hai mặt con thì gia đình lục đục.
Em tâm sự: “Năm 2012 em ôm đứa con 1 tuổi bỏ đi trong đêm. Đang lang thang chưa biết về đâu thì được một chị ve chai đưa về cho ngủ nhờ. Mấy ngày sau chị này cho em tiền sửa chiếc xe đẩy cũ, rồi cho thêm vốn để bán trái cây dạo.
Cứ thế, hai mẹ con em và chị ve chai ngày lam lũ mưu sinh, tối về ngủ chung trong một phòng trọ ngập ve chai suốt một năm trời mà không lấy một đồng tiền trọ nào”.
Trong quá trình hai mẹ con rong ruổi mua bán trái cây, Kim Cương lại được một chị bán bánh ở chợ Hóc Môn chỉ cho nghề mới. Đó là nghề bán bánh tai heo, bánh kẹp, bánh ống... tại những khu vực có nhiều công nhân sinh sống.
Rồi từ chỗ đi bán lẻ, bán dạo, hiện Kim Cương đã đủ vốn liếng để mở hai cửa hàng bán sỉ và giao hàng cho nhiều tiệm khác trên địa bàn thành phố.
Em chia sẻ niềm vui: “Hiện em không chỉ nuôi sống bản thân với mức thu nhập đều đặn 15 - 20 triệu đồng/tháng mà còn đủ trả lương cho gần mười công nhân khác nữa...
Ngày bỏ quê đi em chỉ ước mình sẽ có được khoản vốn 50 triệu đồng sau mười năm, nhưng bây giờ em đã có hơn số đó, còn có tiền cất cho cha mẹ cái nhà mới nữa.
Tất cả là nhờ vào lòng tốt của người Sài Gòn! Ân tình đó em xem như là một món nợ mà cả đời mình không thể nào trả hết, dù những người giúp đỡ em đôi khi không để lại họ tên, địa chỉ hay bất cứ đòi hỏi gì...”.
-------------
Xem các kỳ trước
>> Kỳ 1: Nhịp cầu cho người “hồi gia”
>> Kỳ 2: Ở nơi tối lửa tắt đèn có nhau
>> Kỳ 3: Tổng đài của Tuấn “Mẹc”
>> Kỳ 4: Bếp cơm nghĩa tình Bình Trưng Đông
>> Kỳ 5: Bà Chung “lá chắn”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận