Bà Lê Kim Chung (trái) trò chuyện với một người dân trong khu phố 3 - Ảnh: Quang Định |
>> Kỳ 1: Nhịp cầu cho người “hồi gia”
>> Kỳ 2: Ở nơi tối lửa tắt đèn có nhau
>> Kỳ 3: Tổng đài của Tuấn “Mẹc”
>> Kỳ 4: Bếp cơm nghĩa tình Bình Trưng Đông
Nhìn thấy tên cướp luồn lách qua dòng người bỏ chạy, bà Lê Kim Chung (tổ trưởng bảo vệ dân phố 70, KP.6, P.3, Q.Bình Thạnh) nhảy phắt lên một chiếc xe ôm kêu bác tài đuổi theo.
Chạy tới Bệnh viện Nhân dân Gia Định thì mất dấu. Bà nghĩ tên cướp chắc lẩn vào đâu đó nên cố tìm. Tìm được, tóm lấy hắn rồi lôi xềnh xệch giao công an. Anh nghiện lẻo khoẻo không địch lại được người đàn bà ngoài 50 tuổi đầy uy lực.
Làm đúng, có gì phải sợ?
Bà Chung kể lại câu chuyện này khi bất chợt gặp D. ở ngoài đường. D. thấy bà Chung liền dừng xe, nhờ bà giúp làm đơn cho đi uống methadone. D. chính là tên cướp hồi năm ngoái bị bà tóm gọn, vừa ra trại. Hỏi bà không sợ bị trả thù hay sao, bà cười lớn: “Mình làm đúng, có gì phải sợ?”.
Nạn nhân của vụ cướp ấy là một bà già nghèo ở gần nhà bà Chung. Bà đi bán vé số nuôi chồng bị đột quỵ, một đứa con tàn tật và một con gái đang học đại học.
“Người ta đã khổ vậy mà còn bị nó ra tay cướp”, suy nghĩ đó làm bà Chung lửa giận bùng lên, đuổi theo bắt gọn tên cướp. Kể về sự tinh nhanh của bà, những người đàn ông trong tổ dân phố cũng phải ngả mũ thán phục: “Bà Chung hả? Bả ghê lắm!”.
Họ kể hồi mới làm tổ trưởng dân phố, trên đường đi tuần tra về, bà phát hiện một phụ nữ lạ mặt mon men tại một căn nhà cho thuê trong tổ, tay cứ lần mò ở lưng quần.
Thấy khả nghi, bà áp sát, sừng sộ quát lên để... phủ đầu. Bị bất ngờ, người kia luống cuống giấu tay ra sau, miệng lắp bắp. Bà sấn tới: “Xòe tay ra cho tao xem!”. Xòe ra thì thấy hai cục màu trắng óng ánh. Bà xốc nách đưa luôn lên phường! Hai cục ấy được xác định là ma túy.
Nổi tiếng táo tợn là vậy nhưng bà Chung không biết chạy xe máy, có việc gì đều phải đi bằng xe ôm, kể cả khi... bắt cướp.
Ngoài vai trò bảo vệ tổ dân phố, bà Chung còn đảm nhận vô số công việc khác. Nào là công tác dân số, nào là phụ nữ, chủ nhiệm câu lạc bộ “Lá chắn” - gồm những bà mẹ có con bị nghiện ma túy, chia sẻ với nhau kinh nghiệm của chính mình.
Nhiều việc vậy mà bà chẳng kêu ca vì việc này bổ trợ việc kia. Hết giờ trực, bà thay bộ đồ bảo vệ, khoác chiếc túi mang bao cao su và thuốc tránh thai đi phát miễn phí cho 11 tổ dân phố.
Kinh nghiệm nắm địa bàn của bà là: “Người dân tin tưởng, trở thành con mắt của mình, báo cho mình biết chỗ này chỗ kia có chuyện. Mình đi phát bao cao su để đồng hành với người ta, rồi hỏi thăm mới ra chuyện này chuyện nọ được”.
Mười năm bà Chung làm tổ trưởng dân phố, hai gia đình nghèo được xây nhà tình thương, đường cống làm khang trang sạch sẽ. Mấy người nghiện thì bà vận động cho “lên đường” hết, tức là cho đi cai nghiện tập trung.
Bà đi vận động, nói miết để người ta tự nguyện đi. Ai không chịu, bà trợn mắt: “Không tự nguyện thì tao lập danh sách cho đi cai bắt buộc theo nghị định, nhá!”. Thế là đi hết.
Bà Chung sắp xếp những phần quà dành cho người nghèo - Ảnh: Quang Định |
Làm một “lá chắn”
Ngày trước, bà từng là diễn viên xiếc. Hiện giờ, bà đang phụ con trai bán đàn guitar. Công việc làm ăn cũng dư dả được ít nhiều. Lại thêm tướng vững chãi, giọng nói sang sảng nên bà chỉ cần quắc mắt là khối người sợ.
Thấy nhà bà Chung có khách, N. - thanh niên hồi gia - cứ mấp mé ngoài cửa không dám vào. Bà quát: “Vào đây, lấp ló người ta tưởng ăn trộm”.
N. rón rén bước vào, tay mân mê tà áo, đứng ấp úng. N. đến biếu bà chai mắm, rồi báo cáo tình hình những người hồi gia khác cho “má” Chung.
N. về rồi, bà mới thở dài nói: “Cô sợ nó biếu quà lắm. Nhà nó nghèo rớt mồng tơi, mẹ nó bệnh nặng. Đôi khi nhà nấu nướng gì đó cũng cố dành cho mình một tô thức ăn, thực lòng là không nỡ nhận”.
Trong căn nhà nhỏ của bà trên đường Nguyễn Lâm, ngoài những hộp đàn là la liệt món đồ bà mua tặng người nghèo, từ gạo, đường, bánh kẹo, áo quần. Không còn lối để đi. Không còn chỗ nào để xếp thêm đồ. Chỉ có chỗ trống duy nhất để bà ngả lưng mỗi tối.
Cơ duyên để bà Chung trở thành bảo vệ dân phố bắt nguồn từ một câu chuyện buồn. Con trai lớn của bà bị lôi kéo vào con đường nghiện ngập khi mới 15 tuổi.
Con chết, bà quyết tâm làm tổ trưởng dân phố, với mong mỏi giúp những thanh niên nơi mình sống không sa vào nghiện ngập, hay lỡ sa vào rồi khi quay về vẫn còn một lối nhỏ bình yên...
Mấy ngày nay, bà Chung đang rầu rĩ vì một chuyện “bị người ta phụ”. Chị Đ. - bà mẹ nhiễm HIV được bà cứu giúp - vừa bỏ nhà đi. Năm 2009, Đ. trở về từ trại Phú Văn, mang theo căn bệnh thế kỷ. Về nhà đi làm nhà hàng, Đ. có bầu. Biết chuyện, cha mẹ Đ. đuổi con ra khỏi nhà.
Bà Chung đi làm công tác dân số thấy nhà thiếu mất một người, hỏi mãi mới ra chuyện. Một mặt bà nhờ các ban ngành ở phường đến vận động gia đình, hứa giúp thêm gạo tiền hằng tháng. Một mặt bà đi tìm Đ. đưa về nhà mình.
Biết Đ. chưa ăn sáng, bà nấu hai tô mì cho hai cô cháu cùng ăn. Đ. ngồi mấp mé ở cửa, thấy tô mì đẹp quá liền nói: “Cô ơi, nhà cô xài tô này con không dám ăn đâu”, rồi cúi mặt. Bà hiểu là Đ. đang tủi thân và tự ti vì mình nhiễm H.
Bà dẫn Đ. đi uống ARV để không lây bệnh cho em bé. Gia đình được động viên cũng đón Đ. về nuôi. Bà Chung nói thẳng với hai ông bà già là trong nhà không thương nhau thì ngoài đường không ai thương nổi đâu.
Yên ấm được sáu năm nay, Đ. vẫn khỏe mạnh và may mắn con gái không nhiễm H, lanh lợi thông minh, đi học lớp 1. Bà đã nghĩ rằng đó là một cái kết đẹp. Nhưng rồi chẳng hiểu sao mấy hôm trước Đ. lại bỏ nhà đi.
Bà buồn lắm, nói biết là mình không thể chịu trách nhiệm được hết cho cuộc đời họ, nhưng quá buồn khi thấy người ta bước đi sai lầm mà mình không làm gì được.
Gần đây, bà hay được lên tivi. Bà được khen là một gương sáng phố phường, khen thưởng cho hoạt động của câu lạc bộ “Lá chắn” mà bà làm chủ nhiệm. Bà nói đơn giản về câu lạc bộ của mình: “Mỗi người hãy là một lá chắn. Mình chắn kỹ thì tệ nạn không lọt vào trong nhà được”.
Mang câu chuyện của bà Chung tới gặp chủ tịch UBND P.3 Đặng Hoàng Tuấn, ông chỉ cười và kể thêm: Không chỉ giúp đỡ những người khó khăn, bà Chung cũng còn hay hỗ trợ các hoạt động của phường. “Nhưng không chỉ mình bà Chung đâu, ở P.3 chúng tôi cũng có rất nhiều người âm thầm làm việc tốt. Như bà cụ Tống Thị Huỳnh nhiều năm nay dành toàn bộ chế độ trợ cấp vợ liệt sĩ giúp người nghèo trong phường” - ông Tuấn giới thiệu. Tìm tới nhà bà cụ Huỳnh khi trời đã về trưa, bà đang ngồi bên chiếc máy may, ráng may những đường chỉ cuối cùng hoàn thiện chiếc mền 1,6 x 2m. Tấm mền rất nhiều màu sắc, được ghép lại từ những mảnh vải vụn bà tự đi xin được từ các hiệu may. Những chiếc mền như thế này sẽ được tặng các gia đình nghèo trong phường. Bà là vợ của liệt sĩ Nguyễn Văn Bá. Tất cả chế độ của vợ liệt sĩ, bà đều dành để giúp đỡ người nghèo trong phường, từ những người cơ nhỡ đến các em cần hỗ trợ học bổng để tới trường. Bà nói: “Xung quanh còn nhiều người khổ, cùng chung một phường thì hiểu hết hoàn cảnh rồi, mình giúp được gì thì giúp người ta”. |
__________
Kỳ tới: Tình người giữa phố chợ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận