Những ngày đầu đông lạnh buốt, một chàng trai Sài Gòn bỏ phố lặn lội lên đồi cao Đà Lạt tự tay hái từng trái cà phê chín mọng từ những cội Arabica già. Với chàng trai này, cà phê là tình yêu mãnh liệt, khiến anh dám bỏ việc để lăn lộn với núi.

Quang Vinh kể về niềm vui khi đeo đuổi hành trình tạo nên những tách cà phê – VIDEO: NGỌC HIỂN

Anh là Nguyễn Quang Vinh, chủ nhân của một "không gian cà phê chia sẻ" nằm ngay giữa trung tâm quận 1 ( TP.HCM) với một kiểu bán cà phê lạ kỳ. Đó là chỉ nhận khách hẹn trước, tự tay chủ nhân phục vụ thực khách và bên cạnh nếm cà phê, khách sẽ lạc vào thế giới phiêu bồng của hành trình làm nên tách cà phê mà chính Vinh là người dẫn chuyện.

Tinh hoa đất rừng Đà Lạt trong tách cà phê - Ảnh 2.

Bốn năm trước, Vinh khăn gói lên cao nguyên Đà Lạt với chỉ dấu là ở xứ này người Pháp đã ươm mầm những gốc cà phê chè quý hiếm Arabica cách đây cả trăm năm.

Xuôi về phía đông TP, anh bắt gặp chị Nguyễn Thị Kim Phượng (xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt) đang phơi cà phê trước căn nhà chênh vênh lưng chừng núi. Như có duyên hạnh ngộ, người nông dân này đã chỉ cho anh nơi còn sót lại lác đác vài cội Arabica già nằm sâu trong rẫy của mình.

Tinh hoa đất rừng Đà Lạt trong tách cà phê - Ảnh 3.

Quyết định "cắm neo" đất này, Vinh đi theo vợ chồng chị Phượng băng rừng lội suối tìm đến quả đồi có những gốc cà phê già. Cuối cùng, những nhánh cà phê vàng ươm đang độ chín muồi cũng hiện ra trước mắt, chàng trai này cho ngay vào miệng cảm nhận vị ngọt của trái cà phê như tìm được báu vật giữa núi rừng.

Giây phút đó, Vinh bừng tỉnh. Tựa như những chú dê lần đầu ăn trúng trái cà phê trong truyền thuyết về nguồn gốc xuất hiện thứ thức uống mê hoặc loài người này.

Cuộc tương phùng với Arabica đã khiến chàng trai đang có vị thế và thu nhập ổn định trong ngành tài chính rẽ sang một con đường đầy chông gai. Đó là gác lại công việc để lao động như một nông dân, đeo đuổi con đường cà phê suốt hơn 1.500 ngày qua.

Tinh hoa đất rừng Đà Lạt trong tách cà phê - Ảnh 4.

Những ngày cuối năm, chúng tôi theo chân Quang Vinh đi hái cà phê trên những ngọn đồi cao hơn 1.500m. Rồ ga bò lên những cung đường hiểm trở chỉ rộng hai gang tay, Vinh cầm chắc tay lái lách qua hàng chục khúc cua tay áo. Chỉ cần sơ sẩy trượt bánh là cả xe lẫn người lao thẳng xuống vực sâu hun hút. Hành trình chắt chiu từng trái cà phê của Vinh như một cuộc thám hiểm núi rừng, mà đích đến là rẫy Arabica.

Đã thuộc nằm lòng từng gốc Arabica cổ thụ nằm xen lẫn giữa vườn cà phê Catimor, Vinh xắn tay áo lao phăng phăng đến dưới gốc cây tự tay lựa từng trái chín. Như một thói quen, những trái căng mọng của lứa đầu mùa được Vinh cho vào miệng ngậm ngon lành, rồi tấm tắc khen "ngọt như đường".

Tinh hoa đất rừng Đà Lạt trong tách cà phê - Ảnh 6.

"Cà phê Đà Lạt có một hậu vị đặc biệt bởi nó kết tinh từ cái giá lạnh của núi cao, thổ nhưỡng phù hợp cộng với số tuổi của cây" - Vinh nói. Không tuốt cả cành một lần như nông dân, Vinh chia thành nhiều đợt để hái từng trái chín và chỉ lựa những trái chắc hạt. Chính vì thế, chàng trai này chỉ gom về được một lượng cà phê ít ỏi độ vài trăm ký mỗi năm.

Trước đây, vùng này bạt ngàn Arabica nhưng loài cà phê này không chịu được hạn, năng suất thấp nên dân chặt bỏ, chuyển sang trồng Catimor. Bởi vậy, cả một quả đồi mênh mông cà phê chỉ còn thưa thớt lại vài cội Arabica.

Để bảo tồn giống cây quý, Vinh mua hẳn một quả đồi trồng Arabica. Vinh không phun thuốc cũng chẳng bón phân hóa học, để cà phê phát triển tự nhiên như cỏ cây Đà Lạt thuở hồng hoang. "Tôi muốn đem về những trái cà phê thuần là của mẹ thiên nhiên, không bất kỳ một thứ hóa chất nào tồn dư trong hạt cả" - Vinh khẳng định.

Tinh hoa đất rừng Đà Lạt trong tách cà phê - Ảnh 7.

Trong căn phòng đậm nét hoài cổ ngay giữa trung tâm quận 1, Quang Vinh bài trí không gian riêng tư với vài bộ bàn ghế phong cách Sài Gòn xưa. Chậu Arabica 3 năm tuổi nằm giữa căn phòng, cộng thêm tiếng chim hót líu lo như kéo khách chìm vào cõi trầm lắng mà chủ nhân gọi là "không gian cà phê chia sẻ".

Không phải ai cũng dễ dàng bước vào căn phòng luôn kín cửa này. Muốn nếm một tách Espresso ở đây, khách phải đặt lịch trước. Mỗi ngày, chủ nhân chỉ đón tối đa 15 khách và chỉ tiếp mỗi lượt khách chừng hai giờ, mỗi lần chỉ một lượt khách đi cùng nhau mà thôi.

Để được thưởng thức cà phê tại không gian của Vinh, khách hàng phải đặt trước ít nhất một ngày – VIDEO: NGỌC HIỂN

Thực đơn ẩm thực chỉ có hai món bún bò hoặc mì Ý vẹm xanh kèm tráng miệng bánh Pháp madeleines. Sau khi trải nghiệm ẩm thực, khách sẽ mê đắm trong thế giới cà phê bằng những tách Espresso nguyên chất nồng đượm.

Điều đặc biệt, tất cả các món ăn, thức uống của không gian này đều do một tay Vinh chế biến và sẻ chia với thực khách theo công thức của riêng mình. "Tôi mở không gian này trước tiên là để cho bản thân, rồi sau đó là chia sẻ với bạn bè. Bởi thế, tôi gọi đây là cà phê chia sẻ chứ không đơn thuần kinh doanh" - anh kể.

Mang ra những hạt cà phê màu cánh gián cho vào cối xay rồi pha tách Espresso, vị chủ nhân mời tôi thưởng thức với lời dặn chỉ có 15 giây để uống, vì để lâu nó hết nóng khiến giảm đi nhiều phần hấp dẫn.

Tinh hoa đất rừng Đà Lạt trong tách cà phê - Ảnh 10.

Những giọt cà phê màu nâu đen nằm dưới lớp crema (lớp kem) mịn màng óng ả như da một cô gái đẹp không son phấn, khiến dân sành cà phê phải nhấp ngay một hớp. Ly cà phê mới pha có mùi hương đậm đà, mang vị đắng, chua của cà phê nguyên chất nhưng vẫn đọng lại vị ngọt thanh.

Uống xong, vị thơm và ngọt của cà phê vẫn lưu lại trong vòm họng. "Hậu vị của tách cà phê này rất quan trọng, nên tôi không cho khách uống nước sau khi nếm cà phê" - Vinh nói.

Tinh hoa đất rừng Đà Lạt trong tách cà phê - Ảnh 11.

Với ly Espresso của Vinh, thực khách được chiêm nghiệm cà phê Arabica bằng cả ngũ giác khi nâng niu tách cà phê để ngắm, ngửi và nếm. Đặc biệt, thực khách bị lôi cuốn vào câu chuyện của chàng lãng tử làm nên những tách cà phê do chính Vinh tâm tình.

Ngoài hái từng trái, mọi quy trình còn lại cho đến khi ly cà phê đến tay thực khách, từ tách vỏ trái, rồi lấy hạt đem ủ, rửa, phơi, tách vỏ trấu, lựa hạt nhân, rang... đều một tay Vinh thực hiện bằng cả tình yêu với cà phê.

"Khi rang, tôi phải ngửi để không bị khét, nhìn để cho ra màu nâu đậm và lắng nghe tiếng nổ để hạt chín vừa đủ, tức là mọi giác quan của mình phải cảm nhận để cho ra được những tách cà phê ngon nhất" - Vinh nói.

Không gian, chất lượng cà phê và chủ nhân chính là chiếc kiềng ba chân níu chân khách. Bên cạnh khách hàng là giới sành sỏi cà phê trong nước, không gian này cũng được không ít du khách quốc tế truyền tai nhau tìm đến thưởng thức một ly cà phê thượng thặng của xứ sở xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới.

Quang Vinh kể về không gian cà phê của chính mình – VIDEO: NGỌC HIỂN

Với Vinh, sự am tường về cà phê, vốn tri thức, ngoại ngữ có được từ những tháng ngày du học Mỹ và những trải nghiệm với cà phê thế giới là nền tảng để vị chủ nhân này có thể tiếp chuyện khách đến từ mọi quốc gia.

Trên các website uy tín về du lịch, các vị khách quốc tế đều để lại những đánh giá tích cực về không gian này, thậm chí có vị khách còn gọi Vinh là "đại sứ không chính thức của cà phê Việt". Còn với Vinh, thứ cà phê này gắn liền với nhân hiệu của bản thân nên anh sẽ dành cả trái tim và tâm huyết để gắn bó với cà phê Việt.

Có điều đến với cà phê chia sẻ của Vinh không thể mỗi ngày vì giá khá cao - nhưng không thể gọi là đắt vì bao công sức và cả tấm lòng của chủ nhân đã trút hết vào đây!

Tinh hoa đất rừng Đà Lạt trong tách cà phê - Ảnh 13.

NGỌC HIỂN
KIỀU NHI & TƯỜNG VY
BẢO SUZU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên