Quang cảnh buổi cà phê... hồi sức - Ảnh: THẢO TÂM
Nơi đó đang diễn ra chương trình "Cà phê hồi sức" số 12 với chủ đề: Thông khí không xâm nhập (NIV) cho bệnh nhân suy hô hấp mãn tính (COPD) do TS.BS Đỗ Quốc Huy, phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), chia sẻ. Phía dưới là rất nhiều bác sĩ trẻ khoa hồi sức lắng nghe.
Nghiện... cà phê hồi sức
Những chiếc bàn được kê ngẫu hứng cùng các cốc cà phê miễn phí. Phía trên có máy chiếu, dụng cụ y tế, đặc biệt là máy thở để bên cạnh, chẳng khác một phòng cấp cứu hồi sức ở bệnh viện. Phía dưới có cả một êkip do các nhân viên của một công ty thiết bị y tế tại TP.HCM hỗ trợ như: quay phim, phát trực tiếp qua Facebook, trình chiếu slide nội dung.
Hàng trăm ánh mắt chăm chú nhìn, còn bác sĩ Huy say sưa với chiếc micro, bên cạnh là máy chiếu trình chiếu nội dung tương ứng những lời bác sĩ dẫn giải.
TS.BS Đỗ Quốc Huy là người từng tham gia chia sẻ "Cà phê hồi sức" số 9 và tiếp tục tham gia số 12.
Ông tâm sự: "Tôi có theo dõi chương trình này từ những số trước và được biết rất nhiều bác sĩ trẻ mong đợi, có nhu cầu học hỏi chuyên môn. Tôi đánh giá cao chương trình này. Nó như một diễn đàn công khai ở không gian cà phê giải trí nhưng lại được chuẩn bị hết sức kỹ, truyền đạt thông tin về chuyên môn hồi sức chuẩn, tốt và vô cùng thân thiện. Vì thế, tôi cũng đóng góp để chia lửa, truyền lửa cho anh em bác sĩ trẻ".
Và sau từng nội dung bác sĩ Huy truyền giảng, các bác sĩ có mặt hoặc những bác sĩ ở xa theo dõi trực tiếp trên Fanpage có thể đặt câu hỏi tại chỗ hay qua những comment (bình luận), bác sĩ Huy sẽ trả lời.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Tôn (Bệnh viện đa khoa Tam Bình, TP Vĩnh Long) thắc mắc khi xem phát trực tiếp: "Xin thầy giải đáp giúp em tại sao thở máy không xâm nhập lại có tác dụng làm giảm hậu tải trong phù phổi cấp?", hay câu hỏi tại chỗ của bác sĩ Nguyễn Hoàng Dũng (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch): "Một số bệnh nhân COPD thường có tình trạng kích thích nhưng lại có thể có lợi ích nếu thở NIV, vậy mình sử dụng thuốc an thần được không? Nếu được, theo kinh nghiệm của thầy, sử dụng an thần trên bệnh nhân là như thế nào?"...
Các câu hỏi tại chỗ hoặc từ người ở xa cùng những câu trả lời, tranh luận với nhau cởi mở, làm sôi động buổi cà phê. Một bác sĩ đón xe từ Long An lên TP.HCM xem xong chỉ gói gọn trong một câu: "Tôi nghiện cà phê... hồi sức!".
Hay lâng lâng cảm xúc của bác sĩ Hoàng Khánh, công tác tại một bệnh viện ở TP.HCM: "Lần đầu tiên tôi có cảm giác trao đổi nhiều mà lại rất thoải mái. Những điều thắc mắc trong chuyên môn nhiều khi tôi không hỏi được sếp mình hoặc trưởng khoa, đọc sách lại không hiểu, nhưng đến với buổi cà phê này thì nút thắt như từ từ được mở ra trong không khí chân tình".
Các bác sĩ trẻ đến từ nhiều bệnh viện khác nhau trên cả nước lắng nghe, học hỏi và đặt câu hỏi - Ảnh: THẢO TÂM
Người mở đường
Chương trình "Cà phê hồi sức" mỗi tháng tổ chức một lần vào ngày chủ nhật, từ 9h-11h sáng tại những quán cà phê khác nhau ở TP.HCM. Đây là ý tưởng do bác sĩ Đặng Thanh Tuấn, trưởng khoa hồi sức ngoại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (Q.10, TP.HCM), nghĩ ra.
Nói về lý do ra đời chương trình này, bác sĩ Tuấn cho biết: "Do công tác đặc thù, bác sĩ hồi sức rất bận, lo rất nhiều bệnh nhân nên các buổi hội thảo, những lớp học ít có thời gian để tham gia. Hơn nữa, về chuyên môn hồi sức, các bác sĩ tiếp xúc rất nhiều máy móc, nên tôi muốn tạo sân chơi chuyên môn để giúp đàn em có dịp gặp gỡ các thầy đứng đầu ngành, có nhiều bề dày kinh nghiệm để trao đổi, chia sẻ, truyền lửa nghề. Trong một không gian thân mật, nhẹ nhàng, không trang trọng như các hội thảo, chỉ đơn giản như một buổi cà phê thì cả người chia sẻ lẫn người nghe dễ dàng giao lưu, học hỏi nhau hơn."
Hơn một năm trước, khi nghĩ ra ý tưởng thì bác sĩ Tuấn có trao đổi với thầy Bạch Văn Cam - thầy thuốc nhân dân, chủ tịch Hội Hồi sức TP.HCM, nguyên trưởng khoa hồi sức Bệnh viện Nhi Đồng và được thầy Cam ủng hộ.
Ngày 21-7-2018, ly cà phê hồi sức... vỡ lòng được tổ chức tại một quán cà phê ở Q.3.
Nhớ lại những ngày đầu, bác sĩ Tuấn nói: "Ngay số đầu tiên này, chúng tôi thực hiện như một bản chạy demo (bản thử nghiệm - PV) để xem hiệu ứng từ mọi người như thế nào, không ngờ mọi người rất thích. Bác sĩ hồi sức có chuyện lạ là vận hành máy thở bao nhiêu năm nhưng kiến thức nền không ít người bị lộm cộm, nên các số tiếp theo với những chủ đề chuyên môn liên quan cứ thế được tổ chức và nhận được nhiều hiệu ứng tốt".
Đến nay, chương trình đã tổ chức được 12 số, lên đến 4.000 thành viên theo dõi Fanpage. Ngoài TP.HCM, "Cà phê hồi sức" đã lan tỏa và tổ chức ở TP Đà Nẵng số thứ 7 với chuyên đề: "Đo thể tích phổi cho bệnh nhân thở máy".
Điều đặc biệt là từ số đầu tiên với chuyên đề "Thông khí bảo vệ phổi" đến chuyên đề "Thông khí không xâm lấn" của số 12 đều do bác sĩ Tuấn sắp xếp nội dung.
Mặc dù bận rộn nhưng càng về những lần tổ chức sau, niềm vui, sự hào hứng của bác sĩ Tuấn càng máu lửa hơn.
"Tôi rất vui. Chương trình mang lại cho mình nhiều cảm hứng lạ lắm, dù chiếm hết hơn 50% thời gian ngoài giờ hành chính ở bệnh viện và tôi còn đưa đón con đi học, công việc ở phòng mạch. Mọi người quan tâm chia sẻ nhiều, rồi các anh em đồng nghiệp khác nghĩ vui rằng họ cũng sẽ mở cà phê sản khoa, cà phê nhi khoa, cà phê chẩn đoán hình ảnh... Thật lòng mà nói, giờ đây chương trình như "đứa con nhỏ" đeo bám mình hoài" - bác sĩ Tuấn chia sẻ.
Góp sức truyền lửa
PGS.TS Lê Minh Khôi - giảng viên cao cấp Trường ĐH Y dược TP.HCM, trưởng đơn vị tim mạch nhi và tim bẩm sinh, trưởng đơn vị hình ảnh tim mạch Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, là người từng chia sẻ và được cho là làm "nổ tung" chương trình số thứ 10 - cho biết: "Tôi chia sẻ chuyên đề tương tác tim phổi, nhận lời hỗ trợ bác sĩ Tuấn ngay vì đây là môi trường rất thân tình, chia sẻ được rất nhiều chuyên môn mà không ảnh hưởng hay phụ thuộc nội dung vào bất kỳ công ty tài trợ nào. Vì thế, tôi tự nguyện đứng ra chia sẻ hết những máu thịt mà mấy chục năm trong nghề mình có được. Đây là chương trình rất tâm huyết vì cộng đồng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận