21/10/2017 17:37 GMT+7

Phát triển cà phê net và net nhà riêng

THANH HÀ
THANH HÀ

TTO - Trong những năm đầu mở Internet, mặc dù xã hội háo hức nhưng chưa có những điểm truy cập Internet công cộng dành cho dân chúng. Khắp các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, không nhìn thấy một quán cà phê Internet nào.


Phát triển cà phê net và net nhà riêng - Ảnh 1.

VNPT kéo cáp kết nối Internet đến tận nhà dân - Ảnh VNPT cung cấp

Không có Internet, đất nước mình sẽ nghèo vĩnh viễn. Giá trị lớn nhất của việc không ngừng phát triển Internet là công nghệ này đã đưa Việt Nam thoát khỏi tình trạng ốc đảo bị cô lập về thông tin với thế giới

Ông Trương Gia Bình

Đừng mơ Internet công cộng

Ông Vũ Hoàng Liên, nguyên giám đốc Công ty VDC, cho biết: "Thời gian đầu chỉ cho phép các dịch vụ: email, web và FTP (truyền files). Vì thế những năm đầu Internet phát triển rất chậm. Không được mở Internet công cộng và cà phê Internet, kể cả đối với doanh nghiệp nhà nước như chúng tôi xin cũng không được".

"Ở thời điểm này, Internet được quản lý bằng nghị định số 21/CP được Chính phủ ban hành vào tháng 4-1997, trong đó nổi bật là phương châm "quản lý được đến đâu mở đến đó" - ông Trương Gia Bình, chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, nhớ lại.

FPT là một trong bốn doanh nghiệp đầu tiên được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ Internet (ISP) ngay khi Internet được mở, cùng với NetNam, VNPT (trực tiếp là Công ty VDC) và SaigonNet.

Theo ông Trương Gia Bình, lúc đó việc mở cửa thị trường Internet vẫn còn hạn chế vì chỉ có duy nhất VNPT cung cấp hạ tầng truyền dẫn và các ISP khác đều phải phụ thuộc. FPT đã phải làm mọi cách để sống sót qua giai đoạn này.

"Năm 2000, tỉ lệ sử dụng Internet ở Việt Nam mới chỉ đạt 0,2% dân số, trong khi ở thời điểm đó, tỉ lệ này ở các nước châu Phi cũng đã là 2%, khiến chúng tôi cảm thấy rất tức, nghĩ đất nước mình không thể thế này mãi được, chả lẽ lại thua cả châu Phi" - ông Trương Gia Bình hồi tưởng.

Đối với lịch sử phát triển Internet ở Việt Nam có hai mốc thời gian đáng nhớ. Một là ngày khai trương Internet và cấp giấy phép cho bốn nhà cung cấp dịch vụ đầu tiên. Hai là ngày mở cửa thị trường viễn thông để cạnh tranh, giảm cước để Internet phát triển.

Tháng 2-1999, tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện có văn bản đưa chủ trương điện thoại trên Internet VOIP.

 Tháng 2-2000, Tổng cục Bưu điện chính thức cấp phép cho Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) được cung cấp dịch vụ điện thoại đường dài và quốc tế bằng VOIP, một quyết định phá bỏ độc quyền, giúp cho giá cước giảm, bình dân hóa giá cước điện thoại, giúp làm giảm giá Internet.

Nghị định cởi trói

Nhưng phải đến tháng 2-2001, có thể coi là một bước ngoặt đối với Internet tại Việt Nam, khi nghị định 55 về quản lý Internet được Chính phủ ban hành thay thế cho nghị định 21. Nghị định này đã "cởi trói" cho Internet ở Việt Nam được phát triển. Ngay lập tức, các điểm Internet công cộng, cà phê Internet mọc lên như nấm. Người dân, nhất là giới trẻ, cuối cùng đã được thỏa cơn thèm... Internet.

Ông Vũ Hoàng Liên nhớ lại: "Không có một mệnh lệnh cụ thể nào cả, nhưng mọi thứ thay đổi hằng ngày, chúng tôi nhanh chóng bận rộn với việc hỗ trợ kỹ thuật các điểm Internet công cộng, các quán cà phê Internet mọc lên mỗi ngày. 

Rất nhiều người nhanh nhạy bỏ tiền ra đầu tư mở Internet công cộng và họ làm ăn kinh doanh rất tốt, lợi nhuận cao dù giá cước vẫn còn khá cao. Lúc đó chỉ mới có máy tính để bàn, kết nối bằng ADSL tốc độ cũng vừa phải... nhưng ở các điểm net công cộng luôn đông chật khách hàng, chủ yếu là giới trẻ".

Thời điểm này, về nguyên tắc người dân có thể đăng ký sử dụng thuê bao Internet, tuy nhiên có quá nhiều trở ngại, khó khăn để có thể kết nối Internet tại nhà riêng. Vì thế, các điểm Internet công cộng, quán cà phê Internet trở thành nơi thu hút những người có nhu cầu kết nối mạng, đặc biệt là sinh viên, các bạn trẻ. Sau này, khi có thêm dịch vụ game, tuy chủ yếu là offline, số điểm Internet công cộng càng gia tăng.

Phát triển cà phê net và net nhà riêng - Ảnh 3.

Ông Trương Gia Bình, chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT - Ảnh FPT cung cấp

Không thể dừng lại

"Người đầu tiên kết nối Internet tại nhà riêng là ông Vũ Hồng Nam, con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một người vừa say mê công nghệ vừa là doanh nhân có nhiều đóng góp cho phát triển Internet giai đoạn đó."

"Trong số 300 khách hàng đầu tiên của chúng tôi cuối năm 1997, hầu hết là các nhà khoa học, cán bộ quản lý có nhu cầu thường xuyên trao đổi thông tin với nước ngoài. Sử dụng Internet hiệu quả nhất ở thời điểm này là các trường ĐH, viện nghiên cứu, chứ các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người kinh doanh chưa tích cực, xông xáo khai thác Internet" - ông Vũ Hoàng Liên kể.

Trong khi đó, những người dân bình thường, đặc biệt là giới học sinh sinh viên kết nối với Internet rất khó khăn, chủ yếu vì giá cước. Cái khó này khiến nhiều người phải nghĩ đủ cách để lách, tìm cách kết nối cho rẻ. 

Khi Internet chuyển sang ADSL, kết nối dễ dàng và giá cước rẻ hơn, nhu cầu kết nối tại nhà riêng tăng đột biến, theo Hiệp hội Internet Việt Nam, chỉ trong vòng vài năm số lượng thuê bao tư nhân tăng gấp 10 lần.

Giới trẻ hôm nay sẽ không thể hiểu nổi vì sao cà phê Internet là niềm khao khát của cả một thế hệ bởi ngày nay việc truy cập Internet đã không còn giới hạn về không gian và thời gian. Không còn khái niệm cà phê Internet vì bất cứ quán cà phê nào cũng như các địa điểm công cộng cũng có thể có WiFi. Không còn quán cà phê nào thu tiền sử dụng Internet của khách hàng. Và thậm chí không cần đến WiFi, chỉ với chiếc smartphone trên tay, người dùng có thể được kết nối Internet liên tục, dễ dàng 24/24 giờ...

Ông Trương Gia Bình nhìn nhận: "Hiện nay, chúng ta có một môi trường xã hội rất thuận lợi để phát triển Internet. Nhưng chất lượng công nghệ vẫn còn lạc hậu so với khu vực và thế giới. Với tiềm năng thị trường và nhu cầu sử dụng lớn như Việt Nam, các nhà cung cấp dịch vụ cần đáp ứng tốt hơn nữa về chất lượng và đi tiên phong hơn nữa về công nghệ". 

Ông Bình nêu dẫn chứng cụ thể: "Công nghệ 4G của Việt Nam đang phát triển rất chậm so với các nước trong khu vực trong khi thế giới đã đang tiến đến 5G".

1

Unitel, một công ty con của nhà mạng Viettel đưa dịch vụ Internet đến từng người dân - Ảnh Viettel cung cấp

Hiện Việt Nam có gần 50 triệu người sử dụng Internet, đạt tỉ lệ 53% dân số. Đây là con số cao hơn mức trung bình của thế giới là 46,64%. Trong số này, người sử dụng Internet thường xuyên hằng ngày lên tới 78%. Việt Nam đứng vị trí thứ 16 trong top 20 quốc gia có số người sử dụng Internet nhiều nhất tại châu Á...

Số lượng người dân có tài khoản Facebook, tỉ lệ sử dụng mạng xã hội và các công cụ tìm kiếm cũng như thời gian dành cho Internet của người Việt Nam đều cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

****************

Kỳ tới: "Cửa ngõ" của Internet Việt Nam

THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên