Theo Newsweek, vụ nổ nằm cách Trái đất 8 tỉ năm ánh sáng, có tên là AT2021lwx, nhưng được đặt biệt danh là "Barbie đáng sợ". Đây là một siêu tân tinh đặc biệt lớn và liên tục phát nổ kể từ khi được phát hiện lần đầu tiên cách đây 3 năm.
Trong công bố cách đây ít ngày, các nhà thiên văn học từ Đại học Southampton (Anh) cho biết họ tình cờ phát hiện vụ nổ khi đang tìm kiếm một loại siêu tân tinh. Họ nhận định vụ nổ sáng hơn 10 lần so với các siêu tân tinh từng được quan sát trước đây.
"Vụ nổ tạo ra quả cầu lửa có kích thước gấp 100 lần Hệ Mặt trời và giải phóng năng lượng gấp 100 lần so với tổng năng lượng trong vòng đời 10 tỉ năm của Mặt trời", thành viên nhóm nghiên cứu cho hay.
Nhà thiên văn học Philip Wiseman cho biết: "Hầu hết các sự kiện siêu tân tinh và sự kiện gián đoạn thủy triều (các tia chớp sáng xảy ra khi lỗ đen xé toạc các ngôi sao) chỉ tồn tại trong vài tháng trước khi biến mất. Do đó, một thứ gì đó sáng liên tục trong hơn hai năm là điều rất bất thường".
AT2021lwx được cơ sở Zwicky ở California (Mỹ) phát hiện lần đầu tiên vào năm 2020 và sau đó tiếp tục được Hệ thống cảnh báo lần cuối tác động của tiểu hành tinh lên mặt đất ở Hawaii quan sát.
Lý do chính xác gây vụ nổ AT2021lwx vẫn chưa rõ ràng. Các nhà thiên văn cho rằng có thể là do một đám mây khí khổng lồ bất ngờ bị hố đen siêu lớn nuốt chửng.
Hiện tại các nhà thiên văn đang nghiên cứu sâu hơn, hy vọng sẽ tìm ra nguyên nhân chính xác của vụ nổ. Những sự kiện hiếm có như thế này có thể là quá trình then chốt để xác định tâm của các thiên hà thay đổi như thế nào theo thời gian.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận