19/01/2019 10:04 GMT+7

Giải pháp cho hạt nhân Triều Tiên đến từ... Tây Phi?

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Giới phân tích cho rằng sứ mệnh không phổ biến hạt nhân chung của Mỹ và Trung Quốc ở Tây Phi gần đây có thể là hình mẫu cho quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sắp tới.

Giải pháp cho hạt nhân Triều Tiên đến từ... Tây Phi? - Ảnh 1.

Ảnh chụp ngày 15-4-2017 cho thấy tên lửa Hwasong 12 của Triều Tiên trong một cuộc diễu binh ở Bình Nhưỡng - Ảnh: AP

Tuần này xuất hiện thông tin cho biết năm ngoái, các chuyên gia hạt nhân Mỹ và Trung Quốc đã hợp tác trong một dự án nhằm loại bỏ uranium làm giàu cao (HEU) khỏi một lò phản ứng ở Nigeria để ngăn loại nhiên liệu này rơi vào tay bọn khủng bố, theo báo SCMP của Hong Kong ngày 19-1.

Sứ mệnh này cũng có sự tham gia của các chuyên gia Anh và Na Uy cùng với các đại diện đến từ Nga và Cộng hòa Czech và được hoàn thành chỉ trong vòng 1 ngày bất chấp những cuộc xung đột bạo lực ở tỉnh Kaduna của Nigeria - vị trí của lò phản ứng trên.

Công tác sắp xếp hậu cần và an ninh cần thiết để đưa số nhiên liệu này tới Trung Quốc xử lý được hoàn tất trong vòng 6 tuần, theo trang defensenews.com.

Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh và Washington hợp tác để ngăn chặn sự phổ biến của vũ khí hạt nhân ở Tây Phi. Một hoạt động tương tự để đưa HEU tới Trung Quốc xử lý đã được tiến hành ở Ghana vào năm trước đó.

Giới phân tích nhận định diễn biến trên cho thấy khả năng Mỹ và Trung Quốc dẹp sang một bên những bất đồng và cùng hợp tác khi lợi ích chung của hai nước đang rơi vào vòng nguy hiểm. 

Hai cường quốc này có thể sẽ làm những điều tương tự như ở Tây Phi nếu các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên diễn ra tốt đẹp.

"Có khả năng các vũ khí hay vật liệu hạt nhân của Triều Tiên được đưa tới Trung Quốc (để xử lý). Điều này hợp lý do Trung Quốc đã sở hữu vũ khí hạt nhân và Mỹ có thể cũng chấp nhận đề xuất này", ông Miles Pomper, chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu không phổ biến hạt nhân James Martin (Mỹ), nhận định.

Trong khi đó, ông Bruce Bennett, một nhà nghiên cứu quốc phòng cao cấp tại trung tâm Rand Corporation (Mỹ), cũng đánh giá Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục hợp tác về vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân Triều Tiên.

"Nếu sự bất ổn diễn ra ở Triều Tiên, Trung Quốc có thể sẽ đối mặt với mối đe dọa lớn hơn từ bọn khủng bố hay các nhóm phản đối của Trung Quốc một khi các nhóm này sở hữu được vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và sử dụng chúng chống lại Bắc Kinh", ông Bennett cảnh báo.

Giải pháp cho hạt nhân Triều Tiên đến từ... Tây Phi? - Ảnh 2.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viên đưa Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân Melania thăm Tử Cấm Thành trong chuyến thăm Trung Quốc của ông Trump hồi tháng 11-2017 - Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định các thách thức về kĩ thuật và chính trị trong việc loại bỏ vật liệu hạt nhân ra khỏi lãnh thổ Triều Tiên còn lớn hơn nhiều so với những khó khăn gặp phải trong các sứ mệnh không phổ biến hạt nhân ở Tây Phi.

"Nói một cách nghiêm túc, việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên sẽ vô cùng chông gai xét về bản chất công việc và quy mô. Các hoạt động ở Ghana và Nigeria rõ ràng ít phức tạp về mặt chính trị và ngoại giao", chuyên gia Pomper đến từ trung tâm James Martin bình luận.

Nigeria và Ghana không sở hữu vũ khí hạt nhân và hiện đối mặt với mối đe dọa khủng bố từ nhiều nhóm trong khu vực như Boko Haram. Do đó, việc yêu cầu chính phủ hai nước này tham gia hoạt động không phổ biến hạt nhân dễ hơn.

Trái lại, theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), tính đến tháng 1-2018, Triều Tiên đã sở hữu từ 10-20 đầu đạn hạt nhân. 

Các chuyên gia cũng nhận định việc chuyển HEU ra khỏi lãnh thổ Triều Tiên không thể diễn ra sớm. Hoạt động này có thể sẽ diễn ra vào các giai đoạn cuối cùng của quá trình phi hạt nhân hóa do chính phủ Triều Tiên không dễ dàng từ bỏ.

"Các vật liệu hạt nhân được xem là một vũ khí chiến lược vì chúng cho phép Bình Nhưỡng chế tạo vũ khí hạt nhân trong trường hợp khẩn cấp", Lim Eul Chul, một chuyên gia về Triều Tiên tại Viện nghiên cứu viễn đông (IFES) ở Hàn Quốc, giải thích.

Ông Tập Cận Bình sẽ thăm Triều Tiên lần đầu vào tháng 4? Ông Tập Cận Bình sẽ thăm Triều Tiên lần đầu vào tháng 4?

TTO - Các nguồn tin từ Hàn Quốc của báo SCMP tiết lộ chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm chính thức Triều Tiên trùng với dịp kỷ niệm ngày sinh cố lãnh đạo Kim Nhật Thành 15-4.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên