Phát biểu ngày 27-6, ông Putin đề cập tới việc Nga nên tái khởi động việc sản xuất tên lửa tầm trung và tầm ngắn hơn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Ông Putin đẩy mạnh tên lửa hạt nhân để đáp trả Mỹ
Theo Reuters, Tổng thống Nga cho rằng Matxcơva phải cân nhắc nơi triển khai số tên lửa trên, sau khi Mỹ đã mang các tên lửa tương ứng tới châu Âu và châu Á.
Trước đây, Nga và Mỹ có một số hiệp ước về kiểm soát số lượng vũ khí. Một trong các thỏa thuận giúp hạn chế chạy đua vũ trang của hai nước là Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vốn ký từ năm 1987.
Tuy nhiên những thỏa thuận này dần phai nhạt và bị đình chỉ song song với mối quan hệ căng thẳng giữa Nga với Mỹ và phương Tây nói chung. Nhiều ý kiến lo ngại rằng việc Nga đối đầu với sự phản đối của các nước đồng minh của Mỹ trong cuộc xung đột Ukraine sẽ khiến hai bên lao vào một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Theo ông Putin, Nga đã cam kết không triển khai các tên lửa này, nhưng Mỹ đã tái khởi động sản xuất và đưa tới Đan Mạch cũng như Philippines, vì vậy Nga cũng phải có động thái.
"Chúng ta cần đáp trả và ra quyết định về những gì mình phải làm theo hướng này. Rõ ràng chúng ta cần bắt đầu sản xuất các hệ thống tấn công trên và sau đó, dựa trên tình huống thực tế, ra quyết định về việc đặt nó ở đâu, nếu cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho chúng ta", ông Putin nói trong cuộc họp với Hội đồng An ninh Liên bang Nga.
Nga phản đối Nhật Bản tập trận với NATO
Hôm 28-6, Nga lên tiếng phản đối kế hoạch của Nhật Bản về việc tham gia cuộc tập trận chung với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại đảo Hokkaido. Theo kế hoạch, Nhật Bản muốn tập trận với Đức và Tây Ban Nha cuối tháng này.
Matxcơva xem sự mở rộng của NATO là mối nguy hại cho an ninh quốc gia. Quan hệ giữa Nga và liên minh quân sự này đặc biệt xấu sau khi Tổng thống Nga Putin phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine vào tháng 2-2022.
Nga cáo buộc Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đang đặt Tokyo vào "một con đường dẫn tới leo thang nguy hiểm". Theo đó, người Nga cảm thấy không thể chấp nhận với các động thái quân sự ngoài khơi bờ biển vùng Viễn Đông nước này, đặc biệt khi đối tượng tập trận chung lại là các thành viên NATO vốn dĩ ở rất xa khu vực.
Iran bầu tổng thống mới thay ông Raisi
Hôm 28-6, Iran tiến hành bỏ phiếu chọn tổng thống mới thay ông Ebrahim Raisi, người đã thiệt mạng trong một vụ trực thăng gặp nạn gần đây.
Cuộc bỏ phiếu này dồn nhiều sự tập trung vào ứng viên Masoud Pezeshkian, một bác sĩ phẫu thuật tim ít được biết tới. Ông được xem là nhân vật duy nhất theo đường lối "cải cách", và phải cạnh tranh với những ứng viên theo đường lối cứng rắn và phù hợp với chính sách của Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei.
Ông Khamenei là nhân vật quyền lực nhất Iran, đã nắm quyền kể từ năm 1989. Dư luận quốc tế cho rằng cuộc bầu cử lần này không tạo ra ảnh hưởng nào tới chính sách của Iran, nhưng sẽ phác họa bức tranh Iran trong tương lai vì gợi mở đôi chút về nhân vật tiềm năng kế nhiệm ông Khamenei, 85 tuổi.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng ở Trung Đông, xung quanh cuộc chiến giữa Israel và tổ chức Hồi giáo Hamas của người Palestine ở Dải Gaza. Iran được cho là nước bảo trợ cho hàng loạt tổ chức Hồi giáo đang ủng hộ Hamas và tấn công Israel.
Ông Biden đặt mục tiêu đắc cử
Hôm 28-6, Tổng thống Mỹ Biden khẳng định ông đặt mục tiêu sẽ tái đắc cử tại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, diễn ra vào tháng 11 tới.
Hiện ông Biden là niềm hy vọng của Đảng Dân chủ và dự kiến sẽ gặp lại cựu tổng thống Donald Trump (Đảng Cộng hòa) tại "trận chung kết".
Năm 2020, ông Biden đã đánh bại ông Trump trong một cuộc bầu cử tốn giấy mực báo giới. Tuy nhiên trong năm nay, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông đang có khả năng chiến thắng thấp hơn ông Trump.
Phát biểu của ông Biden về "mục tiêu đắc cử" nêu trên gây chú ý vì được đưa ra không lâu sau cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên giữa ông và ông Trump.
Điều đáng nói là ông Biden đã nhận nhiều đánh giá tiêu cực với lần xuất hiện trên, khi nói lắp bắp, thều thào, và nhiều lúc không mạch lạc. Cả những tờ báo vốn không thích ông Trump cũng phải thừa nhận ông Biden có 90 phút "thảm họa" ở Atlanta.
Nga và Ukraine tiếp tục giao tranh
Hôm 28-6, Reuters dẫn lời các quan chức Ukraine khẳng định một vụ tấn công bằng tên lửa của Nga đã trúng tòa nhà dân cư 9 tầng ở thành phố Dnipro, làm chết ít nhất 1 người và khiến 6 người khác bị thương.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Ihor Klymenko, số người chết có thể tăng lên khi nhiều nạn nhân còn kẹt trong đống đổ nát của tòa nhà.
Đây là một trong những diễn biến mới nhất cuộc xung đột Nga - Ukraine, vốn đã kéo sang năm thứ ba. Thời gian qua, hai bên đã liên tục tố đối phương tấn công chết người tại các khu vực dân cư.
Hiện nay Ukraine bị nhận xét đang rơi vào thế khó. Từ sau cuộc phản công bị đánh giá thất bại năm ngoái, Kiev đã chứng kiến Matxcơva tạo bước tiến tại khắp vùng đông và nam Ukraine. Bên cạnh đó Ukraine cũng khẳng định Nga đã mở "mặt trận mới" ở vùng đông bắc gần thành phố Kharkov.
Lễ hội giữa chiến sự
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận