22/05/2024 06:38 GMT+7

Tin tức thế giới 22-5: Nga bắt đầu diễn tập hạt nhân; Singapore cử người điều tra sự cố máy bay

Xếp hạng tín nhiệm của ông Biden thấp nhất trong 2 năm qua; Nga bắt đầu diễn tập hạt nhân tại Quân khu Miền Nam; Singapore điều tra vụ máy bay gặp nhiễu động không khí... là những tin tức thế giới đáng chú ý ngày 22-5.

Các quân nhân Nga tham gia giai đoạn đầu của cuộc diễn tập quân sự hạt nhân tại Quân khu Miền Nam hôm 21-5 - Ảnh: REUTERS/BỘ QUỐC PHÒNG NGA

Các quân nhân Nga tham gia giai đoạn đầu của cuộc diễn tập quân sự hạt nhân tại Quân khu Miền Nam hôm 21-5 - Ảnh: REUTERS/BỘ QUỐC PHÒNG NGA

Nga kích hoạt diễn tập hạt nhân

Theo Hãng thông tấn Tass (Nga) ngày 21-5, Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã bắt đầu giai đoạn đầu tiên của cuộc diễn tập quân sự, trong đó bao gồm nội dung thực hành chuẩn bị và sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, theo lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nga diễn tập sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật - Nguồn video: TASS

"Diễn tập quân sự bao gồm thực hành chuẩn bị và sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật theo lệnh của tổng tư lệnh (tức ông Putin - PV) đã được bắt đầu tại Quân khu Miền Nam, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu", thông báo cho biết.

Theo đó, lực lượng tên lửa thực hành chuẩn bị sử dụng hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander, lực lượng không quân sẽ trang bị vũ khí hàng không bao gồm tên lửa siêu vượt âm Kinzhal và sẽ tiến tới khu vực tuần tra của họ.

Nga nhấn mạnh cuộc diễn tập nhằm đáp lại những tuyên bố khiêu khích của quan chức phương Tây và nhằm mục đích duy trì sự sẵn sàng ứng phó, đảm bảo chủ quyền quốc gia.

Theo Hãng tin Reuters, Belarus - nơi triển khai một số vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga vào năm ngoái - cũng tham gia vào hoạt động này.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật (hoặc phi chiến lược) có sức công phá nhỏ hơn vũ khí hạt nhân chiến lược - vốn được thiết kế để quét sạch toàn bộ thành phố hàng triệu dân.

Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ ước tính Nga có khoảng 1.558 đầu đạn hạt nhân phi chiến lược.

Nga lên án EU dùng lợi nhuận tài sản Nga giúp Ukraine

Ngày 21-5, Liên minh châu Âu (EU) đã phê duyệt việc dùng lợi nhuận từ tài sản Ngân hàng Trung ương Nga để vũ trang cho Ukraine.

Theo đó, 90% số tiền thu được sẽ được chuyển vào quỹ do EU điều hành để viện trợ quân sự cho Ukraine, 10% còn lại sẽ hỗ trợ Kiev theo những cách khác.

Theo Hãng thông tấn Tass, Quyền đại diện thường trực Nga tại EU Kirill Logvinov nhấn mạnh đề xuất của EU sẽ gây ra những hậu quả khó lường với khu vực đồng euro (Eurozone), nền kinh tế của các thành viên khối và môi trường đầu tư.

"Điều duy nhất có thể dự đoán được là những người ở EU sớm muộn cũng có nghĩa vụ phải trả lại cho Nga những gì đã bị đánh cắp", ông tuyên bố.

Moldova ký kết hợp tác an ninh và quốc phòng với EU

Ngày 21-5, người đứng đầu chính sách đối ngoại EU Josep Borell cho biết Moldova đã ký kết quan hệ đối tác an ninh và quốc phòng với EU.

"Mối quan hệ đối tác này sẽ nâng cao tính kiên cường của Moldova, cho phép hai bên cùng nhau giải quyết các thách thức an ninh chung, nâng cao hiệu quả hợp tác và khám phá các lĩnh vực hợp tác mới", ông Borell viết trên X.

Thủ tướng Moldova Dorin Recean nhấn mạnh việc gia nhập EU sẽ là "cơ chế tốt nhất để đảm bảo hòa bình và ổn định cho người dân Moldova".

Ông cho biết: "Cho đến lúc đó, việc ký kết Quan hệ đối tác an ninh và quốc phòng EU - Moldova là một bước tiến, tăng cường hòa bình, an ninh và thịnh vượng của chúng ta".

Kế hoạch hợp tác 28 điểm đề cập đến "môi trường an ninh ngày càng thách thức" sau "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine. Nó cũng kêu gọi tham vấn trong nhiều lĩnh vực, bao gồm các mối đe dọa trên không gian mạng, thông tin sai lệch, chống khủng bố và "tăng cường an ninh quốc gia, sự ổn định và khả năng phục hồi của Moldova trong lĩnh vực quốc phòng".

Hợp tác cũng bao gồm quản lý biên giới, buôn người, tội phạm có tổ chức và hợp tác trên các diễn đàn quốc tế.

Trước đó, vào tháng 3, Tổng thống Moldova Maia Sandu đã ký kết một hiệp định hợp tác quốc phòng với Pháp.

Singapore gửi điều tra viên đến Bangkok sau sự cố máy bay gặp nhiễu động không khí

Ngày 21-5, Singapore cho biết sẽ gửi các nhà điều tra đến Bangkok, Thái Lan sau sự cố chuyến bay mang số hiệu SQ321 của hãng hàng không Singapore Airlines gặp nhiễu động không khí khiến hành khách thương vong cùng ngày.

Khung cảnh bên trong máy bay Singapore Airlines gặp sự cố nhiễu động không khí - Ảnh: CNA

Khung cảnh bên trong máy bay Singapore Airlines gặp sự cố nhiễu động không khí - Ảnh: CNA

Chuyến bay SQ321 đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok sau vụ việc. Phát biểu tại họp báo, tổng giám đốc sân bay, ông Kittipong Kittikachorn cho biết một người thiệt mạng là công dân Anh, 73 tuổi, có thể do đau tim. Trong số 30 người bị thương, có 7 người bị thương nặng ở đầu.

Clip bên trong máy bay Singapore hạ cánh khẩn cấp ở Thái Lan, nhiều người thương vong - Nguồn video: Khaosod TV

Chiếc máy bay Boeing 777-300R nói trên khởi hành từ London (Anh) đến Singapore. Vụ việc xảy ra khi máy bay còn cách điểm đến khoảng 3 giờ bay.

Hãng sản xuất máy bay Boeing của Mỹ cho biết đang liên hệ với các hãng hàng không của Singapore về chuyến bay SQ321 và sẵn sàng hỗ trợ.

Sáng 22-5, Hãng tin Reuters cập nhật thông tin cho biết 131 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay SQ321 đã về đến Singapore thông qua một chuyến bay cứu trợ. Hầu hết các hành khách đều tránh trả lời truyền thông khi đặt chân đến Singapore.

Xếp hạng tín nhiệm của ông Biden thấp nhất trong gần 2 năm

Một thăm dò kéo dài 4 ngày của Reuters/Ipso (kết thúc hôm 20-5, với sai số khoảng 3%) cho thấy tỉ lệ tín nhiệm của công chúng với Tổng thống Mỹ Joe Biden đã xuống mức thấp nhất trong gần hai năm và cũng là mức thấp nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Kết quả thăm dò cho thấy chỉ 36% người Mỹ tán thành công việc của ông Biden trên cương vị tổng thống, giảm so với mức 38% vào tháng 4. Tỉ lệ 36% cũng từng được ghi nhận vào giữa năm 2022.

23% người được hỏi chọn kinh tế là vấn đề quan trọng nhất mà đất nước phải đối mặt, trong khi 21% chọn chủ nghĩa cực đoan chính trị và 13% chọn vấn đề nhập cư.

Tình trạng của nền kinh tế Mỹ được coi là một trong những yếu tố lớn hơn đè nặng lên hy vọng tái đắc cử của ông Biden. 40% số người được hỏi cho rằng cựu tổng thống Mỹ Donald Trump có những chính sách tốt hơn cho nền kinh tế Mỹ, trong khi 30% chọn ông Biden trong vấn đề này.

Đi sắm đồ giải nhiệt

Giữa cái nắng hè gay gắt tại TP. Ahmedabad, bang Gujarat, Ấn Độ, hai người đàn ông chở nhau bằng xe máy để vận chuyển một chiếc máy làm mát không khí về nhà - Ảnh: REUTERS

Giữa cái nắng hè gay gắt tại TP Ahmedabad, bang Gujarat, Ấn Độ, hai người đàn ông chở nhau bằng xe máy để vận chuyển một chiếc máy làm mát không khí về nhà - Ảnh: REUTERS

Tin tức thế giới 21-5: Mỹ không thể hỗ trợ tìm trực thăng chở Tổng thống Iran; Động đất ở NhậtTin tức thế giới 21-5: Mỹ không thể hỗ trợ tìm trực thăng chở Tổng thống Iran; Động đất ở Nhật

Mỹ xác nhận đã nhận lời kêu gọi hỗ trợ tìm trực thăng chở tổng thống Iran nhưng "không thể làm gì"; Ông Putin bổ nhiệm nhà kinh tế là thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Mỹ không định gửi quân sang Ukraine... là một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng 21-5.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên