Ông Zelensky khẳng định Nga chỉ biết "dọa suông"
Theo Hãng tin Reuters, ngày 19-8 (giờ địa phương), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định cuộc tiến công vùng Kursk của quân đội Kiev đã chứng minh những lời đe dọa trả đũa của Điện Kremlin chỉ là "dọa suông".
Phát biểu tại cuộc họp với nhiều nhà ngoại giao Ukraine, ông Zelensky tuyên bố các lực lượng nước này đang kiểm soát hơn 1.250km2 diện tích lãnh thổ Nga, bao gồm 92 khu định cư tại vùng Kursk.
Những tuyên bố của tổng thống Ukraine được cho là hướng về các nước đồng minh có quan điểm không cho Kiev sử dụng vũ khí tầm xa vì sợ "vượt lằn ranh đỏ" do Tổng thống Nga Vladimir Putin vạch ra, qua đó làm leo thang căng thẳng trên chính trường thế giới.
Bất chấp việc từng hùng hồn đe dọa bất kỳ thế lực nào tấn công đất Nga, Matxcơva vẫn chưa thể đẩy lùi binh lính Ukraine khỏi lãnh thổ mình sau gần hai tuần các lực lượng Kiev tràn qua lãnh thổ giữa hai nước.
Ông Zelensky tuyên bố: "Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi quan điểm sâu sắc. Cái nhìn ngây thơ, huyễn hoặc về thứ tạm gọi là 'lằn ranh đỏ' của Nga, vốn xuất hiện tràn ngập trong những đánh giá chiến tranh của nhiều đối tác, đang sụp đổ trong những ngày qua".
Do đó, tổng thống Ukraine kêu gọi các nước đồng minh đưa ra "những lựa chọn táo bạo hơn" về cách có thể hỗ trợ Kiev trong cuộc chiến này, cụ thể là cho Ukraine sử dụng các vũ khí có trong tay để tấn công "mục tiêu quân sự" trên đất Nga.
Ukraine "thắng sân khách, thua sân nhà"?
Những thành công của Ukraine trên lãnh thổ Nga không thể che đậy các kết quả bết bát của lực lượng này tại quê nhà.
Ngày 19-8, chỉ huy lực lượng quân sự địa phương tại thành phố Pokrovsk - trung tâm vận tải chiến lược của Ukraine ở vùng Donetsk - Serhiy Dobriak cho biết quân Nga đã tiến sát ngoại ô đô thị này xấp xỉ 10km.
Ông Dobriak cho biết mỗi ngày có xấp xỉ 600 người rời khỏi Pokrovsk và các dịch vụ công có thể sẽ bị gián đoạn trong một tuần tới, dựa theo đà tiến công của quân Nga.
Thống đốc vùng Donetsk Vadym Filashkin thừa nhận tình hình đang "rất khó khăn" và ông đã phải siết chặt lệnh giới nghiêm tại các ngôi làng xung quanh Pokrovsk.
Israel đồng ý thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ đề xuất
Ngày 19-8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã chấp thuận "đề xuất trung gian" nhằm thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza do Washington đưa ra.
Trao đổi với báo chí, ông Blinken khẳng định: "Trong cuộc hội đàm rất mang tính xây dựng với Thủ tướng Netanyahu, ông ấy đã xác nhận với tôi rằng Israel chấp thuận đề xuất trung gian và cá nhân ông ấy cũng ủng hộ đề xuất đó. Giờ đây, Hamas cần làm điều tương tự.
Khi đó, với sự giúp đỡ của những nước trung gian như Mỹ, Ai Cập và Qatar, các bên sẽ phải gặp mặt và hoàn thành quá trình đạt sự thông hiểu rõ ràng về cách triển khai những cam kết được đưa ra trong thỏa thuận này".
Trái ngược sự lạc quan của ông Blinken, viễn cảnh hòa giải ở Trung Đông đang trở nên ngày một xa vời. Phong trào Hồi giáo Hamas vừa tuyên bố sẽ sử dụng trở lại chiến thuật đánh bom liều chết trong lòng Israel sau nhiều năm gián đoạn và nhận trách nhiệm cho một vụ nổ tại Tel Aviv hôm 18-8.
Ở chiều ngược lại, Israel vẫn duy trì việc tấn công nhiều khu vực trên Dải Gaza. Cơ quan y tế tại đây khẳng định các cuộc tấn công ngày 19-8 của Israel đã khiến 30 người Palestine thiệt mạng trên toàn Gaza.
Hamas chỉ trích phát ngôn của ông Blinken
Nhanh chóng phản hồi tuyên bố của ông Blinken, quan chức cấp cao của Hamas, ông Osama Hamdam, chỉ trích phát ngôn của ngoại trưởng Mỹ và ông Netanyahu vì những diễn ngôn ấy "dấy lên nhiều sự mơ hồ" khi bản thảo được Tel Aviv chấp thuận "không phải bản thảo được chuyển đến cho chúng tôi hay những gì chúng tôi đã đồng ý".
Ông Hamdam cũng khẳng định Hamas đã xác nhận với các bên trung gian rằng "Hamas không cần hoạt động thương thảo ngừng bắn ở Gaza mới. Thay vào đó, Hamas cần thống nhất một cơ chế triển khai (những thỏa thuận)".
Ông Trump đổi chiến lược, ngừng công kích bà Harris
Ngày 19-8, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại sự kiện tranh cử ở thành phố York, bang Pennsylvania. Đây là điểm đến đầu tiên trong chuyến vận động tranh cử dài ngày của ông Trump đến một số bang chiến địa trong tuần này.
Tại đây, ông Trump dường như đã lắng nghe lời khuyên của các đồng minh khi đã gần như không công kích cá nhân đối thủ Kamala Harris.
Trong nhiều tuần qua, ông Trump liên tục tập trung vào việc bới móc và chê trách những đặc điểm cá nhân của bà Harris như nguồn gốc, giới tính, hình thể... Tuy nhiên, chiến thuật này không tỏ ra hiệu quả khi sự ủng hộ của bà Harris vẫn tăng mạnh mẽ.
Thay vì xỉa xói đối thủ, giờ đây ông Trump lại tập trung vào giải thích tầm nhìn chính sách của mình. Phát biểu trong khuôn viên một nhà máy, ứng viên Đảng Cộng hòa tuyên bố sẽ đảm bảo chuỗi cung ứng các mặt hàng thiết yếu ở Mỹ sẽ phụ thuộc 100% vào các doanh nghiệp Mỹ nếu ông chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11.
Để làm điều đó, ông sẽ giới hạn mạnh mẽ khả năng tiếp cận thị trường nội địa Mỹ của các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, ông Trump không nêu rõ các chủ trương, chính sách cụ thể để đạt mục tiêu ấy mà chỉ liệt kê một số biện pháp chung chung như nâng thuế quan với một số quốc gia.
Ngoài ra, cựu tổng thống Mỹ cũng cam kết sẽ loại bỏ các quy định được Cơ quan Bảo vệ môi trường ban hành hồi tháng 4. Các quy định này giới hạn lượng ô nhiễm không khí và ô nhiễm nước mà các nhà máy điện được phát thải, đồng thời hướng đến việc giảm 1 tỉ mét khối phát thải khí nhà kính trước năm 2047.
"[Quy định giới hạn ô nhiễm] là thảm họa đối với đất nước chúng ta. Thay vì đóng cửa các nhà máy điện, chúng ta sẽ xây thêm hàng chục cái nữa và điều đó sẽ diễn ra nhanh", ông khẳng định.
Ngoài ra, ông Trump cũng tuyên bố sẽ ngăn chặn thương vụ mua Tổng công ty thép Mỹ (US Steel) của Công ty thép Nhật Bản Nippon Steel.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận