05/05/2023 06:38 GMT+7

Tin tức sáng 5-5: Thu nhập tăng nhưng mới đạt 4,67 triệu đồng/người; Gia đình giảm chi vì COVID-19

Tin tức đáng chú ý: Năm 2022 thu nhập bình quân tăng nhưng mới đạt 4,67 triệu đồng/người, vùng Đông Nam Bộ cao nhất với 6,33 triệu đồng/người; Dịch COVID-19, các gia đình phải giảm chi tiêu...

Tin tức sáng 5-5: Thu nhập tăng nhưng mới đạt 4,67 triệu đồng/người; Gia đình giảm chi vì COVID-19 - Ảnh 1.

Người lao động đến làm các thủ tục về bảo hiểm - Ảnh: HÀ QUÂN

Thu nhập bình quân năm 2022 đạt 4,67 triệu đồng/người/tháng

Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân 1 người/1 tháng năm 2022 theo giá hiện hành đạt 4,67 triệu đồng, tăng 11,1 điểm % so với năm 2021. 

Thu nhập tăng đều ở cả thành thị và nông thôn, bình quân ở khu vực thành thị đạt gần 5,95 triệu đồng/người/tháng (tăng 10,4 điểm % so với năm 2021), cao gấp 1,54 lần thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn là 3,86 triệu đồng (tăng 10,8 điểm % so với năm 2021).

Trong 6 vùng, Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập bình quân năm 2022 cao nhất (6,33 triệu đồng). Vùng có thu nhập bình quân thấp nhất là trung du và miền núi phía Bắc (3,17 triệu đồng).

Nhóm hộ giàu nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất) có thu nhập bình quân 1 người 1 tháng đạt 10,23 triệu đồng, cao gấp 7,6 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (nhóm gồm 20% dân số nghèo nhất).

Sau dịch COVID-19, các gia đình phải giảm chi tiêu

Theo Tổng cục Thống kênăm 2022 chi tiêu bình quân/người/tháng xấp xỉ 2,8 triệu đồng, giảm 3,3 điểm % so với năm 2020.

Ở thành thị, con số này là 3,3 triệu đồng (giảm 13,6 điểm % so với năm 2020), ở khu vực nông thôn là gần 2,5 triệu đồng/người/tháng (tăng 4,7 điểm % so với năm 2020).

Nguyên nhân do dịch COVID-19 các hộ gia đình có xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là ở khu vực thành thị.

Bên cạnh đó, chi cho đời sống chiếm 95,5% tổng chi tiêu bình quân đầu người của hộ gia đình.

Cụ thể, năm 2022 chi cho đời sống bình quân người/tháng là 2,7 triệu đồng, trong đó chi cho ăn uống bình quân người/tháng xấp xỉ 1,3 triệu đồng và không phải ăn uống là 1,4 triệu đồng.

Tiêu dùng gạo và lương thực quy gạo tiếp tục giảm trong năm 2022. Lượng gạo tiêu thụ bình quân người/tháng còn 6,9kg, giảm 0,7kg so với năm 2020.

Lượng tiêu thụ thịt các loại có xu hướng tăng qua các năm, từ 2,3kg/người/tháng năm 2020 lên 2,6kg/người/tháng năm 2022.

Tiêu thụ rau xanh tăng từ 1,7kg/người/tháng năm 2020 lên 1,9kg/người/tháng năm 2022.

Tiêu thụ rượu bia, đồ uống khác như nước có gas, nước ngọt… có dấu hiệu giảm trong năm 2022.

Cụ thể, năm 2020 tiêu thụ rượu bia 1,3 lít/người/tháng, đến năm 2022 còn 1,2 lít; đồ uống khác năm 2020 từ 2,3 lít/người/tháng đến năm 2022 giảm còn 2,1 lít/người/tháng.

Tin tức sáng 5-5: Thu nhập tăng nhưng mới đạt 4,67 triệu đồng/người; Gia đình giảm chi vì COVID-19 - Ảnh 2.

Hiện nay, tất cả các trung tâm đăng kiểm tại TP.HCM chỉ nhận đăng ký đăng kiểm qua app - Ảnh: LƯU DUYÊN

Tháng 5, TP.HCM có hơn 72.000 xe đến hạn đăng kiểm

Theo thống kê của Cục Đăng kiểm, đến tháng 5 TP.HCM có hơn 72.000 xe và tháng 6 có khoảng 69.000 xe đến hạn đăng kiểm (chưa tính số lượng xe chưa đăng kiểm được của các tháng trước).

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, hiện nay địa bàn TP có 15/19 trung tâm đăng kiểm hoạt động, năng lực đăng kiểm tại TP.HCM đạt 1.800 xe/ngày, chỉ đáp ứng khoảng 50% số lượng xe cần kiểm định. Nhiều trung tâm chỉ hoạt động 1-2 dây chuyền, không đủ đáp ứng nhu cầu kiểm định.

Hiện tất cả các trung tâm chỉ nhận xe đăng ký đặt lịch trước trên app, tuy nhiên các phiếu hẹn đăng kiểm tại TP.HCM đều tới cuối tháng 5, nhiều chủ xe đã phải đưa xe đến các tỉnh lân cận để đăng kiểm.

Để giải quyết nhu cầu đăng kiểm tại TP.HCM, sở đã kiến nghị Cục Đăng kiểm tăng cường thêm nhân lực và các trang thiết bị kiểm định để tăng số lượng dây chuyền hoạt động, nâng cấp hoàn thiện ứng dụng đăng ký đăng kiểm.

Đồng thời, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng kiến nghị UBND TP cho Trung tâm đăng kiểm 50-06V sử dụng tạm thời khu đất ở số 118 đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7), góp phần tăng khả năng đáp ứng nhu cầu kiểm định xe của người dân.

TP.HCM có nên dùng vỉa hè đường Nguyễn Du để giữ xe máy?

Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có văn bản gửi các đơn vị đưa ra ý kiến đối với đề nghị sử dụng vỉa hè đường Nguyễn Du là nơi giữ xe máy phục vụ Bệnh viện Nhi Đồng 2.

Trước đó, UBND quận 1 đề nghị hỗ trợ phương án sử dụng vỉa hè đường Nguyễn Du (quận 1) làm chỗ giữ xe hai bánh tạm thời cho người dân đến thăm khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 2.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết vỉa hè đường Nguyễn Du (đoạn trước Bệnh viện Nhi đồng 2 từ đường Chu Mạnh Trinh đến đường Hai Bà Trưng) có bề rộng trung bình 5,5m, riêng phần đường dành cho đi bộ rộng 3,5m và mảng xanh chiếm 2m.

Trong khi đó, nhu cầu đi bộ của người dân đến thăm khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2 là rất lớn, các loại xe dừng đỗ để lên xuống khách tại đây thường xuyên xảy ra, gây ách tắc giao thông vào khung giờ cao điểm.

Vì vậy, Sở Giao thông vận tải TP.HCM nhận định, đề xuất sử dụng vỉa hè đường Nguyễn Du làm bãi trông giữ xe hai bánh của Bệnh viện Nhi đồng 2 là không phù hợp với hiện trạng vỉa hè, tình hình giao thông thực tế.

Ngoài ra, sở thống nhất quan điểm với UBND quận 1 đề nghị Bệnh viện Nhi đồng 2 chủ động xây dựng phương án bố trí bãi đỗ xe phục vụ nhu cầu người khám chữa bệnh trong khuôn viên bệnh viện.

Đặc biệt cần đưa vào khai thác ngay các tầng hầm hiện hữu để đáp ứng nhu cầu của người dân. Bệnh viện Nhi đồng 2 cần khẩn trương rà soát những vị trí kiểm soát ô tô đi vào bệnh viện để hạn chế tình trạng ô tô dừng, đỗ kéo dài dọc các tuyến đường xung quanh bệnh viện.

Sở Y tế TP.HCM sớm chỉ đạo các bệnh viện ở TP.HCM hoàn trả lại phần vỉa hè đang dùng làm nơi giữ xe máy cho người đi bộ. Mỗi bệnh viện khi xây dựng, cải tạo cần tính toán diện tích đỗ xe và tăng cường nhân lực hướng dẫn, tránh việc dồn ứ xe quanh bệnh viện ảnh hưởng trật tự giao thông.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, từ nhiều năm nay, bãi giữ xe máy của Bệnh viện Nhi đồng 2 quá tải, người dân đến thăm khám ở đây không tìm được chỗ gửi xe. Chính vì vậy, ở gần bệnh viện xuất hiện những điểm giữ xe tự phát, nhỏ lẻ. Lượng ô tô đến bệnh viện rất đông dẫn tới tình trạng đậu kéo dài nhiều tuyến đường xung quanh, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng.

Tin tức sáng 5-5: Thu nhập tăng nhưng mới đạt 4,67 triệu đồng/người; Gia đình giảm chi vì COVID-19 - Ảnh 4.

Để đọc Tuổi Trẻ nhật báo phiên bản điện tử, bạn đọc có thể đăng ký Tuổi Trẻ Sao tại đây.

Tin tức sáng 5-5: Thu nhập tăng nhưng mới đạt 4,67 triệu đồng/người; Gia đình giảm chi vì COVID-19 - Ảnh 5.

Dự báo thời tiết các vùng trên cả nước ngày 5-5.

Tin tức sáng 5-5: Thu nhập tăng nhưng mới đạt 4,67 triệu đồng/người; Gia đình giảm chi vì COVID-19 - Ảnh 6.
Tin tức sáng 4-5: Chủ tịch nước lên đường tham dự lễ đăng quang của Nhà vua Anh Charles IIITin tức sáng 4-5: Chủ tịch nước lên đường tham dự lễ đăng quang của Nhà vua Anh Charles III

Một số tin tức đáng chú ý: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam rời Hà Nội lên đường tham dự lễ đăng quang của Nhà vua Anh Charles III; Khách quốc tế qua Nội Bài dịp lễ tăng 299%; Tôm Việt xuất sang Mỹ giảm 46%...


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên