TP.HCM thí điểm lắp WiFi miễn phí trên xe buýt
Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết thời gian tới, TP.HCM sẽ thí điểm lắp đặt WiFi miễn phí trên tất cả các tuyến xe buýt để phục vụ nhu cầu của người dân.
Để thực hiện kế hoạch này, Liên hiệp HTX Vận tải TP.HCM được giao trách nhiệm phối hợp với một số công ty truyền thông để cung cấp thiết bị thu phát WiFi trên xe buýt. Ngược lại, các doanh nghiệp này có thể khai thác một số dịch vụ quảng cáo bên trong xe buýt.
Trước đó, một số tuyến xe buýt của Liên hiệp HTX Vận tải TP.HCM đã thử nghiệm lắp WiFi và được người dân bày tỏ sự ủng hộ cao. Hiện nay, TP.HCM có hơn 3.000 chiếc xe buýt hoạt động trên 270 tuyến.
Trong đề án phát triển xe buýt giai đoạn 2011-2015 của Sở Giao thông vận tải TP.HCM (đã được thông qua), TP.HCM đầu tư mới 1.680 xe buýt với kinh phí khoảng 2.000 tỉ đồng.
Tháng đầu năm 2024, 11 dự án đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài được cấp phép
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong tháng 1-2024 có 11 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 16,2 triệu USD, gấp 9,3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 5,4 triệu USD, chiếm 33,2% tổng vốn đầu tư; hoạt động xây dựng đạt 5 triệu USD, chiếm 30,9%; hoạt động khai khoáng đạt 4 triệu USD, chiếm 24,7%.
Trong tháng 1-2024 có 6 quốc gia nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Mỹ là nước dẫn đầu với 5,9 triệu USD, chiếm 36,1% tổng vốn đầu tư; Đức 5,4 triệu USD, chiếm 33,2%; Lào 4,2 triệu USD, chiếm 26,2%.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến thời điểm hiện tại Việt Nam đã có hơn 1.700 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đạt hơn 22,1 tỉ USD.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành như: khai khoáng, chiếm 31,5% tổng vốn đầu tư; nông, lâm nghiệp, thủy sản, chiếm 15,5%.
Hơn 13.500 doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đầu năm 2024
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 1-2024 tăng mạnh cả về số doanh nghiệp lẫn số vốn đăng ký.
Theo đó, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đầu tiên của năm 2024 đạt 13.536 doanh nghiệp, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong tháng đầu năm 2024 tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2023, gấp hơn 1,3 lần mức bình quân doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường giai đoạn 2018-2023 (20.891 doanh nghiệp).
Đây là số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong tháng đầu tiên của năm cao nhất từ trước đến nay, gấp 1,3 lần so với bình quân doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 1 giai đoạn 2018-2023 (10.522 doanh nghiệp).
Có 13/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2023, trong đó những ngành có mức tăng mạnh như hoạt động dịch vụ khác (tăng 64,4%); nghệ thuật, vui chơi và giải trí (tăng 48,7%); vận tải kho bãi (tăng 44,3%); bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (tăng 34,6%).
Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 31,9%); giáo dục và đào tạo (tăng 27,0%); khai khoáng (tăng 25,5%); xây dựng (tăng 23,2%)…
Bệnh viện Mắt trung ương khám chữa bệnh trở lại sau thời gian khó khăn do thiếu vật tư
Bệnh viện Mắt trung ương cho biết sau thời gian thiếu hụt, hết một số vật tư y tế, nhiều thời điểm chỉ phẫu thuật cho dưới 20 bệnh nhân/ngày, bằng 1/15 so với trước, hiện bệnh viện đã khôi phục hoạt động, có thể đón tiếp 1.000 - 2.000 bệnh nhân đến khám/ngày. Nếu phục hồi đủ công suất, bệnh viện có thể khám, chữa bệnh cho 2.000 - 3.000 bệnh nhân/ngày.
Ông Cung Hồng Sơn, phó giám đốc bệnh viện, cho biết các ca mổ thông thường và mổ cấp cứu đều đã thực hiện trở lại sau thời gian dài gặp khó khăn do thiếu vật tư. Đến nay các vật tư y tế đều đã được cung cấp gần như đầy đủ cho nhu cầu khám và điều trị 6-8 tháng tới.
Theo thông tin của Tuổi Trẻ Online, do nhiều khó khăn nên năm 2023 vừa qua Bệnh viện Mắt trung ương đặc biệt thiếu về thiết bị và vật tư y tế, cả năm hầu như không nhận được giác mạc hiến tặng do thiếu dung dịch bảo quản, phải từ chối nhiều ca phẫu thuật...
Căng thẳng Biển Đỏ kéo giá cà phê xuất khẩu lên mức cao nhất 16 năm qua
Theo Bộ Công Thương, trong tuần cuối của tháng 1, trên bảng giá nguyên liệu công nghiệp, giá cà phê Robusta tăng 4,51%, mức cao nhất trong 16 năm qua. Nguyên do căng thẳng trên Biển Đỏ kéo dài và tồn kho quay về mức thấp kỷ lục, lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường gia tăng đẩy giá cà phê lên cao.
"Xung đột Biển Đỏ kéo dài, cước vận chuyển tăng, lịch trình tàu cập bến phải thay đổi theo hướng tăng thời gian giống như "cơ hội" để nông dân Việt Nam có thể bán giá cao, tình trạng thiếu hụt nguồn cung cục bộ trên thị trường là điều dễ hiểu", một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cho hay.
Với thị trường trong nước, hiện giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ điều chỉnh tăng dao động 400 - 500 đồng/kg. Cà phê trong nước hiện được thu mua quanh mức hơn 76.000 - hơn 77.000 đồng/kg.
Năm 2024, dự báo giá cà phê Robusta trên thị trường thế giới sẽ không giảm cho đến hết nửa đầu năm, giá cà phê Arabica cũng chưa thể giảm do tồn kho đạt chuẩn vẫn đang rất thấp.
Ngoài ra, yếu tố thời tiết không thuận lợi tại các vùng trồng cà phê của Brazil, nên năm nay Bộ Công Thương dự báo xuất khẩu cà phê sẽ tiếp tục lập kỷ lục mới, kim ngạch xuất khẩu có thể đạt mốc 4,6 - 5 tỉ USD.
Cà phê Việt Nam đã có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đang là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới, sau Brazil.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận