Xuất khẩu dệt may tháng 7-2023 đạt hơn 3,2 tỉ USD
Tin tức từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 7, xuất khẩu hàng dệt may đạt 3,27 tỉ USD, tăng 6,8% so với tháng trước. Đây cũng là tháng đạt mức trị giá cao nhất trong vòng 11 tháng gần đây.
Tuy nhiên, tính chung trong 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may mới đạt hơn 19 tỉ USD, giảm 14,5% (tương ứng giảm 3,24 tỉ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Ba thị trường chủ lực của nhóm hàng này là Mỹ, EU và Hàn Quốc. Trong đó, xuất sang Mỹ là 8,46 tỉ USD, giảm 24%; xuất sang EU là 2,33 tỉ USD, giảm 9,6%; xuất sang Hàn Quốc là 1,63 tỉ USD, giảm 3,2%.
Dù vậy, nhóm hàng dệt may có được sự khởi sắc ở thị trường Nhật Bản. 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Đông Á này đạt 2,16 tỉ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, ngành hàng dệt may kỳ vọng đạt kim ngạch xuất khẩu 40 - 41 tỉ USD bao gồm cả hàng may mặc; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày; vải mành, vải kỹ thuật.
Áp dụng ngay các biện pháp cưỡng chế với khoản tiền thuế nợ trên 90 ngày
Tin tức từ Tổng cục Thuế cho biết cục này vừa có văn bản yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý, thu hồi tiền thuế nợ, không để nợ thuế dây dưa, kéo dài, hạn chế nợ mới phát sinh.
Theo đó, tổng cục sẽ thông báo danh sách chi tiết người nộp thuế có số tiền thuế nợ lớn đến 90 ngày và trên 90 ngày tại thời điểm 31-7 trên địa bàn cục thuế quản lý.
Đối với người nộp thuế chỉ có tiền thuế nợ dưới 90 ngày, các cục thuế thực hiện ngay các biện pháp (gọi điện thoại, nhắn tin, gửi thư điện tử, mời lên làm việc, ban hành thông báo tiền thuế nợ) đôn đốc người nộp thuế nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước, không để nợ thuế dây dưa, kéo dài, hạn chế nợ mới phát sinh.
Đối với người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ trên 90 ngày hoặc khoản tiền thuế nợ thuộc trường hợp phải cưỡng chế, các cục thuế phải áp dụng ngay các biện pháp cưỡng chế để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách.
Trường hợp quyết định cưỡng chế hết hiệu lực mà người nộp thuế chưa nộp hoặc nộp chưa đủ số tiền thuế nợ bị cưỡng chế vào ngân sách phải kịp thời chuyển sang áp dụng các biện pháp cưỡng chế phù hợp, đúng quy định.
Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế thực hiện công khai thông tin của người nộp thuế có tiền thuế nợ quá hạn theo đúng quy định, đặc biệt tập trung vào người nộp thuế có số tiền thuế nợ lớn và kéo dài.
Khách du lịch Việt Nam sang Thái Lan tăng mạnh
Lượng khách du lịch MICE (du lịch kết hợp triển lãm, hội nghị, hội thảo) Việt Nam sang Thái Lan khá lớn và đang tăng mạnh, chiếm khoảng 10% tổng số khách MICE châu Á đến quốc gia này.
Ông Puripan Bunnag - phó chủ tịch Cục Hội nghị và triển lãm Thái Lan (TCEB) - cho biết trong 7 tháng đầu năm, Thái Lan đón khoảng 35.000 du khách Việt theo hình thức du lịch MICE.
Từ giờ đến cuối năm, Thái Lan đặt mục tiêu thu hút thêm 15.000 lượt khách MICE từ Việt Nam, nâng tổng số khách MICE Việt Nam lên 50.000 người.
Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu quan tâm đến các lĩnh vực xuất nhập khẩu, logistics, công nghiệp nặng, công nghiệp sản xuất… khi tham gia các triển lãm, hội thảo tại Thái Lan.
Ông Puripan Bunnag cho hay TCEB có thể hỗ trợ các doanh nghiệp Việt tham gia triển lãm tại Thái như chi phí đi lại, ăn ở, hoạt động kết nối… tùy sự kiện.
Cảnh báo ngộ độc hóa chất ở trẻ
Tin tức cho biết gần đây Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi nhập viện do ngộ độc hóa chất.
Gần đây nhất ngày 23-4, trẻ 5 tuổi tím tái người, nôn, ho sau khi uống một ngụm nước không màu trong chai không nhãn mác. Gia đình đưa trẻ đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cấp cứu.
Sau khi xử trí cấp cứu ban đầu, kiểm tra các cận lâm sàng cần thiết, bác sĩ cho hay kết quả nội soi họng cho thấy ít máu đọng thành sau họng, theo dõi viêm phổi hít do ngộ độc uống nhầm hóa chất.
Bác sĩ Trần Thị Cườm, phó trưởng khoa nhi bệnh viện, cho hay bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhi ngộ độc do uống nhầm hóa chất như chất tẩy rửa công nghiệp, xăng dầu, thậm chí có trường hợp uống nhầm thuốc trừ sâu.
"Nguyên nhân chủ yếu do sự bất cẩn của cha mẹ để các dung dịch này vào các chai nước suối, chai nước ngọt và thường để ở những nơi dễ thấy. Đây chính là mối nguy hiểm tiềm tàng về ngộ độc hóa chất cho trẻ".
Tương tự, tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - giám đốc trung tâm - cũng cho hay thường xuyên tiếp nhận trẻ cấp cứu do hóa chất.
Các bác sĩ khuyến cáo hiện nay trên thị trường có nhiều loại hóa chất không ghi rõ nhãn mác, thậm chí người lớn cũng có thể nhầm lẫn. Vì vậy, để phòng tránh ngộ độc cần xem rõ bao bì hóa chất (có ghi rõ thành phần, công dụng, nơi sản xuất…); sử dụng hóa chất phải đeo bảo hộ; không để hóa chất vào chai, lọ không có bao bì; cất hóa chất ở nơi kín đáo, tránh xa tầm tay của trẻ em…
Khi nào được sử dụng khí N2O?
Ngày 24-8, Bộ Y tế có văn bản đề nghị tăng cường kiểm soát mua bán, sử dụng "bóng cười" có chứa khí dinitơ monoxide (N2O).
Theo Bộ Y tế, khí N2O là hóa chất được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất pin mặt trời, sử dụng trong kỹ thuật hàn, cắt, dùng cho máy, thiết bị phân tích, tăng công suất động cơ...; trong y học để gây mê, an thần, giảm đau trong lĩnh vực nha khoa, sản khoa, thể thao… và trong thực phẩm là một phụ gia được phép sử dụng.
Tại Việt Nam, riêng đối với lĩnh vực thực phẩm, Bộ Y tế đã có quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm, trong đó N2O là một phụ gia thực phẩm có chức năng làm chất khí đẩy, chất tạo bọt, chất khí bao gói, chất chống oxy hóa được phép sử dụng trong một số loại thực phẩm như sữa lên men, cream, quả tươi gọt vỏ hoặc cắt miếng, mì ống, mì sợi...
Tuy nhiên, hiện nay N2O có tình trạng sử dụng sai mục đích. Cụ thể, theo báo cáo của một số địa phương đã xảy ra tình trạng mua bán, sử dụng "bóng cười" tại các quán bar, vũ trường, quán karaoke, khu vui chơi giải trí… ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng.
Việc sử dụng "bóng cười" chứa khí N2O đặc biệt nguy hiểm khi dùng chung với một số ma túy khác gây rối loạn trí nhớ; tâm thần, có thể gây ảnh hưởng đến tim mạch, huyết áp,…
Bộ Y tế đề nghị các địa phương giám sát, quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng N2O, không được lạm dụng, sử dụng sai mục đích; phải tuân thủ khai báo nhập khẩu, kinh doanh khí N2O làm phụ gia thực phẩm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận