Kênh bán lẻ đua nhau đưa bánh trung thu lên kệ, giá bán tăng
Nhiều siêu thị đã bắt đầu đưa lượng lớn bánh lên quầy kệ. Đại diện siêu thị MM Mega Market cho biết từ 20-8, 21 cửa hàng của MM trên toàn quốc sẽ bắt đầu trưng bán lượng lớn bánh trung thu Kinh Đô, Đại Phát, Hữu Nghị, Orion, Bibica...
Tương tự, đại diện siêu thị LOTTE Mart cho biết hiện lượng lớn bánh trung thu đã có mặt tại toàn bộ 15 siêu thị trên toàn quốc, được bán với giá 215.000 đồng/hộp 4 bánh (150g/bánh).
Theo nhiều đơn vị bán lẻ, so với năm ngoái, lượng bánh đưa ra thị trường không giảm, nhưng giá bán lẻ của hầu hết thương hiệu năm nay tăng 2-6%. Về chủng loại, ngoài vị bánh truyền thống như bánh thập cẩm, bánh đậu đỏ, bí xanh, dừa, hạnh nhân, năm nay sản xuất thêm nhiều dòng bánh mới như bánh trung thu than tre và hạt sen.
Tuy vậy, nhận định sức mua chậm nên để dễ bán, năm nay nhiều đơn vị sản xuất và đại lý đều ưu tiên chọn đưa ra thị trường các loại bánh truyền thống với phân khúc giá đa dạng, đặc biệt dòng bánh nhỏ 60-150gr/bánh, giá bình dân 50.000-150.000 đồng/bánh.
Theo ghi nhận, ở các điểm bán, hiện nhu cầu về bánh trung thu còn chậm. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp sản xuất cho biết kênh đại lý đang tăng cường lấy hàng, sức mua đã tăng so với hơn 10 ngày trước đó.
Xuất khẩu hơn nửa tỉ USD củ sắn trong 7 tháng
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 7 xuất khẩu sắn (mì) và sản phẩm từ sắn đạt 145.234 tấn, kim ngạch gần 72 triệu USD, tăng 2,8% về lượng và tăng 9,8% về kim ngạch so với tháng trước.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam. 7 tháng đầu năm 2023, riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 1,47 triệu tấn, tổng kim ngạch đạt hơn 589 triệu USD, giảm 15,9% về lượng và giảm 23,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Các thị trường xuất khẩu lớn khác như Đài Loan, Philippines, Malaysia, Hàn Quốc, Pakistan…
Đến năm 2030, cả nước đạt ít nhất 725 cơ sở trợ giúp xã hội
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, cơ cấu mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội của cả nước đến năm 2030 đạt tối thiểu 725 cơ sở (công lập và ngoài công lập).
Gồm tối thiểu 90 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người cao tuổi; 94 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí; 130 cơ sở cai nghiện ma túy.
130 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 117 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người khuyết tật; 164 cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp và trung tâm công tác xã hội.
Về phân bố mạng lưới cơ sở theo vùng đến năm 2030, vùng trung du và miền núi phía Bắc có ít nhất 129 cơ sở. Đồng bằng sông Hồng có từ 151 cơ sở. Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có 169 cơ sở.
Đông Nam Bộ có tối thiểu 131 cơ sở và vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 102 cơ sở.
Các hãng taxi mua hàng ngàn xe mới
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 17-8, lãnh đạo Hãng taxi Mai Linh xác nhận doanh nghiệp này vừa ký thỏa thuận mua 10.000 ô tô thương hiệu Nhật Bản trong vòng 5 năm. Số lượng xe trên cả nước của Mai Linh 15.000 chiếc. Tuy nhiên lượng taxi đang sụt giảm mạnh kể từ sau dịch bệnh, chưa kể thiếu hụt tài xế. Khi bổ sung thêm lượng xe, Mai Linh sẽ phân bổ theo từng khu vực trong thời gian tới.
Ông Tạ Long Hỷ - tổng giám đốc taxi Vinasun - cũng cho biết năm 2023 hãng đầu tư thêm 1.000 xe mới 4 chỗ và 7 chỗ, nâng tổng quy mô xe lên 3.500 chiếc.
Các hãng taxi ồ ạt mua thêm xe mới tăng cạnh tranh khi có nhiều đối thủ tham gia như taxi điện. Thừa nhận xe điện sẽ là xu hướng nhưng taxi truyền thống vẫn chưa sẵn sàng thay đổi ngay. Đại diện Vinasun cho biết taxi điện Vinasun đã có lộ trình chuyển đổi, song vẫn cần thời gian theo dõi, đánh giá hiệu quả.
"Chúng tôi có tính toán để chuyển đổi xe điện. Tuy nhiên, đầu tư cần cân nhắc 4 tiêu chí như: chi phí đầu tư, chi phí vận hành, chi phí bảo dưỡng, phụ tùng; giá xe khi thanh lý và tính thanh khoản. Đặc biệt là chi phí thời gian, chi phí cơ hội với một chiếc xe khi thời gian chờ sạc điện hiện chưa nhanh, rồi vị trí của các trạm sạc" - lãnh đạo Vinasun nói.
Sẽ tăng đầu tư cho bậc học mầm non để phổ cập bậc học này
Dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo tại 15 tỉnh thành gồm Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hải Phòng, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Đà Nẵng, Kon Tum, Sóc Trăng, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM, Long An, Bạc Liêu cho biết sẽ có nhiều ưu đãi và đầu tư cho bậc học này.
Cụ thể, trẻ em trong độ tuổi phổ cập giáo dục mầm non từ 3 - 4 tuổi, 4 - 5 tuổi. Các chính sách ưu đãi bao gồm bố trí đủ quỹ đất để xây dựng trường, lớp mầm non, các công trình, tiện ích phụ trợ đáp ứng nhu cầu phổ cập giáo dục mẫu giáo cho trẻ em.
Các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục thực hiện phổ cập giáo dục mầm non được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và không phải thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Dự án đầu tư trong lĩnh vực giáo dục mầm non bao gồm đầu tư xây dựng trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phần mềm phục vụ dạy học, giáo dục trẻ được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 5% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 10 năm tiếp theo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận