Trên 196.000 tỉ đồng từ khách du lịch
Thông tin từ Tổng cục Du lịch cho biết trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam đón gần 3,7 triệu lượt khách quốc tế, vượt con số cả năm 2022, đạt gần 50% mục tiêu kế hoạch năm 2023.
Đồng thời, phục vụ 38,2 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 196.600 tỉ đồng.
Về quy mô thị trường gửi khách, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong 4 tháng đầu năm 2023, cán mốc 1 triệu lượt (chiếm 29%), tiếp theo là Mỹ (263.000 lượt); Trung Quốc ở vị trí thứ 3 (252.000 lượt).
Trong tốp 10 thị trường hàng đầu, Đông Bắc Á có 4 thị trường là Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản (160.000 lượt); Đông Nam Á có 3 thị trường là Thái Lan, Malaysia và Campuchia.
TP.HCM tiếp tục họp gỡ vướng các dự án bất động sản
Hôm nay 10-5, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường sẽ chủ trì cuộc họp gỡ vướng cho các dự án bất động sản tại TP.HCM. Cuộc họp có sự tham gia của lãnh đạo các sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Giao thông vận tải, Thanh tra TP và Cục Thuế TP.
Cuộc họp nhằm kiểm tra tiến độ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của 156 dự án thuộc 121 nhà đầu tư tại TP.HCM do Hiệp hội Bất động sản TP.HCM kiến nghị. Tại cuộc họp, các sở, ngành sẽ báo cáo cụ thể tiến độ của từng dự án.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết sau các cuộc họp, một số dự án đã có kết quả bước đầu. Trong đó UBND TP đã cho phép 5 tập đoàn, doanh nghiệp chủ đầu tư của 5 dự án được huy động vốn 50% số lượng sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai của 5 dự án này, tương đương với 5.432 căn hộ.
Trong khi đó, Bộ Xây dựng cho biết tính đến nay, tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã nhận được 58 văn bản báo cáo liên quan đến 115 dự án bất động sản, bao gồm cả các dự án ở TP.HCM. Trong đó, Novaland có 6 dự án, Hưng Thịnh có 44 dự án, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) có 16 dự án.
Riêng tại TP.HCM, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đã đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2023 sẽ giải quyết, gỡ vướng cho 50 dự án bất động sản vướng mắc pháp lý.
Đầu tư tuyến đường kết nối Bình Phước và Đồng Nai
Theo công văn 3266/VPCP-CN ngày 9-5-2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải về đầu tư tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước và Đồng Nai.
Bộ Giao thông vận tải cho biết tuyến đường có điểm đầu tại thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, đoạn cuối tuyến được nghiên cứu theo 2 phương án.
Cụ thể, phương án 1 do UBND tỉnh Bình Phước đề xuất có hướng tuyến đi qua cầu Mã Đà, sang địa phận tỉnh Đồng Nai, tiếp tục đi theo các tuyến đường địa phương và kết nối với đường vành đai 4 TP.HCM tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Tổng chiều dài khoảng 76km, trong đó khoảng 31km đi qua vùng lõi khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai.
Phương án 2 do Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu có hướng tuyến kết nối với đường Đồng Phú - Bình Dương (tỉnh Bình Phước đang đầu tư xây dựng) và đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương đang đầu tư xây dựng), tuyến tiếp tục đi theo 15,5km xây dựng mới để kết nối với đường vành đai 4 TP.HCM tại huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Tổng chiều dài khoảng 71km.
Đã ghi nhận trên 900 biến thể phụ của Omicron
Bộ Y tế cho biết trong ngày 9-5, cả nước ghi nhận 2.122 ca mắc COVID-19 mới, tăng so với ngày hôm trước. Bệnh nhân thở oxy cũng tăng lên 118 ca.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.580.060 ca mắc, trong đó 10.628.678 ca khỏi, 43.197 bệnh nhân tử vong (chiếm 0,4% so với tổng số ca mắc).
GS.TS Phan Trọng Lân - cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho biết đến nay thế giới đã ghi nhận tới trên 900 biến thể phụ của Omicron, cho thấy tình trạng khẩn cấp y tế công cộng toàn cầu chấm dứt nhưng dịch chưa chấm dứt, vì vậy chúng ta không được chủ quan và vẫn cần tiếp tục công bố số liệu về dịch hằng ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận