21/03/2020 10:33 GMT+7

Tìm thị trường mới cho hàng xuất khẩu

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Bộ Công thương sẽ làm việc trực tiếp với các hiệp hội, ngành hàng để theo dõi sát tình hình và kiến nghị cụ thể, thiết thực nhất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thương mại bán lẻ suy giảm mạnh.

Tìm thị trường mới cho hàng xuất khẩu - Ảnh 1.

Tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), tài xế được kiểm tra y tế trước khi đưa hàng xuất sang Trung Quốc - Ảnh: L.THANH

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã cho biết như vậy tại cuộc họp bàn các giải pháp ứng phó với dịch Covid-19 vào chiều 20-3, nhất là trong bối cảnh một số đối tác nhập khẩu hàng VN tại Mỹ và EU thông báo hủy, giãn đơn hàng.

Theo chỉ đạo của ông Trần Tuấn Anh, các vụ thị trường ngoài nước phải theo dõi kịp thời diễn biến về các chính sách thương mại của các nước, chủ động phân tích, dự báo kịch bản để có thông tin cập nhật bổ sung kịp thời báo cáo Chính phủ, cung cấp đầy đủ cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) và hiệp hội. 

Các đơn vị nghiệp vụ cũng được yêu cầu làm việc với các ngành hàng, hiệp hội... để có báo cáo Chính phủ những chính sách hỗ trợ cụ thể với các DN, đặc biệt lưu ý cơ chế hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, nộp thuế, giảm chi phí đầu vào, mặt bằng, logistics, tiếp cận thị trường...

Cũng tại buổi làm việc, bà Nguyễn Cẩm Trang - phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - cho biết hoạt động giao thương với Trung Quốc đã bắt đầu khôi phục gần đây. 

Tuy nhiên, một số thị trường xuất khẩu lớn như EU và Hoa Kỳ lại đang gặp khó, nhiều nhà nhập khẩu đề nghị giãn tiến độ và thời gian giao hàng khiến hoạt động sản xuất của các DN bị ảnh hưởng.

"Tuần tới chúng tôi sẽ làm việc với ngành hàng để rà soát lại các thị trường chưa bị ảnh hưởng nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. 

Với một số DN bị lùi, giãn tiến độ giao hàng phải chịu chi phí lưu thông và lưu bãi, cục sẽ làm việc với Bộ GTVT nhằm tháo gỡ khó khăn" - bà Trang nói.

Theo ông Tạ Hoàng Linh - vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, dù phái đoàn Liên minh châu Âu tại VN khẳng định các hàng hóa dịch vụ cơ bản vẫn tiếp tục lưu thông, đặc biệt hàng thiết yếu (như lương thực, thực phẩm, thuốc men...), nhưng việc các nước EU đóng cửa biên giới sẽ làm chậm trễ dòng chảy thương mại và dịch vụ, lưu thông hàng hóa trong thời gian tới.

"Phía Hoa Kỳ cũng khẳng định không áp dụng bất kỳ biện pháp nào ngăn chặn việc tiếp cận thị trường với DN xuất khẩu của VN. Dù vậy, nhu cầu hàng hóa xuất khẩu cũng sẽ giảm do các nhà bán lẻ đóng cửa, nên những mặt hàng không thiết yếu sẽ bị giảm tiêu thụ" - ông Linh cho biết.

Ông Trương Thanh Hoài - cục trưởng Cục Công nghiệp - cho biết các ngành công nghiệp đều chịu tác động rất nặng. Trong đó, ngành dệt may và da giày đang gặp nhiều khó khăn do các nhà mua lớn tại Mỹ và EU yêu cầu hủy đơn hàng tháng 3 và hoãn đơn hàng tháng 4-6, dù việc cung cấp nguyên vật liệu từng bước được cải thiện.

"Tiêu dùng trong nước chỉ 10% so với năng lực sản xuất của toàn ngành dệt may và da giày. Số lượng lao động hai ngành lên tới hàng triệu lao động, phần đông là lao động nông thôn nên công tác an sinh xã hội đặt ra rất lớn" - ông Hoài nói, đồng thời đề nghị cần có biện pháp duy trì sản xuất tối thiểu cho ngành này.

Nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc tăng trở lại

Tính đến cuối tháng 2-2020, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trị giá nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc đạt hơn 9,29 tỉ USD.

Trong đó, các mặt hàng máy móc thiết bị phục vụ sản xuất (máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng) trị giá gần 2 tỉ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 1,613 tỉ USD; điện thoại các loại và linh kiện 888,9 triệu USD; vải các loại 813 triệu USD...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Thu Nga, phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Hữu Nghị (Lạng Sơn), cho biết hoạt động xuất nhập khẩu giữa VN và Trung Quốc qua cửa khẩu này (hàng hóa chủ yếu là các nguyên liệu công nghiệp) đã trở lại bình thường.

Hàng xuất hàng nhập về số lượng, trị giá và số thu thuế đều tăng trưởng trở lại so với cùng kỳ năm ngoái.

Mỗi ngày có hàng trăm xe hàng gồm máy móc thiết bị, linh kiện điện tử, nhựa và sản phẩm từ nhựa... nhập về để phục vụ sản xuất trong nước và cả gia công xuất khẩu.

Tính đến ngày 13-3, trị giá nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị là 131,3 triệu USD và xuất khẩu là 36,5 triệu USD, giảm lần lượt là 19% và 73,3% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, ông Dương Xuân Sinh, phó cục trưởng Cục Hải quan Lào Cai, cho biết ngoài than cốc nguyên liệu nhập từ Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường thời gian qua, hàng nông sản VN (dưa hấu, thanh long, mít, chuối...) xuất sang Trung Quốc cũng nhộn nhịp trở lại, sau khi các cửa khẩu của hai nước đã mở trở lại.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tính đến ngày 17-3 là 249,9 triệu USD, bằng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, do dịch bệnh vẫn còn phức tạp nên cả phía VN và Trung Quốc giám sát chặt chẽ công tác kiểm dịch như phun khử trùng cho xe hàng, lái xe phải mặc đồ bảo hộ y tế, đo thân nhiệt...

L.THANH

Nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa

cong ty co phan may binh minh

Các doanh nghiệp dệt may thừa nhận sẽ gặp nhiều khó khăn sau khi các nhà nhập khẩu từ Mỹ và EU đề nghị hủy, hoãn đơn hàng do dịch COVID-19 - Ảnh: T.V.N.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hùng, chủ tịch Tổng công ty 28, cho biết DN này nhận được yêu cầu khẩn của nhà đặt hàng từ Mỹ đề nghị ngưng tất cả các đơn hàng, trừ những đơn hàng đã làm thủ tục xuất khẩu và đang trên đường giao hàng.

Với các DN làm hàng FOB, nhà nhập khẩu cũng yêu cầu tạm ngừng đặt hàng nguyên phụ liệu cho toàn bộ đơn hàng mới.

Riêng tại thị trường EU, nhiều đối tác đề nghị tạm ngưng đơn hàng của một số mặt hàng đến hết tháng 3-2020, bởi có xuất qua cũng không bán được vì không có ai mua tại thời điểm này.

Ông L.N. - phó tổng giám đốc doanh nghiệp chuyên xuất khẩu giày thời trang (Bình Chánh, TP.HCM) - cũng cho biết các nhà mua hàng tại EU đã yêu cầu tạm dừng sản xuất các mã hàng mới, chỉ kiểm kê số lượng sản phẩm đã sản xuất hoàn chỉnh rồi chờ thông báo mới.

"Có một số mã hàng chúng tôi đã đưa nguyên liệu về nhà máy, chuẩn bị tổ chức sản xuất theo mẫu nhưng phải dừng lại. Có lô hàng chúng tôi đã "đóng công" (container - PV) xong, giờ đành phải tháo ra chứ không lại mất phí lưu kho bãi" - ông L.N. nói.

Theo ông Diệp Thành Kiệt - phó chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách VN (Lefaso), với động thái mới này của các nhà nhập khẩu từ Mỹ và EU, nhiều DN trong nước, nhất là DN thuần túy thương mại có quy mô nhỏ sẽ bị thiệt hại nặng. Bởi khi các nhà nhập khẩu "bỏ của chạy lấy người" sẽ tác động dây chuyền lên các DN trong chuỗi cung ứng hàng cho các nhà nhập khẩu này.

"Lefaso chưa có số liệu chính thức về mức độ thiệt hại từ thành phần các DN vừa và nhỏ đề cập ở trên.

Nhưng tỉ lệ DN trong nước sẽ khó khăn, tiến tới cho công nhân nghỉ bớt việc và đóng cửa sản xuất từ đây đến cuối tháng 4 sẽ không dưới 50%, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp" - ông Kiệt nhấn mạnh.

TRẦN VŨ NGHI

Hơn 15% số doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất vì COVID-19 Hơn 15% số doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất vì COVID-19

TTO - Trong tháng 2-2020, khoảng 10% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất. Đặc biệt, chỉ 2 tuần đầu tháng 3, khi dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp, trên 15% doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên