
Dòng chữ tượng hình Pharaoh có khắc con dấu hoàng gia thuộc về vua Ramses III của Ai Cập cổ đại ở Jordan - Ảnh: Bộ Du lịch và Cổ vật Jordan
Ngày 19-4, Bộ trưởng Du lịch và Cổ vật Jordan, bà Lina Annab thông báo các nhà khảo cổ nước này phát hiện một dòng chữ tượng hình Ai Cập cổ đại, trong đó có khắc con dấu hoàng gia của Pharaoh Ramses III (trị vì từ năm 1184 - 1153 trước Công nguyên).
Đây là lần đầu tiên một chứng tích như vậy được phát hiện trên lãnh thổ Jordan, mở ra chương mới trong việc nghiên cứu mối quan hệ giữa nền văn minh sông Nile và khu vực bán đảo Ả Rập rộng lớn.
Bà Annab không giấu được sự phấn khích khi gọi Jordan là một "thư viện mở" với di sản chữ khắc phong phú, đồng thời nhấn mạnh dòng chữ tượng hình mới phát hiện trên cung cấp góc nhìn mới quan trọng về di sản chữ viết của quốc gia Trung Đông này.
Bước tiến quan trọng trong nghiên cứu khảo cổ học
Đồng hành cùng bà Annab là nhà khảo cổ học nổi tiếng Ai Cập - tiến sĩ Zahi Hawass. Ông nhấn mạnh: “Đây là dòng chữ đầu tiên thuộc loại này được tìm thấy tại Jordan và là minh chứng hiếm hoi, cụ thể cho sự hiện diện của nền văn minh Ai Cập cổ trong khu vực”.
Ông cho biết hai dòng chữ được tìm thấy bao gồm tên khai sinh và tên ngai vàng của Pharaoh Ramses III, qua đó khẳng định vị vua này từng cai trị cả Thượng và Hạ Ai Cập.
Tiến sĩ Hawass đánh giá đây là phát hiện có ý nghĩa lớn, mở ra khả năng hiểu sâu hơn về sự tương tác giữa Ai Cập cổ với vùng Levant phía nam và bán đảo Ả Rập từ hơn 3.000 năm trước.
Ông kêu gọi triển khai các cuộc khai quật có tổ chức tại khu vực này nhằm tìm thêm hiện vật, giúp làm sáng tỏ mối quan hệ lịch sử giữa Jordan và Ai Cập.

Pharaoh Ramses III được xem là vị vua vĩ đại cuối cùng của thời kỳ Tân Vương quốc Ai Cập - Ảnh: Arkeo News
Nỗ lực hợp tác giữa Jordan và Ủy ban Di sản Saudi Arabia đang hướng tới việc truy dấu các chiến dịch quân sự của Ramses III trong khu vực, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nghiên cứu khảo cổ học.
Pharaoh Ramses III (trị vì từ năm 1186 - 1155 TCN) được xem là vị vua vĩ đại cuối cùng của thời kỳ Tân Vương quốc Ai Cập. Ông nổi tiếng với các chiến công chống lại nhóm “Người Biển” - liên minh các nhóm cướp biển từng đe dọa sự ổn định của Ai Cập.
Ramses III cũng là người xây dựng nhiều công trình đồ sộ, trong đó có đền Medinet Habu - nơi thờ cúng và là minh chứng quyền lực của ông.
Nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa chung của các dân tộc
Cộng đồng khảo cổ quốc tế bày tỏ sự phấn khích trước phát hiện này. Tiến sĩ Aktham Owaidi, quyền tổng giám đốc Cục Cổ vật Jordan ca ngợi sự hợp tác quốc tế và tầm quan trọng của việc trao đổi văn hóa - khoa học.
Ông khẳng định Jordan tiếp tục là ngọn hải đăng di sản, có ảnh hưởng lớn ở cả khu vực và thế giới.
Giáo sư Ahmed Lash và tiến sĩ Ali Manaseer - hai nhà khảo cổ học người Jordan cũng đang tích cực tham gia ghi nhận và phân tích dòng chữ.
Đây được xem là một phần quan trọng trong kho tàng chữ viết cổ của khu vực, phản ánh nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa chung của các dân tộc.
Bộ trưởng Annab bày tỏ lòng biết ơn trước những đóng góp của tiến sĩ Hawass trong lĩnh vực khảo cổ và bảo tồn di sản, đồng thời nhấn mạnh vai trò của sự hợp tác quốc tế trong việc làm sáng tỏ nền văn minh cổ đại.
Bà cho biết thông báo chính thức về phát hiện này sẽ được công bố sau khi hoàn tất quá trình nghiên cứu và phân tích, nhằm đảm bảo cái nhìn toàn diện về ý nghĩa lịch sử của nó.
Phát hiện này không chỉ làm phong phú thêm câu chuyện khảo cổ của Jordan, mà còn củng cố vị thế của vương quốc như một nhân tố trọng yếu trong bức tranh lịch sử khu vực, phản ánh mối liên hệ sâu sắc giữa các nền văn minh cổ đại từng tồn tại và giao thoa tại đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận