Dù lấy bối cảnh xã hội Ai Cập cổ đại vào những năm 1390 - 1335 trước Công lịch, nhưng những bài học cuộc sống cùng triết lý nhân sinh sâu sắc mà bộ tiểu thuyết lịch sử Người Ai Cập - Quyền lực và Tình yêu đem lại vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay.
Mika Waltari đã thành công trong việc gợi lên trong lòng người đọc những suy tư, trăn trở về thân phận nhỏ bé của con người trước những biến động của thời cuộc; về cách chúng ta cố gắng tồn tại trên cõi đời này; về niềm khao khát theo đuổi tình yêu, tìm kiếm hạnh phúc; cũng như cách dũng cảm đối mặt với khó khăn, vượt lên nghịch cảnh, hóa giải xung đột trong cuộc sống.
Hình ảnh con người trong Người Ai Cập - Quyền lực và Tình yêu hiện lên với sự đan cài giữa dục vọng bản thân cùng những mâu thuẫn nội tâm giằng xé nhân vật. Như Sinuhe, tuy thông minh, tài giỏi nhưng lại điên cuồng mù quáng trước mối tình vô vọng thời trai trẻ.
Anh hiền lành, thiện lương nhưng đứng trước ngọn lửa hận thù, Sinuhe sẵn sàng trả thù Nefernefernefer vì đã gây ra cái chết của cha mẹ mình, ngay cả khi anh biết "sự trả thù này thật trẻ con".
Sinuhe giàu lòng trắc ẩn, hết lòng chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, nhưng vẫn có thể nhẫn tâm hại người khi giúp tể tướng Horemheb giết chết vua Aziru xứ Amor, đầu độc Pharaon Ekhnaton, hoặc bí mật ám sát hoàng tử Shubattu "để cứu Ai Cập khỏi ách cai trị của Hittite"…
Có thể thấy, cả cuộc đời mình, Sinuhe đã kết giao với nhiều nhân vật nổi tiếng nhưng đằng sau những mối lương duyên đặc biệt ấy đều nhận về kết cục u buồn.
Đến cuối đời, Sinuhe vẫn không thể thoát khỏi nỗi dằn vặt lương tâm khi "cảm giác rằng cái chết luôn theo dấu chân tôi bất cứ nơi nào tôi đến". Nhìn vào cuộc đời sóng gió của Sinuhe, ta như cảm nhận được sâu sắc nỗi cô đơn và cảm giác xa lạ của con người trên thế gian.
Dưới ngòi bút tài hoa của Mika Waltari, các nhân vật trong câu chuyện, và dường như nhân loại nói chung đều mải miết trên hành trình tìm kiếm sự thật và tình yêu trong nỗi day dứt khôn nguôi.
Nhưng với những điểm yếu cố hữu của con người, họ luôn bị giày vò bởi những dục vọng tham lam, sự nghi kỵ lẫn nhau.
Cuộc cải cách của Pharaon Akhenaton chính là "nút thắt" đẩy bi kịch lên đến cao trào khiến những mộng tưởng bấy lâu của Sinuhe về một thế giới hòa bình dần vỡ vụn.
Giống như Sinuhe, Pharaon Akhenaton mơ về một xã hội bình đẳng, không phân biệt người giàu với kẻ nghèo, nơi tất cả người dân có thể chung sống an vui, hòa thuận với nhau.
Tuy nhiên, đáp lại các chính sách hướng thiện của Akhenaton, người dân Ai Cập vẫn nghi ngờ, thù ghét nhau, từ đó gây nên cuộc nội chiến kinh hoàng…
Người Ai Cập - Quyền lực và Tình yêu không chỉ xoay quanh tình bạn, tình yêu chốn vương triều mà còn đại diện cho khát vọng mưu cầu hạnh phúc của con người.
Tiếc thay, quãng thời gian hạnh phúc của các nhân vật, cũng như nền hòa bình của các quốc gia trong tác phẩm lại thường tồn tại ngắn ngủi và nhanh chóng biến tan trước những tham vọng, âm mưu quyền lực, nỗi bất an thời thế, từ đó để lại cho người đọc cảm giác tiếc nuối lẫn nỗi day dứt về sau.
Dù tác phẩm thấm đẫm nỗi buồn mênh mang, nhưng dư vị đọng lại trong lòng độc giả sau khi khép lại bộ sách lại là sự dịu ngọt của tình người, là tình cảm gia đình thiêng liêng vượt lên trên tình máu mủ, là những năm tháng tuổi trẻ được sống hết mình vì lý tưởng, vì tình yêu quê hương da diết...
Ta dường như cảm nhận rõ niềm hạnh phúc dịu ngọt này khi tác giả đặt cái đẹp và những niềm vui ngắn ngủi ngay cạnh những khổ đau và nghịch lý triền miên, càng làm nét đẹp đó trở nên mong manh và đáng giá hơn gấp bội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận