06/06/2023 10:59 GMT+7

Khúc tráng ca về thảo nguyên Kazakh

Nhà văn Ilyas Yesenberlin người Kazakhstan đã dành 15 năm (từ 1945 đến 1960) tìm kiếm tư liệu lịch sử và văn học dân gian, mất sáu năm miệt mài sáng tạo để hoàn thành bộ trường thiên tiểu thuyết sử thi đồ sộ về dân du mục Kazakh.

Ảnh: MINH TỰ

Ảnh: MINH TỰ

Tác phẩm Dân du mục gồm ba tập: Thanh kiếm yêu thuật (1971), Tuyệt vọng (1973) và Hãn Kene (1969), kể về lịch sử thảo nguyên Kazakh từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19 với những cuộc nội chiến và ngoại chiến nhằm tranh giành ngai vàng, chiếm lĩnh đất đai giữa các hãn quốc và việc họ chống lại sự xâm lược của lân bang cũng như chính sách chia rẽ của đế quốc Nga.

Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam vừa cho phát hành bộ tiểu thuyết này, với bản dịch của Nguyễn Văn Chiến, Lê Đức Mẫn, Trần Bích Thư và Nguyễn Ngọc Hùng.

Có điều gì mà thảo nguyên ấy chưa từng chứng kiến, có những biến động nào mà thảo nguyên đó chưa hề trải qua trong lịch sử hàng thế kỷ của mình! Có lẽ trên Trái đất này không có những kẻ chinh phục nào từng đi qua xứ sở này lại không phải vượt bằng lửa và gươm.
Trích Dân du mục (Ilyas Yesenberlin)

Miêu tả mấy trăm năm chiến tranh không ngừng nghỉ, tiểu thuyết Dân du mục là một khúc tráng ca vĩ đại về thảo nguyên Kazakh với hai cung bậc nổi trội là hùng tráng và bi tráng.

Hùng tráng bởi âm hưởng của những cuộc tranh hùng tranh bá chát chúa gươm đao, rầm rập vó ngựa rung chuyển đất trời của hàng trăm trận đánh giữa các phe phái.

Bi tráng bởi âm thanh não nùng từ tiếng khóc của biết bao mẹ già, vợ góa, con côi sau những trận chiến một mất một còn của các chiến binh vốn sinh ra trong những bộ tộc lấy chiến chinh làm lẽ sống còn.

Bi tráng còn bởi tiếng khóc nức nở bao trùm khắp thảo nguyên trong chuyến di cư cuối cùng của những người dân du mục mất đời sống tự do và độc lập dân tộc khi rơi vào vòng kiềm tỏa của Sa hoàng.

Bằng lối viết dữ dội giàu chất bạo lực qua bút pháp trực tả; cách kể chuyện đan xen giữa thực và mộng, giữa những sự kiện thuộc sử biên niên với những ca khúc dân gian và mô típ điềm triệu; sự bện xoắn nghiệt ngã giữa ái tình, quyền lực và cung kiếm, yêu đương và thù hận, chinh phạt và chinh phục..., nhà văn Ilyas Yesenberlin đã tái hiện một cách sống động bức tranh lịch sử đậm chất Kazakh mà con cháu của Thành Cát Tư Hãn đã vẽ nên trên đất đai của tổ tiên mình.

Ngập tràn binh đao, chết chóc, tranh đoạt, trừng phạt và thử thách trong suốt 500 năm, thảo nguyên Kazakh là một đấu trường đẫm máu.

Không phủ tràn màu xanh mênh mông như thảo nguyên của các dân tộc khác trên thế giới, thảo nguyên Kazakh đỏ sậm màu máu chiến trận bởi tham vọng của các bậc đế vương và của kẻ ngoại xâm.

Trước khi Ilyas Yesenberlin viết Dân du mục, vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nghiêm túc nào về quá khứ của người Kazakh cũng như những vấn đề phức tạp nhất của lịch sử quốc gia trong suốt 500 năm qua.

Vì thế, Ilyas Yesenberlin được xem là nhà văn đầu tiên thể hiện lòng dũng cảm sáng tạo và tinh thần công dân tuyệt vời khi thực hiện công việc khó khăn và đầy trách nhiệm này. Tác phẩm của ông đã góp phần khắc phục những khoảng trống trong văn học Kazakhstan về đề tài lịch sử, "bù đắp cho những gì khoa học đã bỏ lỡ".

Từ khi ra đời cho đến nay, bộ tiểu thuyết Dân du mục đã được xuất bản 50 lần, tổng số phát hành 3 triệu bản, được dịch ra 30 thứ tiếng khác nhau và được trao Giải thưởng Nhà nước Kazakhstan.
Không ngờ bút còn nặng hơn phấnKhông ngờ bút còn nặng hơn phấn

Một cuốn sách đầy nặng trĩu. Ngay cái nhan đề Nặng hơn cầm phấn và độ dày 600 trang, bìa cứng trang trọng, đã cho thấy sức nặng của cuốn sách.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên