Khẩu trang vải kháng khuẩn được bán trong một siêu thị ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Trên thị trường đang tràn ngập sản phẩm khẩu trang vải đội lốt 'kháng khuẩn' đánh lừa người tiêu dùng, với đủ loại giá cả.
Giá rẻ, bán chạy
Dạo quanh nhiều tuyến đường ở TP.HCM, các mặt hàng khẩu trang vải được quảng cáo "kháng khuẩn", tái sử dụng 10-15 lần, đủ màu, đủ chất vải được bán với giá từ 2.000-10.000 đồng/chiếc.
Đến địa chỉ một điểm được quảng cáo bán khẩu trang vải chỉ 2.000 đồng/chiếc, kháng khuẩn, có thể tái sử dụng nhiều lần của ông H. (Q.Bình Tân), khi hỏi kỹ về khả năng kháng khuẩn, ông này thừa nhận: "Cái này làm bằng vải cát, thấm nước, không thể kháng khuẩn được".
Dù quảng cáo một đằng, sản phẩm một nẻo, nhưng ông H. khoe: "Chạy hàng lắm, mới tức thì gửi về Bến Tre mấy ngàn cái".
Tìm mua vài trăm chiếc khẩu trang kháng khuẩn cho nhân viên công ty, chị Lan (Công ty X, Hà Nội) như lạc vào mê hồn trận.
Tìm kiếm thông tin rồi tiếp cận một nhà phân phối khẩu trang kháng khuẩn, tự giới thiệu theo tiêu chuẩn Nhật Bản, chị Lan khá hoang mang khi giá "rẻ bất ngờ", chỉ 10.000 đồng/chiếc và có giảm giá nếu lấy số lượng lớn.
"Đây là mức giá khá thấp so với thông tin được Vinatex giới thiệu là mua 10 chiếc hay cả nghìn chiếc cũng đều có giá bán duy nhất là 14.000 đồng/chiếc" - chị Lan nói.
Khảo sát của Tuổi Trẻ ở Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh thành, một số chợ và các cửa hàng bán khẩu trang mọc lên khắp nơi, nhiều sản phẩm được giới thiệu kháng khuẩn, kháng virus, chống bụi, ngăn ngừa vi khuẩn... bày bán mà không có nhãn mác, tên nhà sản xuất.
Chị Mai (chủ một cửa hàng bán đồ trẻ em) cho biết chuyên phân phối khẩu trang vải kháng khuẩn dành cho trẻ em cho một thương hiệu thời trang. Do đơn vị này nhập vải từ một số đơn vị cung ứng vải kháng khuẩn của Vinatex về may nên chi phí sản xuất cao hơn, giá bán ra cho mỗi chiếc khẩu trang là 15.000 đồng.
Trong khi đó, Vinatex cho hay hiện phần lớn số lượng vải do Vinatex sản xuất đều chỉ cung ứng cho nội khối và số lượng vải kháng khuẩn bán ra ngoài cho các doanh nghiệp may rất thấp.
Phân phối có vấn đề?
Đại diện một doanh nghiệp sản xuất khẩu trang trẻ em (đề nghị không nêu tên) cho rằng hiện nay việc phân phối khẩu trang vải ra thị trường đang có vấn đề.
Nhu cầu thị trường rất lớn, nguồn cung cũng đa dạng, quảng cáo là sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn, kháng virus nhưng thực tế chất lượng ra sao thì chưa được kiểm chứng.
"May khẩu trang rất đơn giản, chỉ cần một cái máy may và nguyên liệu vải, mỗi ngày có thể may hàng trăm chiếc, nên nếu không có tuyên truyền, hướng dẫn phân biệt khẩu trang thường với khẩu trang vải, kiểm tra kiểm soát chặt chẽ hơn thì người tiêu dùng rất khó phân biệt được" - doanh nghiệp này cho hay.
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Cao Hữu Hiếu, phó tổng giám đốc Vinatex, cho biết tổng sản lượng khẩu trang vải phòng dịch được tập đoàn này đưa ra từ đầu tháng 2 đến nay đạt hơn 38 triệu chiếc, phần lớn đều đáp ứng theo đơn đặt hàng số lượng lớn.
Do vậy, công ty chỉ bán lẻ ra thị trường một lượng phù hợp tại các điểm phân phối hàng thời trang của Vinatex và các nhà bán lẻ, khoảng 5,7 triệu chiếc.
Mỗi điểm bán lẻ của tập đoàn cung ứng mỗi ngày 150.000-200.000 chiếc, nên mỗi khách hàng mua lẻ cho một lần chỉ 5 chiếc khẩu trang.
Đặc biệt, theo ông Hiếu, nếu mỗi ngày một công nhân may được 400-500 chiếc khẩu trang thường thì với khẩu trang kháng khuẩn, kháng giọt bắn chỉ được 200 chiếc.
Về cách phân biệt, ông Hiếu cho hay các sản phẩm khẩu trang của Vinatex và đơn vị thành viên đều có kèm giấy chứng nhận, hướng dẫn sử dụng, tem nhãn rõ ràng.
Với dòng sản phẩm khẩu trang vải kháng giọt bắn và kháng khuẩn được đựng trong hộp có mã vạch để người tiêu dùng kiểm tra hàng thật hàng giả.
Hãy tra cứu địa chỉ bán khẩu trang chất lượng
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Trần Hữu Linh, tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), xác nhận đã phát hiện và thu giữ nhiều khẩu trang thông thường 3, 4 lớp nhưng ghi là khẩu trang y tế.
Theo ông Linh, nhu cầu tăng cao dẫn tới một số đối tượng đã gia tăng sản xuất, kinh doanh trà trộn các trang thiết bị y tế, khẩu trang không bảo đảm chất lượng, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Như ngày 21-3, quản lý thị trường phát hiện tại TP.HCM một công ty sản xuất khẩu trang kháng khuẩn có nhãn ghi không đầy đủ nội dung bắt buộc, lên tới hơn 30.000 chiếc.
Tại Bình Dương phát hiện gần 17.000 chiếc khẩu trang vải không ghi rõ nhãn hàng hóa, một số gói hàng thì ghi dòng chữ "khẩu trang vải kháng khuẩn", nhưng hầu hết chủ hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ.
Ông Linh cho biết để hỗ trợ người dân, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) đã cung cấp trên trang thông tin điện tử của Bộ Công thương (moit.gov.vn) thông tin về danh sách hơn cả ngàn điểm bán khẩu trang vải các loại trên địa bàn một số tỉnh, thành phố trong cả nước.
Người dân nên tra cứu để mua sắm, tránh mua phải hàng nhái, kém chất lượng.
Theo thông tin từ Sở Công thương TP.HCM và ghi nhận thực tế, nhiều hệ thống siêu thị như Co.op Mart, Vinmart, Lotte Mart, Satra, Big C... đang cung ứng đa dạng các loại khẩu trang, trong đó có khẩu trang vải kháng khuẩn.
Nếu người dân phát hiện hệ thống phân phối nêu trên không cung ứng khẩu trang vải kháng khuẩn có thể phản ảnh về đường dây nóng: Phòng quản lý thương mại, Sở Công thương TP.HCM, số điện thoại 028 38291670; 0909.495.868; 0909.495.166 để kịp thời xử lý.
N.TRÍ
Không dễ đạt chuẩn vải kháng khuẩn
Ông N.H., một chuyên gia trong ngành dệt may, sau khi xem tận mắt một loại khẩu trang vải bên ngoài bao bì có ghi dòng chữ quảng cáo "tăng sức đề kháng, phòng dịch hiệu quả, kháng khuẩn chất lượng cao" có giá bán 10.000 đồng/cái đã tỏ ra nghi ngờ.
Tháo một cái để xem lớp vải lót bên trong, ông N.H. khẳng định miếng lớp lót ở giữa chỉ là loại giấy có tính năng chống thấm nước, cản bụi, thường dùng trong các màng lọc của các thiết bị sinh hoạt gia dụng.
Theo ông N.H., nếu muốn đề cập đến khẩu trang kháng khuẩn đạt đúng chất lượng, thì điều quan trọng đầu tiên là phải sử dụng đúng loại vải có áp dụng quy trình phun kháng khuẩn khi sản xuất ra loại vải đó.
Vị chuyên gia này cũng cho biết thêm, thậm chí các thông số kỹ thuật về ngoại quan, hiệu suất lọc, trở lực hô hấp và giới hạn cho phép của các kim loại nặng cũng nằm trong tiêu chí bắt buộc phải có khi kiểm nghiệm mẫu vải, nếu thật sự nói là dùng vải kháng khuẩn để may khẩu trang, còn không thì chỉ toàn là "treo đầu dê, bán thịt chó".
Trong khi đó, Viện Nghiên cứu dệt may VN cho hay phải mất ít nhất 4 ngày thực hiện quy trình phun kháng khuẩn mới cho ra kết quả kháng khuẩn gấp 100 lần so với các loại vải thông thường.
TRẦN VŨ NGHI
www.moit.gov.vn là địa chỉ bạn đọc có thể truy cập để tra danh sách các điểm bán khẩu trang được Bộ Công thương giới thiệu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận