Trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Mai Hương - phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội - cho biết ngay khi sự việc xảy ra, sở đã làm việc với bà T.T.T. (chủ quán phở) và xác định hình ảnh trích xuất camera tại nhà bà T. là đúng sự thật.
Ngay sau đó, sở đã mời chủ tài khoản TikTok V.M.L. - là người tố chủ quán phở đuổi khỏi quán vì ngồi xe lăn - lên làm việc.
Tuy nhiên, bà Hương cho biết tại buổi làm việc, được nửa buổi thì ông V.V.N. (tên thật của TikToker V.M.L.) lấy lý do sức khỏe không đảm bảo nên không ký biên bản và xin phép làm việc vào buổi tiếp theo.
"Sau đó, TikToker này không quay trở lại làm việc. Chúng tôi đã mời rất nhiều lần, phối hợp với công an địa phương gửi giấy mời 3 lần nhưng ông V.V.N. không đến làm việc".
"Cho đến nay Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông chưa trực tiếp làm việc nên chưa thể kết luận vi phạm của TikToker V.M.L." - bà Hương thông tin.
Dù vậy, theo vị lãnh đạo sở này, căn cứ vào quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, ông N. vi phạm 2/4 nguyên tắc ứng xử chung là tôn trọng, tuân thủ pháp luật và chịu trách nhiệm về các hành vi ứng xử trên mạng xã hội.
"Một số hoạt động những người làm nội dung thông tin ở môi trường mạng, bên cạnh doanh nghiệp và cá nhân đưa thông tin tốt, chính xác nhưng còn nhiều TikToker, người làm nội dung thông tin không chính xác, thông tin bẩn. Những hoạt động này cần được chấn chỉnh.
Chúng tôi mong muốn những người như anh N. có trách nhiệm hơn khi tham gia môi trường mạng, khi có hành vi không phù hợp trên môi trường mạng" - bà Hương nói.
Trước đó, vụ việc một nam thanh niên đi ăn tại quán phở ở Hà Nội nhưng "bị đuổi vì… ngồi xe lăn" lan truyền trên mạng xã hội những ngày qua.
Theo nội dung bài đăng trên Facebook, tài khoản V.M.L., với gần 150.000 lượt theo dõi, cho biết anh cùng bạn gái đến một quán phở ở Hà Nội. Do bị liệt, anh L. phải ngồi xe lăn.
Khi nhờ nhân viên bê xe qua bậc tam cấp, họ đã bị từ chối với câu trả lời "quán em không có nhân viên để khiêng người như anh".
Đến quán phở thứ hai, L. cho hay đây là quán quen, hai người vào ăn bình thường. Chỗ ngồi nhỏ, L. hơi chen vào chỗ bà chủ quán. "Bà đứng phắt dậy, mắng nhân viên: Ai nhận cái ngữ này vào đây ăn?".
Sau khi nhận được câu trả lời từ nhân viên rằng bình thường anh L. vẫn ngồi đây, bà chủ tiếp lời: "Không bán được, đã thế thì tôi đứng…", anh L. viết.
Anh V.M.L. cho biết: "Bữa ăn nghẹn ứ ở cổ, thật khó nuốt". Anh nói mình đã quen với cảm giác này rồi, nhưng bạn gái "nước mắt bắt đầu rơi".
Dưới bài đăng, L. kể thêm việc sau đó đi uống cà phê, anh vô tình gặp những vị khách nước ngoài lần đầu đến du lịch tại Hà Nội và nhận được một món quà kỷ niệm kèm lời động viên từ họ.
Bài viết sau khi đăng tải đã nhận hàng trăm ngàn tương tác. Đến nay, bài viết đã được L. ẩn khỏi trang cá nhân.
Nói với Tuổi Trẻ Online, chủ quán phở gà trên phố Nam Ngư khẳng định bà không dùng câu từ như mạng xã hội chia sẻ để nói với khách hàng.
Theo chủ quán, vài ngày trước, L. cùng bạn gái đến quán ăn phở. Do lối vào quán nhỏ (chưa đầy 1m) và trời có mưa, chủ quán đã mời hai người ngồi quán cà phê đối diện rồi sẽ cho nhân viên bê phở sang tận nơi.
"Bạn ấy tươi cười, ăn uống bình thường, nhưng sau đó đăng bài lên mạng xã hội ám chỉ chúng tôi miệt thị là không đúng", bà nói và khẳng định không hề đuổi khách, thậm chí còn chưa từng nghĩ đến từ "ai nhận cái ngữ này vào đây ăn".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận