30/08/2019 08:39 GMT+7

Tiếp sức đến trường: Nhỏ Lệ không rơi nước mắt

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TTO - Nhỏ Lệ là tên của một nữ tân sinh viên ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị vừa trúng tuyển vào ngành kỹ sư công nghệ thông tin Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM.

Tiếp sức đến trường: Nhỏ Lệ không rơi nước mắt - Ảnh 1.

Dù khuyết tật, Lệ vẫn làm tất cả việc nhà đỡ đần cha mẹ - Ảnh: HÀ TRANG

Cái tựa của câu chuyện về Nhỏ Lệ hoàn toàn không có ý "chơi chữ" dù "nhỏ lệ" khiến chúng ta liên tưởng tới nước mắt rơi. Nhưng tự thân câu chuyện đời của Lệ đã đủ sức thuyết phục chúng tôi như một tấm gương nghị lực phi thường.

Đôi chân không khớp gối

Ở thôn Vân Tường, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, từ bao năm nay Lệ luôn là một hình ảnh được bạn bè nhìn vào để thấy mình như được tiếp thêm năng lượng và nghị lực.

Mười chín năm trước, khi Lệ cất tiếng khóc chào đời, nước mắt cũng chảy trên gương mặt những người thân khi thấy hình hài của em không được bình thường. Đôi chân em không có khớp gối, không thể đứng ngồi như người khác. Lớn lên một chút, đứng lên được trên đôi chân không có khớp gối nhưng đi lại với em là một cực hình. Ông nội xót xa và làm khai sinh đặt luôn tên của đứa cháu gái mình là Trương Thị Nhỏ Lệ, cái tên như một ám ảnh buồn thương.

Nhà gần trường mẫu giáo, trong khi bạn bè cùng trang lứa nhảy múa đùa vui thì Lệ chỉ ghé mắt vào sân trường nhìn các bạn nô đùa rồi nhìn xuống đôi chân của mình. Đôi chân ấy, bước đi được đã là chuyện gian nan, nói gì đến múa ca, chạy nhảy. Nhưng Lệ không khóc. Không được vui đùa như bạn bè, không chơi những trò nhảy dây, đánh chuyền, cút bắt nhưng Lệ khao khát được đi học. Trên đôi chân không lành lặn bình thường và vóc dáng bé như que kẹo ấy, Lệ đã bước từng bước không chỉ bằng đôi chân khuyết tật mà bước đi bằng tất cả ý chí phi thường của mình.

Học xong cấp II, tưởng rằng những gian nan bạn phải vượt qua để được đến trường vậy là quá đủ, nhưng vào đầu năm học lớp 10, dông bão cuộc đời lại thử thách Lệ thêm một lần nữa, khi bạn đối mặt với căn bệnh suy tim. Chỉ nhập học lớp 10 chưa được một tháng thì Lệ nhập viện. Ba tháng trời nằm viện với hai cuộc phẫu thuật, lắp đặt máy trợ tim và thay van tim nhân tạo.

Làm sao có thể hình dung được một cô học sinh 15 tuổi với cả khuyết tật lẫn bệnh tật có thể tiếp tục sự học trong hoàn cảnh ấy. Nhưng với Lệ thì bạn sẽ không bao giờ bỏ cuộc! Giữa những cơn đau, giữa những đợt phẫu thuật, Lệ cầm lấy những cuốn sách lớp 10 mang theo để tự học. Giờ đây nhìn những bạn trẻ sau giờ học trên lớp lại tất tả đến với lớp học thêm, tôi vẫn không thể hình dung làm sao Lệ có thể học trên giường bệnh như thế để khi xuất viện về nhà cũng là lúc chuẩn bị thi học kỳ 1, kết quả của Lệ vẫn đạt khá cao, đủ kiến thức để theo kịp bạn bè.

Không chỉ là một học sinh trong "top" của lớp, của khối, Lệ từng giành được giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn lịch sử. Kỳ thi đại học vừa qua, Lệ đã trúng tuyển vào nguyện vọng 1 ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM với số điểm 21,5.

Học trên những cơn đau

Người Quảng Trị ngày xưa ví von sự gian nan khi canh tác trên vùng đất khắc nghiệt này đã nói rằng "một cân thóc ở Quảng Trị nặng hơn cân thóc ở nơi khác" là bởi cái ý phải bỏ ra quá nhiều mồ hôi, nước mắt và có khi cả máu để có được hạt thóc vàng. Nghĩ về con số 21,5 điểm cho ba môn thi của Lệ, tôi lại liên tưởng đến chuyện cân thóc kia, bởi kết quả đó Lệ đạt được không theo cách bình thường. 

Lệ giành được nó giữa những cơn đau, giữa những ca phẫu thuật, giữa những tiết học đang ngồi trong lớp bỗng tím tái khó thở và thầy cô ôm Lệ đặt lên xe máy chở đi cấp cứu kịp thời; là hàng trăm lần ngã trẹo hông, trầy trụa thịt da khi bấm bíu đến trường trên đôi chân không có khớp gối. Vì thế, điểm số của Lệ cũng chắc chắn "nặng" hơn điểm số của các bạn bình thường!

Hôm Lệ vào TP.HCM nhập học, cha mẹ vẫn chưa kiếm đủ tiền trang trải; một mình cô bé cao chưa tới 1m, chưa lần nào xa nhà vẫn đón xe đò vào Sài Gòn nhập học. "Sao bố hay mẹ không đưa Lệ vào?". "Bố còn phải đi làm thêm vài hôm nữa để gom đủ tiền xe mới vào được, lại còn thuê phòng trọ sao cho tiện để em có thể đến giảng đường". 

Giữa một Sài Gòn đông đúc ngờm ngợp người xe như thế, có thể bạn sẽ thấy một cô học trò Quảng Trị đang nuôi ước mơ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin dù đang bước những bước chông chênh trên đôi chân tật nguyền.

Với mọi người, khi viết về sự lựa chọn ngành nghề có thể họ sẽ gửi gắm vào đó bao nhiêu mơ mộng và khát vọng, bao nhiêu hoài bão và cống hiến. Còn với Lệ, trong hồ sơ gửi cho chương trình học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ, phần trả lời câu hỏi "Vì sao bạn chọn ngành học này?", câu trả lời là: "Vì được ngồi một chỗ, ít đi lại". Ước mơ và lựa chọn của Lệ trước hết là sự nỗ lực để đạt được sự phù hợp với hoàn cảnh của chính mình.

Vì thế, dù tên bạn là Nhỏ Lệ nhưng Lệ sẽ không bao giờ rơi nước mắt!

Cô Dương Thị Lệ Thu, giáo viên chủ nhiệm của Nhỏ Lệ trong suốt ba năm học THPT, cho biết: "Nhỏ Lệ là một trong những học sinh đặc biệt của lớp và trường. Mặc dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bản thân lại bị dị tật bẩm sinh, vận động khó khăn, sức khỏe yếu, nhưng bằng sự nỗ lực và cố gắng không ngừng nghỉ, Lệ đã gặt hái được nhiều thành tích tốt trong học tập và rèn luyện".

Cô Lệ Thu nói ở Lệ luôn tràn đầy sự lạc quan và những ước mơ cháy bỏng mặc dù em là người khuyết tật. Em xứng đáng là tấm gương sáng về nghị lực vượt khó để các bạn học sinh trong trường học tập và noi theo. Hi vọng trên bước đường sắp tới, em sẽ tiếp tục nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ của mọi người để giấc mơ bước vào giảng đường đại học của em trở thành hiện thực.

204 suất học bổng cho tân sinh viên Quảng Trị

Tối 30-8, tại TP Đông Hà, Quảng Trị, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh đoàn, Hội Khuyến học, Sở GD-ĐT, Đài PT-TH, báo Quảng Trị và Công ty CP Bình Điền Quảng Trị sẽ trao 204 suất học bổng "Tiếp sức đến trường" cho các tân sinh viên nghèo của tỉnh Quảng Trị.

Theo đó, mỗi suất học bổng được trao sẽ có trị giá 10 triệu đồng. Ban tổ chức cũng chọn ra 8 tân sinh viên trong số đó có hoàn cảnh khó khăn nhất để trao học bổng đặc biệt trị giá 15 triệu đồng/suất. Tổng số tiền được trao tại chương trình này là hơn 2 tỉ đồng do Câu lạc bộ Nghĩa tình Quảng Trị và các nhà hảo tâm tại Quảng Trị tài trợ.

Đây là năm thứ 16 chương trình "Tiếp sức đến trường" của báo Tuổi Trẻ được tổ chức tại Quảng Trị. Trong 16 năm qua, đã có hàng ngàn tân sinh viên nghèo tỉnh này được tiếp sức đến trường.

Danh sách đóng góp của các nhà hảo tâm Câu lạc bộ Nghĩa tình Quảng Trị và Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị đăng trên trang IV, quảng cáo số báo hôm nay.

QUỐC NAM

Tiếp sức đến trường: Nâng bước những mảnh đời Tiếp sức đến trường: Nâng bước những mảnh đời

TTO - 1.745 là số sinh viên Quảng Nam - Đà Nẵng đã nhận được học bổng 'Tiếp sức đến trường' của báo Tuổi Trẻ trong 15 năm qua.

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên