29/10/2018 09:06 GMT+7

Tiền phải tạo ra nhiều tiền

TRẦN HOÀNG NGÂN (ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI)
TRẦN HOÀNG NGÂN (ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI)

TTO - Quản lý nợ có diễn biến mới, nợ công từ gần đụng trần nay đã giảm, ngược lại nợ nước ngoài của quốc gia tăng nhanh và sắp đụng trần 50% GDP - chỉ tiêu Quốc hội giao.

Tiền phải tạo ra nhiều tiền - Ảnh 1.

. Một phần vốn xây cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là vay nước ngoài - Ảnh: HỮU KHOA

Sự kiện này và bài học quản lý vay nợ, cả vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán của các nước châu Á những năm 1997 gợi cho chúng ta suy nghĩ dứt khoát phải quản thật kỹ, không để "mất bò mới lo làm chuồng"…

Không ai muốn nợ nần, nhưng đã làm ăn, muốn đất nước phát triển buộc phải vay mượn để có nguồn lực cho đầu tư phát triển. 

Nhưng việc này phải tuân thủ nguyên tắc "vay, trả sòng phẳng, đúng hạn", không để nợ nần ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, cả trước mắt và lâu dài. 

Vì thế Quốc hội đã đặt ra ngưỡng để kiểm soát nợ: nợ chính phủ, nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia.

Tuy có ý kiến là trần các loại nợ này thấp so với nhiều nước, nhưng đã đặt ra ắt phải tuân thủ. 

Chúng ta đã thành công khi kìm cương nợ chính phủ, nhưng nay nợ nước ngoài của quốc gia tăng lên, chủ yếu do ngân hàng và doanh nghiệp tư nhân đi vay, cho thấy trọng trách đưa nền kinh tế đi lên đã được đặt qua vai của kinh tế ngoài quốc doanh, đó là điều tích cực.

Nền kinh tế với cộng đồng doanh nghiệp, cũng như trong gia đình, dù ai vay vẫn phải trả sòng phẳng. Nếu nhiều thành viên trong gia đình vay trả không sòng phẳng ắt ảnh hưởng đến uy tín, thanh danh cả gia đình. 

Với nợ nước ngoài còn khắt khe hơn, đó là chúng ta vay và trả bằng ngoại tệ. Mà ngoại tệ chúng ta phải tích cóp, dự trữ, luôn dự phòng đủ để trả các khoản nợ đến hạn. 

Nếu không, ở thời điểm nào đó, nhiều người cùng tìm ngoại tệ để trả nợ, cung không đáp ứng cầu dẫn đến cú sốc như tỉ giá tăng, lạm phát cao, ảnh hưởng đến tất cả mọi người.

Chính phủ đã có công cụ để kiểm soát nợ nước ngoài của quốc gia, trong đó có áp "hạn mức vay" của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng không quá 5 tỉ USD/năm cùng các quy định khác về đăng ký thời hạn và nghĩa vụ trả nợ để đảm bảo việc vay trả nhịp nhàng. 

Nhưng vậy vẫn chưa đủ khi có những khoản vay ngắn chuyển sang vay dài hơn, gây khó khăn cho quản lý nợ vay nước ngoài.

Đành rằng doanh nghiệp tự vay, tự chịu trách nhiệm, tự trả. Nhưng muốn đồng vốn quay vòng và có lãi, điều quan trọng không kém đó chính là môi trường kinh doanh. 

Doanh nghiệp có tài ba, có tầm nhìn nhưng hoạt động trong môi trường kinh doanh đầy rủi ro, bị nhũng nhiễu, chi phí cao… khó mà tạo ra vòng quay vốn khép kín. 

Nhắc điều này để thấy rằng những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Chính phủ và cả bộ máy các cấp có phần quyết định hiệu quả làm ăn của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến vay và trả nợ, uy tín quốc gia, đến cuộc sống mỗi người nếu để xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp không trả được nợ nước ngoài.

Chúng ta không lo ngại doanh nghiệp vay nợ nhiều, hoặc sốt ruột khi nợ nước ngoài của quốc gia tăng cao, nếu ngoại tệ vay lại tạo ra ngoại tệ, tiền vay tạo ra nhiều tiền hơn, thêm việc làm, sản phẩm cho xuất khẩu và trả sòng phẳng cho chủ nợ. Đó là hoạt động vay nợ lành mạnh cần khuyến khích.

Nợ nước ngoài: chính phủ giảm, tư nhân tăng Nợ nước ngoài: chính phủ giảm, tư nhân tăng

TTO - Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nêu băn khoăn của nhiều đại biểu Quốc hội về việc nợ nước ngoài của quốc gia tăng.

TRẦN HOÀNG NGÂN (ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên