Một công nhân may tại Hà Nội thực hiện công đoạn là áo - Ảnh: ĐỨC BÌNH
Đó là thông tin nổi bật trong Báo cáo tổng chỉ số nguồn nhân lực 2022 do Manpower Group vừa phát hành. Đây là báo cáo thường niên được tập đoàn tuyển dụng - tư vấn nhân sự này công bố và được tổng hợp từ dữ liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội…
Hiện Việt Nam xếp thứ 47/60 thị trường lao động toàn cầu và xếp cuối cùng trong số 11 quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương được khảo sát. Các thị trường dẫn đầu thế giới là Mỹ, Singapore, Canada, Ireland, Úc, Anh, Israel, Philippines, Mexico và Malaysia.
Theo báo cáo, tiền lương của người lao động Việt Nam hiện là 275 USD, tương đương hơn 6,5 triệu đồng/tháng (khiêm tốn so với trung bình 2.143 USD/tháng của thế giới).
Con số này là mức chi trả hấp dẫn đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Trước đó, Manpower Group cũng đã từng công bố tiền lương trung bình của lao động Việt năm 2021 là 300 USD/tháng.
So sánh với các nước khác, Việt Nam chưa hẳn là thị trường thực sự hấp dẫn. Đơn cử như Philippines, nước này có tiền lương bình quân cao hơn (283 USD/tháng) nhưng trình độ kỹ năng cao hơn hẳn với 18,3% lao động tay nghề cao (so với mức 11,6% của Việt Nam).
Đây là một nghịch lý lớn khi tỉ lệ phổ cập giáo dục cao ở Việt Nam lên tới 88%. Bài toán lao động "chất lượng cao" càng nóng khi thế hệ gen Y, gen Z chiếm gần 1/3 lực lượng lao động trong nước (khoảng 65% tổng số gần 51 triệu người lao động).
“Việc sở hữu một nguồn cung lao động trẻ và dồi dào khi nhiều quốc gia đang phải đau đầu giải quyết vấn đề già hóa dân số là một trong những lý do khiến thị trường Việt Nam được đánh giá cao bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, trình độ kỹ năng là một trong những điểm lao động Việt Nam cần khắc phục để sánh ngang với các thị trường khác”, chuyên gia của Manpower Group đánh giá.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội, tiền lương của người lao động tăng ít nhất 6% so với năm 2021 do Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khởi sắc những tháng đầu năm 2022…
Nói về thị trường lao động, chuyên gia này đánh giá COVID-19 buộc doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh, đồng thời đẩy nhóm lao động chuyên môn thấp, làm theo dây chuyền trước nguy cơ sa thải, giảm việc làm cao.
Như vậy, tiền lương trung bình chỉ nên dùng để tham khảo vì lao động làm việc bán thời gian như xe ôm công nghệ, giúp việc, YouTuber, blogger hay thậm chí công nhân may mặc, điện tử có mức lương tốt hơn rất nhiều.
Bà khuyến nghị Việt Nam cần tập trung vào đào tạo để nâng chất lượng người lao động, ví dụ giảm số lao động nông nghiệp dưới 10% như Trung Quốc, có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đào tạo như chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ cơ sở giáo dục nghề nghiệp hợp tác với công ty.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận