22/01/2017 12:00 GMT+7

Tiền lẻ và kẹt xe

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TTO - Thêm một năm, dịp tết vắng bóng tiền lẻ mới nhưng việc mua bán vẫn diễn ra bình thường.

Xe cộ nằm chắn ngang dọc không có hướng ra tại khu vực trung tâm quận 1, TP.HCM chiều 20-1 - Ảnh: Lê Phan
Xe cộ nằm chắn ngang dọc không có hướng ra tại khu vực trung tâm quận 1, TP.HCM chiều 20-1 - Ảnh: Lê Phan

Có chăng người đi lễ hội, viếng chùa sẽ không vui vì khó tìm được tiền lẻ mới để rải, để dán lên tượng thần thánh.

Cứ thế này, tập tục xấu sẽ dần chỉ còn là dĩ vãng bởi một cơ quan chẳng liên quan gì đến lễ hội, tín ngưỡng, đó là Ngân hàng Nhà nước.

Nói tập tục rải tiền dần biến mất là vì chẳng còn đâu ra những tệp tiền mới cáu, thơm nồng để mà rải, mà dán. Rồi thói quen cũng phải điều chỉnh. Dịch vụ đổi tiền lẻ cũng hết đất sống.

Nếu muốn làm công đức, người ta phải dùng tiền mệnh giá lớn, mà tiền lớn nếu rải, dán thì sẽ không đến đúng địa chỉ, bị lấy mất. Khi đó chỉ có cách duy nhất là bỏ vào hòm công đức. Cúng chùa mà bỏ vào hòm công đức là đúng chỗ rồi.

Nhớ lại, khi thói quen rải tiền, dán tiền vào tượng thần thánh trở thành dịch, nhiều nhà văn hóa đã phân tích về ý nghĩa, chuẩn mực khi làm công đức. Nhưng chẳng ăn thua, người ta vẫn đua nhau rải, dán khiến nhu cầu tiền lẻ tăng vọt.

Tuy nhiên để đi đến quyết định không đưa ra tiền lẻ mới vào dịp tết cũng là quyết định khó khăn với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước.

Không có tiền lẻ mới, người ta lại kêu ầm lên là thiếu tiền lẻ để mua bán, trả lương... dù thực tế không như thế. Không như thời bao cấp, ngày nay chắc chắn thiếu tiền lẻ mới để rải, dán vào tượng thần thánh, nhưng không thiếu tiền lẻ để thanh toán.

Không bản lĩnh, chiều theo thị trường, cứ in và cung ứng thêm tiền lẻ dịp tết thì tệ rải tiền khi cúng chùa sẽ thêm trầm trọng. Làm ngược lại những điều không hay, những thói quen xấu nhưng lại được nhiều người trong xã hội xem đó là bình thường mới là khó.

Không in tiền lẻ mới dịp tết có mấy cái được. Thứ nhất là dần xóa đi thói quen rải tiền, dán tiền.

Thứ hai là tiết kiệm xã hội, từ năm 2013 đến nay là 1.900 tỉ đồng và còn lớn hơn trong những năm tới.

Cái được thứ ba, mới đáng quý, là bài học lớn cho nhiều lĩnh vực khác, đó là khi xã hội có thói quen không tốt, muốn thay đổi, điều chỉnh, uốn nắn thì không thể chỉ trông vào tự giác, lời kêu gọi chung chung, mà người có trách nhiệm phải khéo léo tìm ra giải pháp tinh tế nhưng mạnh mẽ, quyết đoán, chấp nhận chịu áp lực để đạt được mục đích quản lý, cho xã hội tốt hơn.

Bài học không in tiền lẻ dịp tết rất hữu ích khi giải bài toán kẹt xe. Gần đây, các nhà quản lý giao thông đã thức tỉnh rằng phải làm gì đó vì kẹt xe đã đến đỉnh điểm.

Không thể trông chờ giảm kẹt xe bằng ý thức chấp hành luật, văn hóa giao thông. Bởi trong mớ hỗn độn mà hằng ngày phải đối mặt, mọi người phải tranh giành lẫn nhau, bỏ qua mọi nguyên tắc, luật lệ để thoát ra.

Chỉ có làm cái gì đó, như đường riêng cho xe buýt - phát triển giao thông công cộng, đường một chiều - giảm xung đột giao thông; thêm nhiều công an, dân phòng tham gia điều tiết giao thông; sau này thêm nhiều camera để phạt nguội người vi phạm và còn nhiều nữa... thì may ra mới làm thay đổi được tình hình.

Tất nhiên khi làm vậy sẽ đụng chạm, bị phản ứng... từ nhiều người trong xã hội. Nhưng chỉ khi nhà quản lý bản lĩnh, quyết đoán, hành động may ra mới có lối ra. Còn xuê xoa, “đầu hàng” trước áp lực xã hội như nhiều năm qua sẽ là dấu chấm hết khi giải bài toán kẹt xe.

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên