04/08/2021 05:29 GMT+7

Tiêm chủng đạt 70%, Mỹ vẫn lo biến thể Delta

BẢO ANH
BẢO ANH

TTO - Nước Mỹ vừa đạt mốc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho 70% người trưởng thành, nhưng tỉ lệ này vẫn chưa làm chính quyền yên tâm khi dịch vẫn nóng tại một số khu vực.

Tiêm chủng đạt 70%, Mỹ vẫn lo biến thể Delta - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ hai hồi tháng 1 năm nay - Ảnh: REUTERS

Dù chúng ta rất muốn dập xong COVID-19 nhưng rõ ràng đại dịch này vẫn chưa kết thúc. Do đó, cuộc chiến của chúng ta phải kéo dài thêm một chút.

Bác sĩ Rochelle Walensky, giám đốc CDC Mỹ, nói ngày 2-8.

Đầu tuần này, Nhà Trắng thông báo tin vui xứ sở cờ hoa cuối cùng đã đạt mốc tiêm được ít nhất một liều vắc xin COVID-19 cho 70% dân số trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên). Dù vậy, việc đạt được mục tiêu đã chậm hơn một tháng so với kỳ vọng ban đầu của Tổng thống Joe Biden là trước Quốc khánh Mỹ (4-7).

70% mới là mức sàn?

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, đến nay có hơn 180,7 triệu người trưởng thành Mỹ (70% dân số trưởng thành) đã tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19. Trong khi đó, nếu tính toàn bộ dân số Mỹ, có 164,9 triệu người (49,7% dân số) đã tiêm đủ liều.

Về mục tiêu 70% trước ngày 4-7 của ông Biden, hồi tháng 6 ông Jeff Zients, điều phối viên nhóm chuyên trách ứng phó COVID-19 của Nhà Trắng, thừa nhận nước Mỹ cần "thêm vài tuần" để đạt được. Nguyên do là vì sự chần chừ của những người trong nhóm 18 - 26 tuổi.

Cột mốc 70% được giới chức y tế liên bang Mỹ xem như một bước quyết định hướng tới đạt ngưỡng "miễn dịch cộng đồng". Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng chỉ nên coi đây là "mức sàn" chứ không phải "mức trần" của chiến dịch tiêm chủng, nhất là khi biến thể Delta đang lây lan nhanh, theo kênh CNBC.

"Chúng ta (Mỹ) cần có ít nhất 80% dân số được tiêm vắc xin thì mới có thể đạt miễn dịch cộng đồng" - bác sĩ Paul Offit, chuyên gia vắc xin và là thành viên Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), nhận định.

Có lẽ vì vậy mà trong ngày 2-8 không có sự kiện nào chào mừng cột mốc này tại Nhà Trắng, cũng không có mục tiêu mới nào được đưa ra. Dường như nước Mỹ vẫn đang thận trọng đối diện nhiều thách thức trong cuộc chiến chống COVID-19. Với họ, giờ chưa phải lúc để quá lạc quan.

Theo bác sĩ gia đình Natasha Bhuyan ở thành phố Phoenix (bang Arizona), việc 70% dân số trưởng thành được tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19 là cột mốc đáng chú ý, nhưng tình hình tại các địa phương có tỉ lệ tiêm chủng thấp vẫn đáng lo ngại.

Những con số "kinh hoàng"

Lúc này, nước Mỹ đang chứng kiến tình trạng số ca nhiễm tăng vọt trở lại, nhất là ở nhóm người chưa tiêm vắc xin. Giới chức y tế và Chính phủ Mỹ đã cảnh báo về cái mà họ gọi là "đại dịch của những người chưa tiêm vắc xin".

Họ nhấn mạnh những khu vực có số ca nhiễm tăng cao nhất ở Mỹ thời gian qua là những nơi có tỉ lệ dân số tiêm chủng thấp. Gần như tất cả các ca nhập viện, tử vong là những trường hợp chưa tiêm vắc xin.

Dữ liệu của Quỹ Kaiser Family (Mỹ) cho thấy hơn 90% số ca nhiễm và hơn 95% số ca nhập viện, tử vong tại một nửa số bang của Mỹ gần đây chưa tiêm vắc xin COVID-19.

Theo Quỹ Kaiser Family, chưa đến 1% số người đã tiêm vắc xin đủ liều tại mỗi bang trong nhóm đã nêu trở thành "ca nhiễm đột phá" (những người mắc COVID-19 dù đã tiêm vắc xin đủ liều). Tỉ lệ này dao động từ 0,01% ở bang Connecticut cho tới 0,9% ở bang Oklahoma.

Hiện nay Florida, bang đông dân thứ ba của Mỹ, đang là "điểm nóng" COVID-19, chiếm khoảng 1/5 số ca nhiễm mới toàn quốc. Tiểu bang này đã ghi nhận tổng cộng hơn 110.000 ca nhiễm mới trong tuần trước.

Florida ghi nhận tới 21.683 ca nhiễm hôm 31-7 và đây là số ca nhiễm theo ngày cao nhất từ đầu dịch. Hôm 1-8, Florida đã có 10.207 bệnh nhân COVID-19 nhập viện, phá vỡ kỷ lục 10.179 ca nhập viện hôm 23-7-2020, tức cách đây hơn 1 năm.

Ông Steve Geller, thị trưởng hạt Broward của bang Florida, hối thúc người dân đeo khẩu trang và tiêm vắc xin COVID-19 trong bối cảnh số ca nhập viện tiếp tục tăng ở vùng Nam Florida. Tại cuộc họp báo ngày 2-8, ông Steve Geller cho biết các hạt Miami-Dade và Broward đang dẫn đầu nước Mỹ về số ca nhập viện. "Điều này thật kinh hoàng" - Thị trưởng Steve Geller nói.

Thống đốc John Bel Edwards của bang Louisiana đánh giá biến thể Delta đang là "yếu tố thay đổi cuộc chơi". Theo Hiệp hội Bệnh viện Florida (FHA), các bệnh viện nhi đang ghi nhận số ca nhập viện tăng cao trong bối cảnh biến thể Delta lây lan nhanh.

"Việc virus nhắm tới hầu hết người cao tuổi và người có bệnh nền, điều mà bạn thường nghe trong mùa xuân vừa qua, giờ không còn đúng nữa. Virus đang có mục tiêu mới: những người trẻ và chưa tiêm vắc xin" - bà Mary Mayhew, chủ tịch FHA, đánh giá.

200 triệu

Theo trang Worldometers, tính đến ngày 3-8, tổng số ca COVID-19 trên toàn cầu lên tới 199,6 triệu ca, tức gần chạm mốc 200 triệu ca. Đã hơn 1,5 năm kể từ lúc chính thức ghi nhận các ca COVID-19 đầu tiên ở Vũ Hán (Trung Quốc). 5 quốc gia có tổng số ca nhiễm cao nhất thế giới là Mỹ (35,8 triệu), Ấn Độ (31,7 triệu), Brazil (19,9 triệu), Nga (6,3 triệu) và Pháp (6,1 triệu).

BẢO ANH

Hoạt động chế tạo ở châu Á gặp khó do chi phí tăng và biến thể Delta Hoạt động chế tạo ở châu Á gặp khó do chi phí tăng và biến thể Delta

Từng được xem là động lực thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế toàn cầu, các nền kinh tế mới nổi ở châu Á giờ lại đứng sau các nền kinh tế phát triển về đà phục hồi.

BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên