Du khách nước ngoài được hướng dẫn tham quan TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH
Tại diễn đàn "TP.HCM - Kết nối du lịch vùng" do báo Tuổi Trẻ tổ chức chiều 4-4, nhiều ý kiến khẳng định VN đang là điểm đến được du khách quan tâm. Nhưng ngành du lịch chỉ "cất cánh" khi tạo được khác biệt và tăng liên kết…
Trong đó phải tập trung giải quyết bài toán chất lượng sản phẩm, quảng bá để thực sự chạm được vào trái tim du khách.
Nhiều tỉ phú đến Việt Nam
Ông Nguyễn Tuấn Anh, giám đốc Công ty Du lịch chữ ký châu Á - Signature, cho biết rất nhiều tỉ phú, ông chủ của các tập đoàn thế giới đã đến Việt Nam.
"Chúng tôi vừa đón hai vị khách là chủ tịch tập đoàn lớn của Mỹ trong lĩnh vực vũ trụ cùng con gái đến Việt Nam...", ông Tuấn Anh kể và cho hay những khách cao cấp cần những sản phẩm du lịch thật khác nơi họ đang sống nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cao.
Với giới khách sang, ông Tuấn Anh cho rằng Việt Nam đang nổi lên như là điểm đến có nhiều cơ sở lưu trú sang trọng, chất lượng cao.
Nhưng điều đang hấp dẫn du khách chính là ẩm thực đa dạng và VN cần phải tập trung hơn những loại hình ẩm thực khác nhau, đặc biệt là ẩm thực đường phố.
"Ngay cả khách tỉ phú họ cũng rất muốn thưởng thức ẩm thực đường phố, họ muốn cảm nhận nền văn hóa ẩm thực thực sự của Việt Nam, trải nghiệm những cảm giác mà họ không tìm thấy được ở đất nước mình".
Tuy nhiên, thách thức của Việt Nam hiện nay, theo ông Tuấn Anh là làm sao để khách quay trở lại. Cho rằng Việt Nam có lợi thế là người dân thân thiện, hiếu khách; danh lam thắng cảnh đa dạng, tuy vậy giao thông chưa được tốt.
Có thể ban đầu khách thích thú vì ấn tượng với một "thủ phủ của xe gắn máy" nhưng sau một hai ngày giao thông, theo ông Tuấn Anh, đây là vấn đề khách e ngại nhất. Ngoài ra, Việt Nam đang thiếu trung tâm mua sắm đúng nghĩa cho khách, sản vật địa phương còn thiếu.
Hiến kế, ông Tuấn Anh cho rằng Việt Nam phải tạo ra những sản phẩm khác biệt.
"Trong một lần phục vụ khách là người nhà hoàng gia của một nước châu Âu, chúng tôi thiết kế bữa sáng cho họ ngay trong một sân vườn nhà người dân thay vì tại khách sạn. Khách đã rất thích điều này" - ông Tuấn Anh kể.
Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ đồng ý sự khác biệt trong sản phẩm du lịch sẽ tạo nên sự cạnh tranh, hấp dẫn của điểm đến.
Các nước và vùng lãnh thổ đều có những sản phẩm riêng như Singapore có Sentosa, Hong Kong có Disneyland... vậy TP.HCM có gì?
Ông Vũ cho biết sản phẩm riêng là hình thành các đô thị vệ tinh như đô thị lấn biển Cần Giờ với khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, kèm theo đó là không gian khắc phục được các điểm chưa thuận tiện hiện nay như biển nhân tạo, safari ở Củ Chi hay những trung tâm mua sắm tập trung có những điều kiện hoàn thuế thuận lợi...
Đừng triệt tiêu tài nguyên của mình
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, tổng giám đốc Vietravel, cho rằng xét về tài nguyên du lịch, TP.HCM đang có quá nhiều, nhưng đang... lãng phí rất lớn.
Chia sẻ câu chuyện du lịch của Huế đã có chuyển biến, ông Kỳ cho rằng TP.HCM nếu quyết liệt cũng sẽ tạo nên những thay đổi mà đầu tiên nên là các sản phẩm du lịch về đêm.
Các sản phẩm du lịch hiện nay đang nặng về văn hóa. Trong khi theo ông Kỳ, những thành phố của các nước xung quanh đang chứng minh cho câu chuyện du lịch thành công bằng những sản phẩm du lịch về đêm.
Như top 20 điểm đến về đêm lý tưởng, Bangkok đạt 21 triệu lượt khách/năm, London 19 triệu, Singapore 12 triệu...
Những thành phố xung quanh đều có những chương trình buổi tối để giữ chân khách. "Đừng vì ngại nhạy cảm mà triệt tiêu cả tài nguyên vô tận của mình" - ông Kỳ kiến nghị.
Ông Nguyễn Đức Minh Trí (giám đốc Công ty lữ hành Nam Á Châu):
Khách đến TP.HCM chỉ 1 - 2 ngày
Hiện khách đến TP.HCM chỉ chơi khoảng 1-2 ngày là hết, quá ít. TP.HCM phải kéo dài tour ra 5-7 ngày. Để làm được cần sự phối hợp các địa phương lân cận như Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, các tỉnh miền Tây... Bởi chỉ dẫn khách đi danh lam thắng cảnh ở TP, khách dễ nhàm chán.
Vì thế, diễn đàn "TP.HCM - Kết nối du lịch vùng" là thiết thực. Cần thúc đẩy liên kết vùng phát triển mạnh giúp kéo dài thời gian du lịch của khách, giúp không chỉ TP.HCM mà các tỉnh thành tăng mạnh nguồn thu...
Ông Nguyễn Đức Đảm (giám đốc Sở Văn hóa - du lịch tỉnh Tiền Giang):
Chợ nổi Tiền Giang sẽ hồi sinh
Các tỉnh ĐBSCL trong đó có Tiền Giang đang cố gắng gầy dựng lại chợ nổi. Chúng tôi đang xây dựng đề án tăng giá trị chợ nổi bằng cách chuyển chợ sang phục vụ khách du lịch. Tại chợ nổi Cái Bè, chúng tôi đang xây dựng công viên trái cây, năm ngoái đã thu hút được trên 300.000 lượt khách tham quan, hầu hết là khách quốc tế.
Dù hiện còn nhiều khó khăn, duy trì các hoạt động cũng như sản vật có được trên sông không đơn giản nhưng các hoạt động kết nối du lịch sẽ phần nào giải quyết được câu chuyện này. Cách chợ nổi 1km có chợ lúa gạo của Tiền Giang hình thành trên sông, hai bên bờ toàn ghe, tàu chở gạo đi và đưa lúa về. Đây cũng là hướng phát triển sắp tới.
Như Bình - Nguyễn Trí
Ông Dương Phú Nam (phó tổng giám đốc Sun World Holding):
Sẵn sàng ưu đãi cho du khách TP.HCM
Hiện nay, Sun Group chưa có dự án liên kết nào ở TP.HCM, nhưng đây là địa phương cung cấp cho tập đoàn hằng năm một nguồn khách rất lớn, đứng đầu các tỉnh phía Nam. Tập đoàn luôn đánh giá đây là thị trường mục tiêu và muốn có nhiều chương trình kết nối cũng như sẵn sàng dành những ưu đãi để du khách TP.HCM có điều kiện sử dụng các sản phẩm thuộc hệ sinh thái của tập đoàn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận